Báo chí phản ánh dòng chảy chính của xã hội, nhận cho mình một sứ mệnh mới

"Dù là báo hay tạp chí, việc bám sát tôn chỉ mục đích sẽ tạo nên bản sắc của cơ quan báo chí. Thay vì coi đó là “vòng kim cô”, thì hãy cảm nhận đó là một quyền lợi".

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong bài tham luận của Tổng biên tập tạp chí Đời sống và Pháp luật, tạp chí điện tử Người Đưa Tin Pháp Luật Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức sáng 12/1 tại Hà Nội. 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng bộ TT&TT cho biết, bức tranh toàn cảnh về các lĩnh vực thuộc quản lý Nhà nước của bộ TT&TT nổi lên rất nhiều điểm sáng tích cực trong suốt 5 năm 2016 - 2020.

Nói về lĩnh vực báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu báo chí vẫn chỉ đưa tin ai, ở đâu, làm gì, khi nào… thì báo chí vẫn như cách đây hàng trăm năm. Nhưng báo chí phản ánh dòng chảy chính của xã hội, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, ngấm sâu vào từng người dân, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên... thì khi đó báo chí đã nhận cho mình một sứ mệnh mới.

Người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh, bất cứ quốc gia nào hóa rồng, hóa hổ thì đều dựa vào sức mạnh tinh thần là chính. Sức mạnh này sẽ được kích hoạt khi quốc gia có giấc mơ lớn, khát vọng lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị (ảnh: Phạm Tùng).

Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định khát vọng này. Nhiệm vụ của báo chí là khơi dậy khát vọng này ở tất cả người dân Việt Nam. Và từ khát vọng này biến thành hành động phát triển đất nước.

Nhìn lại năm 2020, trong lĩnh vực báo chí tuyên truyền, bộ TT&TT đã thực hiện Quy hoạch báo chí theo Quyết định số 362 ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai sắp xếp tinh gọn các cơ quan báo chí. Hiện nay, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí (năm 2016 có 859 cơ quan báo chí).

Về nội dung này, chia sẻ bài tham luận “Quy hoạch báo chí: Bầu trời trước mặt - con đường dưới chân”, ông Nguyễn Tiến Thanh - Tổng biên tập tạp chí Đời sống và Pháp luật, tạp chí điện tử Người Đưa Tin Pháp Luật – cơ quan báo chí đi đầu trong việc thực hiện Quy hoạch nhìn nhận rằng - việc quy hoạch báo chí đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Theo đó, những quyết sách mang tính đồng bộ của bộ TT&TT đã góp phần quyết định vào việc triển khai bước đầu thành công quy hoạch báo chí. Với tư cách là một “người trong cuộc” đã nếm trải nhiều thăng trầm trong nghề nghiệp, ông Nguyễn Tiến Thanh nhấn mạnh đến những thách thức đang hiện hữu đối với với báo chí nói chung và quy hoạch báo chí nói riêng.

“Đề án quy hoạch báo chí có hai nội dung song hành và không tách rời: Quản lý và phát triển. Nói một cách thẳng thắn, cá nhân tôi nghĩ rằng việc xóa bỏ thực trạng tiêu cực cũng là một trong những mục tiêu nằm trong vế “quản lý” của đề án quy hoạch báo chí.

Tuy nhiên, chắc chắn mục tiêu lớn nhất của việc sắp xếp lại báo chí là để quản lý tốt hơn, qua đó giúp báo chí phát triển, hoàn thành sứ mệnh của báo chí cách mạng. Những hành vi tiêu cực của một bộ phận báo chí thực sự đáng lên án, nhưng nếu doanh nghiệp, địa phương không sai phạm thì họ sao có thể vòi vĩnh, sách nhiễu? Mặt khác, những doanh nghiệp làm ăn chân chính, những địa phương quản lý tốt cần phải có thái độ kiên quyết, nói không với những hành vi tiêu cực của những người làm báo vi phạm đạo đức khi tác nghiệp. Nếu không có nhận thức đúng, việc triển khai quy hoạch báo chí sẽ bị những đối tượng sai phạm, những nhóm lợi ích lợi dụng để cản trở báo chí hoạt động đúng pháp luật”, Tổng biên tập Nguyễn Tiến Thanh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Thanh - Tổng biên tập tạp chí Đời sống và Pháp luật, tạp chí điện tử Người Đưa Tin Pháp Luật chia sẻ bài tham luận tại Hội nghị (ảnh: Phạm Tùng).

Sau đây, chúng tôi xin đăng tải toàn văn bài tham luận để độc giả tiện theo dõi.

