1001 cách giảm cân: Sự thật về tiêm thuốc tan mỡ giảm béo

Tiêm tan mỡ được nhiều spa quảng cáo là hiệu quả nhanh, ít đau đớn. Nhưng loại thuốc dùng để tiêm là gì, ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe thì không phải ai cũng biết.

Béo phì, thừa cân khiến nhiều người mất tự tin trong cuộc sống. Họ tìm mọi cách để giảm cân, bất chấp hậu quả. Đánh vào tâm lý này, các spa, trung tâm làm đẹp, thẩm mỹ viện đã và đang quảng cáo liệu pháp tiêm tan mỡ giảm béo với những lời hứa hẹn “có cánh” như mang lại kết quả nhanh, an toàn lại không đau đớn. Chỉ cần tiêm thuốc gây tan mỡ vào những vùng "béo" là mỡ sẽ tan đi.

Ghi nhận của Infonet tại một spa ở quận Tân Phú, Tp.HCM, thuốc được sử dụng làm tan mỡ là Phosphatidylcholine. Theo giới thiệu của spa, sau khi tiêm, thuốc sẽ đi sâu vào các mô dưới da làm cho lớp mỡ bên dưới bị tiêu hủy và giải phóng mỡ trong mô, làm giảm lượng mỡ trong cơ thể ngay tại vùng điều trị theo mong muốn, thậm chí ở ngay cả những vùng khó giảm béo nhất.

Để tìm hiểu về hiệu quả thực sự của loại thuốc này, Zing đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc (tu nghiệp tại Thái Lan, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,Tp.HCM).

Đời sống - 1001 cách giảm cân: Sự thật về tiêm thuốc tan mỡ giảm béo

Tiêm Phosphatidylcholine vào mô mỡ rất nguy hiểm, chúng không chỉ phá hủy màng tế bào mỡ mà cả màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh,… (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Ngọc cho biết, Phosphatidylcholine (PCC) ban đầu được lưu hành trên thị trường ở một số nước châu Âu dưới dạng biệt dược tên Lipostabil. Thuốc này được dùng để điều trị thuyên tắc phổi do mỡ trong y khoa nhưng đã bị lạm dụng khi thẩm mỹ. Nếu tiêm chất này lên các lớp mỡ, màng tế bào mỡ bị phá hủy dần dần, khối mỡ dư thừa hóa lỏng thành dạng nhũ tương.

Tiêm thuốc này vào mô mỡ rất nguy hiểm, chúng không chỉ phá hủy màng tế bào mỡ mà cả màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh,… trong vùng tiêm thuốc. Ngoài ra, tế bào mỡ sau khi bị phá vỡ sẽ giải phóng ra triglyceride (dầu) ở dạng nhũ tương. Lượng nhũ tương này nếu không được hút ra khỏi cơ thể sẽ gây ứ đọng tại chỗ.

Cơ thể sẽ giải quyết lượng dầu ứ đọng bằng cách huy động các đại thực bào và bạch cầu trung tính đến thực bào dọn dẹp phần nhũ tương và các tế bào chết này. Vùng được tiêm hình thành một lượng lớn các hạt mỡ di động (nằm trong các bạch cầu và đại thực bào) đi vào trong máu, đến gan, thận để đào thải ra ngoài.

Tuy nhiên, phản ứng này của cơ thể không thể giải quyết ngay lượng lớn triglyceride ứ đọng, gây nên hiện tượng u nang tại chỗ, viêm mô tế bào, thậm chí hoại tử da, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và để lại di chứng thẩm mỹ nguy hiểm. Ở Việt Nam chưa có cảnh báo về chất này, tuy nhiên khi xem thành phần thuốc được các trung tâm làm đẹp sử dụng đều là PPC.

TS.Nguyễn Huy Cảnh, Phó chủ nhiệm khoa Y học thực nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết thêm, hiện nay tiêm thuốc tan mỡ giảm béo có thể có tác dụng. Tuy nhiên chỉ tác dụng ở các vùng mỡ mỏng như ở cằm và ở một số vùng khác. Các tổ chức rộng như bụng, bắp tay, bắp đùi thường tác dụng không khả quan.

Tác dụng có ít, nhưng nếu tiêm ở các cơ sở làm đẹp không an toàn, tiêm ở các spa không đảm bảo thì khi tiêm thuốc này vào mô mỡ rất nguy hiểm, chúng không chỉ phá hủy màng tế bào mỡ mà cả màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh,… trong vùng tiêm thuốc.

Trên thực tế, không ít người đã phải gánh hậu quả vì lựa chọn phương pháp giảm cân này.

Đời sống - 1001 cách giảm cân: Sự thật về tiêm thuốc tan mỡ giảm béo (Hình 2).

