Ba anh em ruột cùng xông pha nơi tuyến đầu chống dịch

Với mong muốn góp sức vào cuộc chiến chống Covid-19 ở TP.HCM, 3 anh em Thiều Minh, Minh Anh, Gia Nghi đã không ngại vất vả, khó khăn cùng tham gia tuyến đầu.

3 anh em là sinh viên y cùng tham gia chống dịch

Sinh ra trong gia đình có truyền thống ngành Y, 3 anh em Quách Thiều Minh, Quách Gia Nghi và Quách Minh Anh đều mơ ước và được bố mẹ định hướng vào trường Y ngay từ nhỏ.

Anh cả Thiều Minh đang theo học khoa Y, còn Gia Nghi và Minh Anh theo học ngành Răng - Hàm - Mặt, cùng thuộc trường đại học Y Dược TP.HCM.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại TP.HCM, cả 3 anh em đã không quản ngại thời tiết nắng mưa, khó khăn, nguy hiểm cùng tham gia tuyến đầu chống dịch.

Thiều Minh là người đầu tiên trong 3 anh em đăng ký tham gia tuyến đầu. Từ đầu tháng 6, khi thành phố kêu gọi sinh viên tham gia hỗ trợ chống dịch đợt đầu tiên, Minh đã lập tức đăng ký.

Đời sống - Ba anh em ruột cùng xông pha nơi tuyến đầu chống dịch

Thiều Minh tại địa điểm lấy mẫu xét nghiệm. (Ảnh: Thanh Niên)

Minh cho biết ban đầu cũng băn khoăn về quyết định này, sợ bị nhiễm bệnh, trở thành gánh nặng cho gia đình. Song cậu cảm thấy việc tham gia chống dịch là cần thiết, nhất là đối với sinh viên ngành y, những người được huấn luyện về kỹ năng y khoa, có kiến thức nhất định trong lĩnh vực y tế.

“Câu hỏi mình luôn đặt cho bản thân: Mình là một công dân được huấn luyện về kỹ năng y khoa, nếu đẩy lùi dịch bệnh không bắt đầu từ những người như mình, ai sẽ góp sức? Mong muốn dịch bệnh qua đi là điều thôi thúc mình mỗi ngày tham gia hết mình chống dịch”, Quách Thiều Minh chia sẻ với Thanh Niên.

Những ngày đầu, Minh tham gia trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm tại những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao nhằm truy vết F0 và F1 trong cộng đồng. Công việc thường kết thúc sau 12h đêm, những ngày cao điểm đến hơn 3h sáng mới xong.

“Công việc nhìn chung đa dạng, do mỗi ngày nhóm lấy mẫu sẽ tiếp xúc với nhiều đối tượng và địa phương khác nhau nên phải thích nghi làm việc với từng địa phương. Ngoài công việc chuyên môn, đôi khi một nhóm gồm vài tình nguyện viên phải đảm nhiệm cả những công việc hậu cần, từ chuẩn bị dụng cụ bảo hộ, vật dụng y tế cho đến điều động người dân địa phương có thể lên đến hơn 1.000 người. Thời điểm đầu, nói thật là chúng mình gặp nhiều khó khăn, cả về nhân lực lẫn khối lượng công việc”, Minh bộc bạch.

Cuối tháng 7, khi TP.HCM bắt đầu triển khai tiêm vắc -xin, Minh cũng đảm nhiệm thêm vai trò Đội trưởng của 14 đội hỗ trợ tiêm vắc- xin trên địa bàn quận 6. Công việc hằng ngày là chuẩn bị dụng cụ bảo hộ, đo sinh hiệu trước tiêm và theo dõi biến chứng sau tiêm. Thường các địa điểm tiêm hoạt động từ 7h30 – 17h, một số địa điểm khác hoạt động buổi tối thì nhóm của Minh cũng linh hoạt theo địa phương. Vì là đội trưởng nên đến tối, khi công việc tiêm vắc-xin kết thúc, Minh còn phải hoàn tất báo cáo hoạt động hằng ngày, trao đổi với địa phương để chuẩn bị cho công việc sắp tới.

Chứng kiến anh trai nhiều khi làm việc đến quá nửa đêm mới về nhà, Minh Anh và Gia Nghi thực sự cảm nhận được sự thiếu hụt nguồn nhân lực và tình hình dịch bệnh phức tạp như thế nào. “Mình và chị gái không chần chừ nữa mà cũng quyết đăng ký tình nguyện luôn. Lúc này, bố mẹ mình cũng không ngăn cản vì cả hai đều đã tin tưởng các con, hiểu rằng đây là việc làm cần thiết và ý nghĩa", Minh Anh nói.