Quy hoạch báo chí: Bầu trời trước mặt - con đường dưới chân

Là một người làm báo, tôi rất vinh dự khi được phép phát biểu tại hội nghị tổng kết năm của bộ TT&TT và xin được bắt đầu tham luận này bằng một khung cảnh mà tôi luôn hình dung trong suốt 9 tháng vừa qua, khi cơ quan báo chí của chúng tôi tiến hành chuyển đổi loại hình từ báo sang tạp chí: Một người lữ hành trên chặng đường hướng tới mục tiêu phát triển, trước mặt là bầu trời rộng mở, dưới chân là con đường chông gai, luôn nhìn lên bầu trời để kiếm tìm cảm hứng, khát vọng nhưng cũng không quên nhìn xuống con đường để tránh những cạm bẫy và vấp ngã.

Trong buổi lễ nhận giấy phép chuyển đổi, cầm trên tay tờ giấy A4 mỏng manh mà tôi thấy trĩu nặng tâm tư và trĩu nặng trách nhiệm. Trĩu nặng tâm tư bởi chúng tôi biết rằng cuộc chuyển giao, thay đổi nào cũng đầy khó khăn và thách thức. Trĩu nặng trách nhiệm bởi chúng tôi ý thức rằng, mình đang thực hiện chủ trương quy hoạch của Đảng và Nhà nước đối với báo chí. Và đương nhiên, việc phát triển cơ quan báo chí theo đúng định hướng quy hoạch chính là trách nhiệm trước hết của cá nhân Tổng biên tập và các đồng sự trong toà soạn. Ở góc độ này, cho đến thời điểm hiện tại, cá nhân tôi nghĩ rằng, quy hoạch báo chí mới chỉ mới bước vào hành trình đầu tiên của một chặng đường dài.

Là một người trong cuộc, tôi cảm nhận một cách sâu sắc và mạnh mẽ rằng, quy hoạch báo chí đã bước đầu phát huy hiệu quả. Bằng chứng vào thời điểm thực hiện quy hoạch (1/4/2020), cơ quan báo chí của chúng tôi đối mặt với thách thức kép (chuyển đổi mô hình khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19), nhưng Đời sống và Pháp luật đã cơ bản giữ được phát triển ổn định đối với cả 2 loại hình: Tạp chí in và tạp chí điện tử.

Có thể nói, việc sắp xếp, chuyển đổi loại hình, cấp phép lại cho các cơ quan báo chí trong diện quy hoạch đã in đậm dấu ấn của bộ TT&TT, với sự tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về các thủ tục hành chính phát sinh trong việc chuyển đổi loại hình (ví dụ như việc Bộ trưởng ban hành quyết định để các cơ quan báo chí chuyển đổi giữ nguyên được mã số thuế). Mặt khác, hàng loạt những quyết sách của Bộ trong việc kiên quyết quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật đối với trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội đã tạo động lực cho các cơ quan báo chí phát triển sau quy hoạch. Việc công khai tôn chỉ mục đích và ban hành các văn bản hướng dẫn về hoạt động đúng tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí cũng đã đảm bảo được hoạt động báo chí đúng định hướng, đúng pháp luật, thanh lọc những kiểu làm báo tiêu cực.

Những quyết sách mang tính đồng bộ của bộ TT&TT đã góp phần quyết định vào việc triển khai bước đầu thành công quy hoạch báo chí. Chính vì vậy, tại diễn đàn này, với tư cách là một “người trong cuộc” đã nếm trải nhiều thăng trầm trong nghề nghiệp, tôi xin mạnh dạn nói thẳng thắn về một số thách thức đang hiện hữu đối với với báo chí nói chung và quy hoạch báo chí nói riêng.

Trước hết, tôi nghĩ rằng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để dư luận xã hội hiểu đúng định hướng quy hoạch báo chí. Hiện nay, nhiều nơi đang có cách hiểu một chiều, thậm chí méo mó về việc quy hoạch báo chí, cho rằng báo chí tiêu cực nhiều quá nên phải “siết” lại.

Đề án quy hoạch báo chí có 2 nội dung song hành và không tách rời: Quản lý và phát triển. Nói một cách thẳng thắn, cá nhân tôi nghĩ rằng việc xóa bỏ thực trạng tiêu cực cũng là một trong những mục tiêu nằm trong vế “quản lý” của đề án quy hoạch báo chí. Tuy nhiên, chắc chắn mục tiêu lớn nhất của việc sắp xếp lại báo chí là để quản lý tốt hơn, qua đó giúp báo chí phát triển, hoàn thành sứ mệnh của báo chí cách mạng. Những hành vi tiêu cực của một bộ phận báo chí thực sự đáng lên án, nhưng nếu doanh nghiệp, địa phương không sai phạm thì họ sao có thể vòi vĩnh, sách nhiễu? Mặt khác, những doanh nghiệp làm ăn chân chính, những địa phương quản lý tốt cần phải có thái độ kiên quyết, nói không với những hành vi tiêu cực của những người làm báo vi phạm đạo đức khi tác nghiệp. Nếu không có nhận thức đúng, việc triển khai quy hoạch báo chí sẽ bị những đối tượng sai phạm, những nhóm lợi ích lợi dụng để cản trở báo chí hoạt động đúng pháp luật.

