Bé gái bầm tím mặt vì bố "lỡ tay" khi dạy học: Cần khống chế cảm xúc!

Chuyên gia tâm lý đánh giá, sự việc bé gái 6 tuổi ở Bình Dương bầm tím mặt vì cha “lỡ tay" khi dạy học cho thấy, các bậc cha mẹ thiếu cách thức để khống chế cảm xúc.

Bé gái bầm tím mặt vì bố “lỡ tay" khi dạy học

Sáng 1/10, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh kèm bình luận về việc bé gái (6 tuổi) ở Bình Dương bị chính bố ruột của mình bạo hành gây bức xúc dư luận.

Qua xác minh, nạn nhân là bé L.M.H.Y (6 tuổi). Người bạo hành bé được xác định là ông Lê Quốc H. (43 tuổi, cha ruột) và bà Ph. (mẹ kế), cùng ngụ xã Phú An, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Theo lời bà mẹ ruột bé Y., ngày 29/9, cháu Y. bị đánh đập dã man khiến mặt, tay chân sưng, bầm tím. Lúc bị đánh, bé sợ và đã trốn qua nhà hàng xóm. Nhận được thông tin, mẹ cháu bé đã liên hệ xin được đưa con đi bệnh viện khám nhưng ông H. không đồng ý.

Ngày hôm sau, người mẹ trẻ đến Công an xã Phú An trình báo sự việc. Công an xã đã mời ông H. lên làm việc, viết tường trình và cam kết không đánh bé Y.. Trong tường trình, ông H. giải thích “lỡ tay” khi dạy bé học online.

be gai bam tim mat vi bo lo tay khi day hoc can khong che cam xuc dspl 1

Bé Y. bị đánh khiến mặt sưng húp với nhiều vết bầm tím (Ảnh VOV.vn).

Liên quan đến vụ việc này, bà Nguyễn Thị Hà- Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết, ban đầu công an xã chỉ mời ông H. lên làm việc và làm tờ trình, cam kết không được đánh bé. Sau đó, mẹ bé có đơn gửi UBND thị xã tố cáo hành vi bạo hành của ông H., cho nên đã yêu cầu công an mời các bên lên làm việc. Sau khi có kết quả điều tra sẽ cung cấp thông tin vụ việc cho báo chí.

Đây không phải vụ việc hi hữu. Thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành dã man trẻ em lại do chính những người làm cha làm mẹ, những người thân thích ruột thịt trong gia đình gây ra.

Trước đó, ĐS&PL thông tin, ngày 28/9, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can Lê Thành Công (43 tuổi, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) về tội Cố ý gây thương tích theo quy đinh tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Bị can Công bị cáo buộc dùng vũ lực đánh con gái L.H.A. (6 tuổi, lớp 1A16, Trường tiểu học Xuân Đỉnh) trong quá trình dạy con học tại nhà vào trưa ngày 16/9, dẫn đến cháu bé tử vong.

Từ những vụ việc trên, trao đổi với ĐS&PL, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh- Giảng viên khoa Tâm lý, Học viện Hành chính Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận từ nhiều tố khách quan và chủ quan. Ảnh hưởng từ dịch bệnh, điều kiện sống, khả năng điều khiển hành vi của mỗi người... có thể là nguồn cơn dẫn đến những vụ việc không mong muốn nói trên.

be gai bam tim mat vi bo lo tay khi day hoc can khong che cam xuc dspl 2

Hình ảnh cháu bé ở Hà Nội bị bố bạo hành do tiếp thu kiến thức chậm.

Dịch bệnh ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc?

Theo lý giải của bà Nguyễn Thị Minh, dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến nhiều người bị ảnh hưởng tâm lý, khiến con người ta dễ “hung hăng” hơn. Cụ thể, có nhiều người sống trong khu vực phong tỏa dài ngày, cuộc sống bị đảo lộn. Khi nhu cầu cá nhân không được thỏa mãn sẽ làm biến đổi về mặt hành vi.

Bà Minh lấy ví dụ, điều kiện sống ảnh hưởng đến hành vi của từng cá nhân trong mỗi gia đình. Cụ thể, không gian sống không đảm bảo (cảnh thuê trọ chật chội, 5-6 người sống trong 20m2 -PV) có thể dẫn đến sực ức chế về mặt không gian.

Bên cạnh đó, xuất phát từ những stress trong cuộc sống, trạng thái căng thẳng về kinh tế, thất nghiệp... mà nhiều bậc cha mẹ vô cớ “trút giận” lên đầu trẻ.