Hiện Minh Anh đang là thành viên nhóm lấy mẫu của quận 5. Còn Gia Nghi tham gia đội tiêm vắc-xin ở quận Bình Tân. Cứ khoảng 7h mỗi sáng, 3 anh em lại đi xe máy từ nhà ở quận 10 tỏa đi các hướng khác nhau, cùng góp sức vào cuộc chiến chống dịch, giúp TP.HCM nhanh chóng “khỏi bệnh”.

Khó khăn nhưng không nhụt chí

Công việc của Minh Anh bắt đầu vào khoảng 7h30 mỗi ngày. Cậu sẽ có mặt tại Trung tâm phòng, chống dịch quận 5 để chuẩn bị những vật dụng cần thiết rồi lên xe đến địa điểm lấy mẫu. Ở điểm lấy mẫu, Minh Anh cùng các tình nguyện viên khác sẽ tìm chỗ để sắp xếp bàn ghế, thiết bị. Sau đó nhóm sẽ phân chia công việc gồm điều phối, lấy mẫu, viết code và test nhanh. Sau khi đã lấy hết mẫu cho mọi người, thường mất 4-7 tiếng, Minh Anh giúp dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn rồi lên xe của phường về lại trung tâm phòng chống dịch.

Vì mới chỉ là sinh viên năm nhất, chàng trai trẻ được các anh chị hướng dẫn rất tận tình. Những ngày đầu, từ các bước vô khuẩn cho đến cách mang, tháo găng tay và PPE đều khiến Minh Anh bỡ ngỡ. Nhưng nhờ được chỉ dạy cẩn thận mọi thứ dần trở nên dễ dàng hơn.

Chia sẻ với Zing về những khó khăn khi tham gia hỗ trợ chống dịch, Minh Anh cho biết: "Mệt nhất là những ngày số lượng ca test nhanh dương tính tăng cao. Một số trường hợp, mình đến nhà để thông báo lấy mẫu PCR và khuyến cáo cách ly tại nhà thì họ đã đi làm. Những lúc như vậy đuối thực sự nhưng mọi người vẫn động viên nhau không nản".

Còn với Thiều Minh, khó khăn đầu tiên là luôn phải chuẩn bị tinh thần cho việc thay đổi chiến lược chống dịch để phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Đời sống - Ba anh em ruột cùng xông pha nơi tuyến đầu chống dịch

Thiều Minh tham gia khám sàng lọc cho người dân trước khi tiêm vắc-xin. (Ảnh: Zing)

“Kể từ khi dịch bệnh bùng phát cho đến nay, mình đã là một người lấy mẫu, một nhân viên hậu cần, một người hỗ trợ tiêm vắc xin, người điều động tình nguyện viên, và cả làm việc chuẩn bị với chính quyền địa phương. Khối lượng công việc rất lớn trong những ngày số ca tăng cao. Có những ngày làm việc trong thời gian dài mà không ăn hay uống nước do cần phải đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn, nên chân tay bủn rủn, người mệt nhoài như muốn đổ gục. Những lúc đó thật sự chỉ muốn được nghỉ ngơi. Nhưng ý nghĩ ấy chỉ xuất hiện thoáng qua, khi nhìn thấy đồng đội vẫn đang miệt mài với công việc, mình lại quyết tâm phải hoàn thành bằng được nhiệm vụ”, Thiều Minh tâm sự với Thanh Niên.

Chàng sinh viên khoa Y cũng thú thật nhiều lúc cảm thấy kiệt sức, cả về thể chất lẫn tinh thần. Không chỉ là áp lực từ công việc, mà đối diện với cảnh đau thương trong dịch bệnh cũng khiến những thanh niên tình nguyện như Minh bị ảnh hưởng về tinh thần. Đã có lúc, Minh muốn dừng lại nhưng rồi suy nghĩ chừng nào dịch bệnh còn kéo dài thì những cảnh tượng đau thương ấy sẽ còn tái diễn. Chính vì thế, cậu không cho phép mình được nhụt chí.

“Nếu mình không giải quyết những việc cần làm, dịch bệnh vẫn sẽ còn đó. Nếu mình góp thêm một bàn tay để làm thì mọi việc sẽ xong nhanh chóng hơn được một chút, và cũng chia sẻ được bớt gánh nặng với những người đồng đội”, Minh nói.

Sau khi tham gia hỗ trợ chống dịch, 3 anh em không có nhiều thời gian cùng ăn cơm, trò chuyện như trước, thế nhưng bằng những câu chuyện kể về một ngày làm việc, về tình hình chống dịch ở nơi mình đảm trách, những cuộc điện thoại hỏi han và đôi ba tin nhắn giữ sức khỏe, họ lại cảm thấy gắn kết với nhau hơn bao giờ hết.

Minh Hoa (t/h theo Zing, Thanh Niên) - Người Đưa Tin Pháp Luật