Thứ hai, việc công khai tôn chỉ mục đích của từng cơ quan báo chí để xã hội hiểu rõ và giám sát là cần thiết, tuy nhiên nhiều cơ quan, tổ chức trong xã hội, đang hiểu một cách máy móc, phiến diện về tôn chỉ mục đích của từng cơ quan báo chí cụ thể, dẫn đến những hành xử và cách nhìn nhận không đúng. Ngay trong nội bộ báo chí cũng đang có cách hiểu: Tạp chí cần bám sát tôn chỉ mục đích, còn báo có thể phản ánh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội?

Tôi nghĩ rằng, dù là báo hay tạp chí, việc bám sát tôn chỉ mục đích sẽ tạo nên bản sắc của cơ quan báo chí. Thay vì coi đó là “vòng kim cô”, tôi cảm nhận đó là một quyền lợi. Quyền lợi đó chỉ phát huy hiệu quả và tạo sự công bằng khi các cơ quan quản lý không chỉ thiết lập những đường ray về phạm vi, tôn chỉ, mục đích để các cơ quan báo chí vận hành đúng hướng, mà còn xây dựng những hàng rào bảo vệ chính đáng cho không gian thông tin riêng của từng cơ quan báo chí.

Thứ ba, hiện nay cơ quan báo chí vẫn đang thiếu “điểm tựa” khi dấn thân vào các “điểm nóng” vì chưa được bảo vệ khi bị vu cáo trong các đơn từ sai sự thật. Từ góc độ thực tiễn, kể từ sau khi chuyển đổi loại hình theo quy hoạch, thực trạng này gia tăng đáng kể.

Trên thực tế, có khoảng hơn 90% đơn thư khiếu nại là sai, vô căn cứ thậm chí vu cáo, bịa đặt, xúc phạm danh dự phóng viên và cơ quan báo chí. Nhưng theo trình tự, đơn gửi đến các cơ quan quản lý về báo chí thì tòa soạn phải giải trình, phải tìm lại hồ sơ, họp, làm văn bản, theo bám các quá trình xử lý vụ việc... Nhưng đến khi làm rõ được vấn đề, thì người vu cáo, nhục mạ cơ quan báo chí lại không bị xử lý dưới bất cứ hình thức nào. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều đối tượng sai phạm, tiêu cực lạm dụng “chiêu” này để vô hiệu hóa, làm nản lòng báo chí khi tham gia đấu tranh chống tiêu cực.

Thứ tư, trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật Báo chí đang có một lỗ hổng về điều kiện để thành lập cơ quan báo chí: Không có quy định cụ thể nào về điều kiện cơ sở vật chất, về tài chính để cơ quan báo chí đó hoạt động. Trong khi đó, tại các văn bản hướng dẫn thi hành luật Xuất bản lại có quy định rõ ràng về việc cơ quan, tổ chức xin phép thành lập nhà xuất bản cần chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất (trụ sở đáp ứng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc; có đủ trang thiết bị để tổ chức xuất bản); điều kiện về tài chính (có ít nhất 5 tỷ đồng để bảo đảm hoạt động xuất bản). Các điều kiện này được cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra kỹ lưỡng trước khi cấp phép. Chính kẽ hở này đã dẫn đến một hệ lụy: Nhiều cơ quan báo chí được thành lập mà không có đủ các điều kiện cần thiết, đặc biệt là cơ sở vật chất và tài chính để hoạt động. Và đương nhiên, những tiêu cực trong hoạt động báo chí chủ yếu tập trung ở những cơ quan này.

Thứ năm, cá nhân tôi nghĩ rằng, trong mối tương quan với sự phát triển của công nghệ và các loại hình truyền thông khác, quy hoạch báo chí sẽ tạo động lực để tái lập vai trò định hướng, dẫn dắt dư luận của báo chí cách mạng trong xã hội thông tin thời công nghệ số. Nhưng nghịch lý là trong muôn vàn thách thức khi chuyển đổi theo quy hoạch, thách thức lớn nhất đối với chúng tôi lại đến từ chính hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, một tồn tại mà theo cá nhân tôi, về bản chất là không phù hợp cả về pháp lý và đạo lý.

