Bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong và sau đại dịch Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân, đặc biệt là phụ nữ.

“Gánh nặng kép” trên vai phụ nữ

Theo báo cáo chuyên đề về kết quả công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong và sau đại dịch Covid-19 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại dịch đã tạo thêm những rào cản mới, làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng về kinh tế - xã hội. Cũng như nhiều các quốc gia khác, phụ nữ Việt Nam đang phải đối mặt với những mảng tối của bất bình đẳng giới khi bạo lực gia đình gia tăng, phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc mà không được trả lương, mất việc làm và nghèo đói.

Đợt bùng phát thứ 3 và thứ 4 của đại dịch ở nước ta đã tác động mạnh mẽ đến việc làm, sinh kế của lao động nữ, nhất là lao động trung niên, làm những công việc không ổn định, khiến thu nhập bình quân tháng trong nửa đầu năm 2011 của phụ nữ chỉ bằng 71% của nam giới (4,9 triệu đồng so với 7,1 triệu).

Số lượng các vụ bạo lực gia đình trong thời gian giãn cách xã hội có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của đường dây nóng Ngôi nhà Bình yên tại Hà Nội, Ngôi nhà Ánh dương tại Quảng Ninh nhận được gấp đôi số cuộc gọi kêu cứu trong những tháng giãn cách so với cùng kỳ những năm trước đó. Bên cạnh đó, trách nhiệm chăm sóc người già, người ốm tại nhà trong bối cảnh dịch bệnh, việc đồng hành cùng con học online trong khi vẫn phải làm việc tại nhà đang tạo thêm nhiều áp lực tinh thần cho phụ nữ, khiến cho “gánh nặng kép” trên vai phụ nữ trở nên nặng nề hơn, làm giảm khả năng và tốc độ phục hồi của họ sau đại dịch.

Sự kiện - Bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong và sau đại dịch Covid-19

Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa giúp đỡ phụ nữ, trẻ em trong đại dịch (Ảnh minh hoạ).

Hành động thiết thực giúp đỡ phụ nữ, trẻ em trong đại dịch

Để kịp thời đồng hành, hỗ trợ và đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh dịch bệnh,thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam(LHPN) Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể, thiết thực, vừagóp phần chung tay cùng toàn hệ thống chính trị phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh. Đồng thời, giúp hội viên, phụ nữ, trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi đại dịch sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã kịp thời nắm bắt tình hình, ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp Hội chủ động, phối hợp triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch.

Trước tình hình dịch bùng phát tại Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Trung ương Hội đã ban hành Kếhoạch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phụ nữ chung tay phòng chống dịch Covid, trong đó phát động phong trào thi đua “Phụ nữ cả nước hướng về miền Nam ruột thịt”, phát động chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”; nghiên cứu, tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do Covid 19 trên phạm vi toàn quốc nhằm tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em đến đủ 18 tuổi.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng đã gửi thư thăm hỏi động viên chị em hội viên, phụ nữ và cán bộ Hội 19 tỉnh, thành phía Nam; làm việc trực tuyến với Chủ tịch Hội LHPN 20 tỉnh/thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và Chủ tịch Hội LHPN các tỉnh/thành theo cụm thi đua, nắm bắt kịp thời tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương, những vấn đề khó khăn, bất cập trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, việc giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Ngoài ra, Trung ương Hội chỉ đạo Hội LHPN các tỉnh/thành rà soát, cập nhanh số liệu trẻ em mồ côi cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ do Covid-19 để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời trước mắt cho các cháu. Đồng thời, chỉ đạo Hội LHPN các tỉnh/thành phối hợp với các ngành và địa phương hỗ trợ đưa 2449 phụ nữ mang thai và 2033 trẻ em từ tâm dịch trở về quê tại 16 tỉnh, thành (gồm các tỉnh: Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Gia Lai, Quảng Trị, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Nam, Hà Nam, Thanh Hóa, Bắc Giang, An Giang, Hậu Giang, Hà Tĩnh).

Đề xuất Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 quan tâm tạo điều kiện đưa phụ nữ có thai đang ở vùng tâm dịch về địa phương, tiêm chủng và cung cấp các gói sinh đẻ an toàn.

Đề xuất với Chính phủ một số giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp nữ, gia đình hội viên khó khăn vượt qua dịch bệnh…

Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về các quy định của chính phủ và các địa phương về phòng, chống dịch Covid-19; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ về phòng, chống dịch bệnh tại gia đình, nơi làm việc, nơi sinh sống; đặc biệt là tuyên truyền về các cách làm sáng tạo, hiệu quả của các cấp Hội trong phòng, chống dịch bệnh để lan toả và nhân rộng các mô hình hay, biểu dương kịp thời các hành động đẹp, khẳng định lòng tin của nhân dân với sự chỉ đạo của Đảng.

Linh hoạt chuyển đổi phương thức tuyên truyền để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch tại từng thời điểm, từng địa bàn...

Sự kiện - Bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong và sau đại dịch Covid-19 (Hình 2).

Khai thác, vận động mọi nguồn lực xã hội để kịp thời hỗ trợ nhóm phụ nữ bị ảnh hưởng của dịch bệnh (Ảnh minh hoạ).

Bên cạnh đó, Trung ương Hội trực tiếp vận động nguồn hàng tài trợ từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid của Hội LHPN Việt Nam; giao trách nhiệm cho Hội LHPN cấp tỉnh trực tiếp tiếp nhận và chuyển nguồn hỗ trợ thực phẩm thiết yếu kịp thời cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị tại các vùng an toàn đã đoàn kết, chung sức huy động quyên góp các nhu yếu phẩm thiết yếu để ủng hộ phụ nữ, nhân dân vùng dịch tại các tỉnh/thành phố phía Nam.

Tính từ tháng 1/2021 đến hết ngày 23/9/2021, các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở đã huy động được nguồn lực (gồm tiền mặt, hiện vật…) là 358,95tỷ đồng hỗ trợ phòng chống dịch. Bên cạnh đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và 21 tỉnh/thành đã ủng hộ Quỹ vắc-xin trên 9,4 tỷ đồng (tính đến 20/7/2021).

Hội LHPN Việt Nam cho biết trong thời gian tới, một mặt tiếp tục vận động, phát huy nội lực, vai trò chủ thể của phụ nữ để phòng chống dịch và khôi phục kinh tế trong điều kiện “bình thường mới” ngay từ gia đình, thôn xóm. Đồng thời, khai thác, vận động mọi nguồn lực xã hội để kịp thời hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của phụ nữ, đặc biệt những nhóm phụ nữ bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo Người Đưa Tin