TS.BS Ngô Đức Hiệp thăm khám cho bệnh nhân T.C.N.A. sau phẫu thuật. Ảnh: Người Lao Động

Cuối năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM) từng phẫu thuật cứu sống thành công 2 bệnh nhân nữ gặp biến chứng nặng sau khi dùng thuốc tan mỡ tại cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn.

TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng - tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân N.T.P.D. bị hoại tử vùng bụng, 2 đùi và phải phẫu thuật 2 lần vết thương mới lành. Sau 1 tháng nằm viện, hiện sức khỏe của chị D. đã hồi phục và được xuất viện. Bệnh nhân T.C.N.A. có tình trạng nặng hơn, phải trải qua 6 lần phẫu thuật.

Chị A. cho biết sau khi đọc được thông tin quảng cáo tan mỡ của một cơ sở thẩm mỹ trên Facebook, vì nghĩ cơ sở này nằm ở trung tâm quận 1 nên chị an tâm đăng ký dịch vụ tan mỡ: "Ban đầu tôi định làm mỡ bụng nhưng khi tư vấn cơ sở này nói có gói giảm giá từ vài chục triệu chỉ còn 13 triệu cho vùng đùi và bụng. Sau đó, tôi đồng ý làm. Họ tiêm vào 2 bên hông, bụng. Tuy nhiên, sau 10 ngày, tôi xuất hiện triệu chứng sưng, đau, chảy dịch. Do đó, cơ sở này sắp xếp cho tôi phẫu thuật tại 4 nơi khác nhau để điều trị biến chứng".

Chị A. cho biết sau 5 lần phẫu thuật, tình trạng ngày càng nặng. Nhận thấy chị mất máu quá nhiều, người nhà chị tìm cách đưa chị đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.

Theo Tiến sĩ Hiệp, hai bệnh nhân D. và A. nhập viện đều trong tình trạng nhiễm trùng, hoại tử và được phẫu thuật nhiều lần trước đó. Đặc biệt, bệnh nhân A. còn bị mất máu quá nhiều khiến sức khỏe kém. Do đó, bệnh nhân phải được bù thêm máu, đạm để nâng thể trạng cho bệnh nhân.

Tiến sĩ Hiệp cho biết, loại thuốc tan mỡ trên khi tiêm vào cơ thể, đã gây nhiễm trùng lan rộng. Thuốc có cơ chế làm tan tế bào mỡ, đồng thời làm tan tế bào thần kinh, mạch máu và mô liên kết khiến vết thương mãi không lành. Do thuốc di chuyển không thể kiểm soát, không thể ngăn chặn khiến xuất hiện nhiều ổ áp xe mủ. Do đó, bác sĩ phải phẫu thuật cắt lọc, rạch hút ra dịch, mủ, máu liên tục cho đến khi hết lượng dịch tồn dư.

Vì vậy, với những chị em muốn sở hữu thân hình thon gọn, TS Cảnh cho biết cách tốt nhất là cần thực hiện giảm cân khoa học hoặc thực hiện các phẫu thuật hút mỡ tạo hình an toàn hơn. Tiêm giảm béo cũng cần lựa chọn các cơ sở uy tín và cần được tư vấn rõ ràng vì chỉ giảm được một thời gian có thể lại tích mỡ tiếp.

Còn Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Cường, nguyên bác sĩ nội tiết, chuyển hóa tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, cho biết các thuốc quảng cáo giảm béo, giảm cân từ tiêm tới uống đều không phải là giảm cân, giảm mỡ bền vững.

Hiện nay có một số trường hợp béo phì bắt buộc phải điều trị nội khoa bằng cách dùng thuốc nhưng cũng không phải là các loại thực phẩm chức năng, thuốc tiêm để giảm cân.

Bác sĩ Cường cho biết nếu sử dụng các thuốc này chưa rõ nguồn gốc còn nguy hiểm hơn. Tiêm thuốc giảm cân luôn là cách rất nguy hiểm vì gây ra nhiều phản ứng đối với cơ thể, thậm chí là hiện tượng sốc phản vệ gây chết người. Những người có nhu cầu giảm cân nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng để được tư vấn biện pháp thích hợp và an toàn. Để giảm mỡ an toàn cách tốt nhất là thay đổi chế độ ăn và luyện tập. Nếu giảm mỡ xong lại ăn thì không có tác dụng chỉ một thời gian sau mỡ lại tích lại đúng vị trí đó.

Thạc sĩ Cường khuyến cáo mọi người cần cân nhắc rất kỹ trong việc lựa chọn phương pháp tiêm tan mỡ để tránh rủi ro. Giảm mỡ an toàn là kế hoạch lâu dài thậm chí cả đời chứ không phải là giảm mỡ cấp tốc, giảm mỡ bằng kem tan mỡ, thuốc tiêm tan mỡ chỉ là ảo tưởng.