Đáng mừng là gần đây, cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành những văn bản pháp quy quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp (quy định việc dẫn link nguồn, tên miền không được giống tên miền báo chí v.v…). Tuy nhiên, việc các tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí được cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp (website), xuất bản thông tin báo chí lên Internet với điều kiện được 3 cơ quan báo chí cho phép dẫn nguồn là vấn đề cần xem xét. Các website này tuy không được phép sản xuất thông tin báo chí, đều được thiết kế giống như báo điện tử, không có gì khác biệt cả về hình thức và nội dung.

Cá nhân tôi thiển nghĩ rằng, đây là một kẽ hở chí tử cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn. Về khái niệm, việc đăng phát thông tin báo chí lên Internet do người cung cấp tự sản xuất hay lấy lại đều là hành vi xuất bản báo chí. Đây là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí, không phải của các tổ chức, doanh nghiệp.

Về loại hình, trang thông tin điện tử tổng hợp và bản tin in là giống nhau, chỉ khác nhau về nền tảng cung cấp thông tin (trên giấy và trên Internet). Từ lâu nay, quy định về việc xuất bản bản tin in của các tổ chức, doanh nghiệp rất chặt chẽ, phân định rõ với cơ quan báo chí, đặc biệt là quy định các bản tin in này không được bán, không được đăng quảng cáo. Nhưng trang thông tin điện tử tổng hợp thì lại không khác gì cơ quan báo chí, ngoài việc họ không được tự sản xuất tin bài.

Với hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi thấy rằng ở các nước hình như không có (hoặc hầu như không có) loại hình “báo chí copy paste” này. Có thể lý giải: Quy định về bản quyền của họ chặt chẽ hơn chúng ta? Theo tôi bản quyền chỉ là phần ngọn, còn phần gốc vẫn chính là việc chúng ta đang đánh đồng khái niệm “cung cấp thông tin lên Internet” nói chung với khái niệm “xuất bản thông tin báo chí trên nền tảng Internet”, do đó đã xuất hiện kẽ hở trong các quy định của pháp luật về báo chí. Theo tôi, đã đến lúc cần phải quy định lại việc hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp theo hướng tương tự như bản tin in (không được đăng quảng cáo và hoạt động thương mại, vì sản phẩm tin tức không phải do họ sản xuất).

Cuối cùng, tôi xin được chia sẻ nỗi niềm băn khoăn của một đồng nghiệp. Cách đây 9 tháng, trong lễ trao giấy phép mới, anh nói riêng với tôi về nỗi lo lắng việc triển khai quy hoạch báo chí sẽ không làm đến cùng, sẽ có “quy hoạch treo” hoặc nắn quy hoạch theo kiểu “đường cong mềm mại”. Khi đó, tôi tin tưởng rằng đề án quy hoạch báo chí với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành sẽ được triển khai đúng tiến độ, tạo hành lang pháp lý và tiền đề để báo chí cách mạng phát triển bền vững, đúng định hướng. Chia sẻ tâm tư của đồng nghiệp trẻ tuổi đó trên diễn đàn này, tôi mong muốn việc thông tin, tuyên truyền về lộ trình quy hoạch báo chí sẽ được tiếp tục triển khai, tạo sự đồng thuận cần thiết trong dư luận xã hội và chính bản thân những người làm báo.

Tôi xin được kết thúc bản tham luận này với một sự tin tưởng mãnh liệt vào cái kết có hậu của một câu chuyện dài: Câu chuyện quy hoạch báo chí. Mọi câu chuyện cổ tích sẽ chỉ kết thúc có hậu với sự nỗ lực không ngừng của các nhân vật chính. Sắp tới đây, Đời sống & Pháp luật sẽ kỷ niệm 20 năm thành lập, nhìn lại chặng đường đã qua và hoạch định cho hướng đi sắp tới, chắc chắn những tháng ngày cháy hết mình với công việc để thực hiện thành công việc chuyển đổi mô hình hoạt động giữa đại dịch Covid-19 sẽ rất khó quên, bởi nó tiếp tục thắp lên thứ ánh sáng quyến rũ, huyền hoặc của nghề báo nói chung và công việc báo chí ở Tòa soạn Đời sống và Pháp luật nói riêng.

Xin trân trọng cám ơn quý vị đã lắng nghe!

(Nguyễn Tiến Thanh - Tổng biên tập tạp chí Đời sống và Pháp luật, tạp chí điện tử Người Đưa Tin Pháp Luật).