Bầu Đệ: Một số doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh “nằm yên”

Bầu Đệ chia sẻ: Sự thiếu thống nhất trong cách xác định giá trị nộp ngân sách nhà nước tối thiểu khiến cho một số doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh “nằm yên”.

Sau hơn nửa năm triển khai Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư được ban hành đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động lựa chọn nhà đầu tư nói chung và các dự án đầu tư có sử dụng đất nói riêng cho thấy, một số nội dung của Thông tư 06 vẫn gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục về lựa chọn nhà đầu tư.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (BKHDT) đã tổ chức hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư” vào sáng ngày 3/8.

Tham gia hội thảo, ông Nguyễn Văn Đệ (thường gọi là bầu Đệ), Chủ tịch tập đoàn Hợp Lực cho biết, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong cả nước đang băn khoăn, lo lắng do các địa phương đang lúng túng trong việc xác định giá trị nộp ngân sách nhà nước tối thiểu (m3) đối với các dự án có sử dụng đất đã hoàn thành bước sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Bất động sản - Bầu Đệ: Một số doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh “nằm yên”

Ông Nguyễn Văn Đệ (thường gọi là bầu Đệ).

Bầu Đệ cho hay: “Sự thiếu thống nhất trong cách xác định giá trị m3 khiến cho một số doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh “nằm yên”, người lao động không có việc làm, ngân sách nhà nước thất thu”.

Ông nói thêm: Nếu địa phương áp dụng cách tính giá trị m3 theo quy định tại điểm k khoản 2 Điều 47 Nghị định 25/2020 và Phụ lục V, Thông tư 06 của BKHĐT về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25 sẽ tạo ra sự chênh lệch quá lớn.

Cụ thể, tại Điểm k, Khoản 2, Điều 47, Nghị định số 25, giá trị m3 được tính toán bằng cách lấy hệ số điều chỉnh giá trị tăng bình quân sau khi trúng đấu giá của các khu đất, quỹ đất tham chiếu có tính đến yếu tố tương đồng với khu đất thực hiện dự án…

Còn theo Phụ lục V, Thông tư 06, giá trị m3 được tính theo giá bình quân của tất cả các khu đất trên địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện có kết quả đấu giá trong vòng 2 năm trở lại.

Với cách tính giữa Nghị định và Phụ lục trong Thông tư hướng dẫn nêu trên dẫn đến sự thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp có dự án sử dụng đất tại thời điểm trước và sau khi Thông tư 06 có hiệu lực.

Bầu Đệ lấy ví dụ cùng dự án có quy mô 175ha, nếu tính giá trị m3 theo Nghị định 25 thì giá trị khoản tiền mà nhà đầu tư phải nộp vào ngân sách khoảng 2 tỷ đồng. Nhưng nếu tính toán theo Phụ lục V, Thông tư 06, thì giá trị m3 phải nộp cho ngân sách lên tới 580 tỷ đồng, tức là gấp 290 lần so với cách tính của Nghị định 25.

Chính vì sự khác biệt lớn như vậy, ông đặt ra câu hỏi: “Có luật nào phá hẳn cơ chế thị trường không theo quy luật như vậy? Nhà làm luật phải nhìn thấy đó là sai lầm lớn, hoạch định chưa chính xác, thiếu sự tham chiếu trước, trong và sau của các văn bản pháp luật liên quan đến đấu thầu dự án sử dụng đất.

Do đó, không thể chậm trễ hơn được nữa, đề nghị bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp thu ý kiến, nhìn thẳng vào sự thật để sửa đổi Thông tư 06. Theo tôi nên bỏ Phụ lục V, chứ đưa ra hai phương án như đánh đố”.

Cũng tại buổi hội thảo, Luật sư Nguyễn Hồng Chung - Chuyên gia chính sách đầu tư - đưa ra ý kiến: Để đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay cần đẩy mạnh khuyến khích, thu hút đầu tư kiến nghị đổi quy định về việc xác định giá trị m3 tại Phụ lục V Thông tư số 06/2020/TT - BKHĐT theo hướng cho phép người có thẩm quyền, bên mời thầu được chủ động hơn trong việc xác định các khu đất tham chiếu để tính giá trị m3.

Đồng tình quan điểm, ông Trương Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam bổ sung thêm, vấn đề đáng trăn trở nhất hiện nay là việc so sánh các vị trí đất với nhau, nhất là vị trí của những khu đất có cùng mục đích sử dụng.

Do đó, văn bản hướng dẫn luật, nghị định cần phải tiến tới những điểm trung hòa về quyền và lợi ích giữa các bên tham gia mới đảm bảo được hài hòa các vấn đề về kinh tế và tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn.