Ai cũng khen ăn cà chua bổ, nhưng những người này ăn vào lại sưng miệng, phù mặt, thậm chí ung thư

CTV
Cà chua nhiều dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe, nhưng không phù hợp với tất cả mọi người. Nếu bạn có những tình trạng dưới đây thì cần lưu ý hạn chế cà chua.

Cà chua được đánh giá là một siêu thực phẩm về mặt dinh dưỡng, là một phần quen thuộc trong bữa ăn của mọi gia đình. Loại quả này có thể ăn sống, nấu chín, làm sốt... Một số câu chuyện đề cập rằng người Pháp có sức khỏe tốt là do uống rượu vang đỏ, trong khi người Ý khỏe nhờ ăn cà chua.

Sở dĩ loại quả này tốt cho sức khỏe là do chứa hàm lượng cao lycopene - sắc tố hữu cơ carotenoid chống oxy hóa, mang lại màu đỏ cho trái cây và rau quả. Có ít nhất hơn 700 nghiên cứu đã chỉ ra, chất carotenoid này có hoạt tính chống oxy hóa mạnh, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư tuyến tiền liệt.

Đặc biệt, ở cà chua chín, lượng lycopene cao hơn 50% so với cà chua sống, theo kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm Mỹ. Ngoài ra, cà chua còn chứa chất chống oxy hóa, đồng thời là chất bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do đối với tế bào và mô. Các gốc tự do được sản sinh quá mức khi cơ thể con người tiếp xúc với môi trường và không khí ô nhiễm, bị nhiễm vi khuẩn và virus hoặc bị căng thẳng về thể chất và tâm lý.

Cà chua tốt như vậy nhưng không phải ai cũng phù hợp với loại quả này. Theo một số nghiên cứu, cà chua có thể gây tác hại nghiêm trọng tới thể chất con người trong một số trường hợp sau:

Quả cà chua không phải ai ăn cũng tốt. (Ảnh minh họa).

Người mắc bệnh về đường tiêu hóa

Cà chua có tính axit, nếu ăn nhiều sẽ tạo ra quá nhiều axit dạ dày, gây ợ chua hoặc trào ngược axit. Trong trường hợp bạn gặp vấn đề về hệ tiêu hóa hoặc mắc bệnh trào ngược dạ dày thì nên ăn ít cà chua. Vỏ và hạt của quả cà chua có tính kích ứng ở mức độ nhất định, có thể gây kích ứng đường tiêu hóa. Do đó, nếu bạn mắc hội chứng ruột kích thích thì cà chua có thể gây chướng, đau bụng.

Người dễ dị ứng

Cà chua chứa nhiều histamine, một hợp chất có thể gây phát ban hoặc dị ứng da. Một số người bị sưng miệng, lưỡi, mặt, hắt hơi, ngứa họng... sau khi ăn. Với những người bị dị ứng khi tiếp xúc với cà chua, da có thể bị ngứa và sưng tấy, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Đối với những bệnh nhân bị dị ứng theo mùa và mẩn ngứa do cơ thể có quá nhiều histamine, ăn cà chua có thể làm tăng nguy cơ phản ứng dị ứng. Ngoài ra, người ăn nhiều cà chua có thể bị sạm da, do chất lycopene vượt quá 75 mg mỗi ngày có thể gây ra bệnh về da. Ăn nhiều, theo thời gian dài dễ gây ung thư máu.

Người bệnh thận hoặc khớp

Bộ Y tế Mỹ khuyến cáo những người bị bệnh thận phải hạn chế thực phẩm chứa kali, đặc biệt là cà chua - loại quả giàu kali và hàm lượng oxalat cao, có thể gây ra tổn thương thận. Ăn cà chua cũng có thể gây sưng và đau khớp với người bị bệnh khớp. Cà chua có chứa solanin - có tác dụng tích tụ canxi trong các mô, có khả năng dẫn đến viêm khớp.