“Tất nhiên, không phải tất cả mọi người đều bị tác động bởi dịch bệnh nhưng theo tôi đó cũng là một yếu tố”, bà Minh nêu quan điểm. Mặc dù đưa ra yếu tố khách quan để lý giải cho nguyên nhân gây ra vấn nạn bạo hành trẻ trong mùa dịch nhưng bà Minh cũng thẳng thắn “mổ xẻ” lỗi của các bậc phụ huynh.

Vị chuyên gia này nhìn nhận, trong quá trình nuôi dạy con, nhận thức của không ít bậc cha mẹ chưa đúng đắn. Nhiều người vẫn giáo dục con theo quan niệm “thương cho roi, cho vọt”, lấy đánh đập làm phương pháp giáo dục để ngăn chặn hành vi trực tiếp của con trẻ.

Thế nhưng, theo nghiên cứu, phương pháp giáo dục bằng đòn roi gây ra nhiều hệ lụy, để lại sang chấn trước mặt và lâu dài cho trẻ.

“Tôi dẫn vụ việc cháu bé 6 tuổi ở Bình Dương bị bố đánh bầm tím khi học online hay vụ cháu bé học lớp 1 ở Hà Nội bị bố đánh dẫn đến tử vong khi dạy học để minh chứng cho hậu quả trước mắt. Rõ ràng, hậu quả nhiều hơn lợi ích đạt được”, bà Minh nhấn mạnh.

Thông qua những số liệu thống kê, phải nói rằng thực trạng trẻ em bị xâm hại và bạo hành ở nước ta đang ở mức báo động. Những vụ việc được phát hiện ngày càng nhiều hơn, mức độ nặng nề hơn.

Cảm thấy “tổn thương” khi chứng kiến con học online!

“Cũng có trường hợp nhận thức được hậu quả từ việc giáo dục bằng đòn roi là phản khoa học, đánh con là việc làm sai trái nhưng họ lại không kiểm soát được hành vi ở góc độ tâm lý.

Nhận thức là một lĩnh vực; cảm xúc và hành vi là mặt khác của tâm lý. Trong cơn tức giận, họ không không khống chế được bản thân dẫn đến những vụ việc đau lòng”, bà Minh buồn rầu nói.

Theo bà Minh, nhiều bậc cha mẹ hiện nay chưa có phương pháp, cách thức để khống chế cảm xúc. “Điều tiết sự chú ý hoặc cảm xúc khi nhìn đối diện một sự việc là vô cùng quan trọng. Chẳng hạn, khi tức giận, để điều tiết cảm xúc, người đó có thể nhắm mắt lại, hít thở sâu thay vì nhìn vào đối tượng đang gây bực tức cho mình. Thế nhưng, ít ai được thực hành điều đó”, bà Minh nhìn nhận.

Cũng theo bà Minh, cảm xúc của con người có thể đến từ việc trải nghiệm của người đó trước đây. Có thể họ từng sống trong môi trường bị đòn roi, không đủ nhận thức nhìn nhận vấn đề và bắt chước vô thức hoặc có ý thức vào phương pháp dạy con thời điểm hiện tại.

“Người xưa có câu “đem con vào dạ, mạ đi tu”, khi người mẹ mang bầu cũng là lúc bố bẹ phải tu tập, sửa mình, thay đổi mình, hướng đến một môi trường phát triển tốt nhất cho trẻ. Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ khi đã có con nhưng vẫn mang thói quen, sinh hoạt của thời trẻ để áp vào điều kiện thực tế, dẫn đến thiếu phương pháp giáo dục.

Tùy vào lứa tuổi, hoàn cảnh để vận dụng phương pháp giáo dục sao cho phù hợp. Hiện có nhiều phương pháp giáo dục mà các bậc phụ huynh đang ngó lơ. Ví dụ, phương pháp giáo dục thuyết phục, thông qua ngôn ngữ để dạy trẻ hay dùng hình thức khen thưởng để khích lệ trẻ; giáo dục thông qua trò chơi để thể hiện mong muốn của bố mẹ...”, bà Minh lưu ý.

Cũng theo vị chuyên gia này, một khía cạnh không thể không nhắc tới chính là quá trình giáo dục hiện nay, có rất nhiều “hạt sạn”.

“Khi mình ở nhà, quan sát con học online, mình cảm thấy rất tổn thương với phương pháp giáo dục hiện nay. Cách dạy thiếu và yếu kinh nghiệm, giờ giấc học chưa hợp lý.

Tôi là người hoạt động trong lĩnh vực tâm lý, tôi có thể nhận ra sự bất cập trong phương pháp giáo dục, hình thức dạy online nhưng đối với phụ huynh khác thì chỉ nhận ra sự bất thường xuất phát từ chính con cái họ, cho rằng bản tính của đứa trẻ “khó dạy”, không tập trung, gây ức chế cho các bậc cha mẹ dẫn đến có hành vi chưa đúng chuẩn mực.

Học trực tuyến, trẻ rất căng thẳng, thiếu đi sự tập trung. Sự chăm chú vào màn hình khiến trẻ mệt mỏi... Tôi đã tham gia dạy trực tuyến, tôi khẳng định đó là môi trường cực kỳ mệt mỏi và các bậc cha mẹ cần chia sẻ với con, giúp con tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất”, bà Minh liên hệ tình huống cụ thể để chỉ ra sự bất cập từ hình thức dạy online.

Qua những vụ việc trên, nhìn rộng từ việc học online ảnh hưởng đến tâm lý trẻ cũng như các bậc cha mẹ, theo bà Minh, các chương trình giáo dục cần được tinh gọn, thay vì nhồi nhét kiến thức nên áp dụng mô hình lớp học đảo ngược- giao nhiệm vụ trải nghiệm cho trẻ nhiều hơn.

"Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, không ai muốn đánh con mình đến mức tổn thương- đó là biểu hiện của sự bế tắc trong sự nuôi dạy con, là nỗi đau lớn của các bậc cha mẹ", bà Minh chia sẻ.

Trao đổi với báo chí, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ: “Thông qua những số liệu thống kê, phải nói rằng thực trạng trẻ em bị xâm hại và bạo hành ở nước ta đang ở mức báo động. Những vụ việc được phát hiện ngày càng nhiều hơn, mức độ nặng nề hơn.

Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển và hiện đại, dễ phát tán thông tin, đã giúp các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em được phát hiện nhiều hơn so với trước. Ngày xưa, "đèn nhà ai nhà nấy rạng", hàng xóm láng giềng chứng kiến cảnh trẻ em bị bố mẹ đánh đập, nhưng không muốn nói vì sợ mất lòng nhau.

Thế nhưng bây giờ, người dân biết cách lên án bằng nhiều hình thức khác nhau như chụp ảnh, ghi âm, quay clip, rồi đăng tải lên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Từ đó, cơ quan chức năng và truyền thông sớm vào cuộc xác minh, làm rõ”.

Bạo lực không chỉ là hành vi xâm hại sức khỏe mà còn cả về tinh thần của trẻ em. Theo quy định tại Điều 4 Luật Trẻ em 2016, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Đối với trẻ em, chúng ta phải hết sức chú ý lời nói và hành động.

Dù không đánh vào cơ thể trẻ, nhưng có lời nói xúc phạm, mắng chửi, đe dọa,... cũng khiến trẻ phát triển không bình thường. Nếu trẻ bị sang chấn tâm lý, sẽ để lại hậu quả lâu dài. Vết đau cơ thể theo thời gian sẽ dần phục hồi, nhưng thần kinh của trẻ mỗi khi bị tác động, sẽ dần mai một.

Có những trẻ vốn học rất giỏi, nhưng chỉ qua một lần bị đánh đập, bị hù dọa, miệt thị, nếu thần kinh yếu và trẻ chưa phát triển toàn diện, sẽ trở nên lơ ngơ, hoảng sợ, không thể trở lại như bình thường.

Theo số liệu từ Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài đã tiếp nhận 171.019 cuộc gọi, trong đó có 706 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em.

Trong 706 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em có 362 ca bạo lực trẻ em, chiếm 51,27% (cao hơn cùng kỳ năm ngoái 167 ca, tương đương 3,36%); 122 ca xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 17,28% (tăng hơn cùng kỳ năm trước 13 ca, giảm về tỉ lệ là 17,28%).

Trong số 362 ca bạo lực trẻ em, có 315 trường hợp được nhận dịch vụ hỗ trợ, 47 trường hợp không nhận được hỗ trợ. Có 93/112 ca trẻ em bị xâm hại tình dục được nhận dịch vụ hỗ trợ, 19 trường hợp không nhận được hỗ trợ.

Hương Lan - Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Số Thứ 3 (159)