Bệnh viện bác thông tin sử dụng TPCN Kovir Sao Thái Dương cho bệnh nhân COVID-19

Phía bệnh viện Đa khoa Đức Giang khẳng định đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 theo đúng phác đồ của bộ Y tế. Đồng thời khẳng định không sử dụng thực phẩm chức năng viên nang cứng Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương.

Trên các trang mạng xã hội đang ngập tràn các bài đăng khẳng định các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã khỏi hẳn các triệu chứng ho, sốt, đau họng chỉ sau 1-2 ngày sử dụng thực phẩm chức năng viên nang cứng Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương.

Trước thông tin này, sáng 27/7, trao đổi với PV Sức Khỏe Cộng Đồng, đại diện bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã bác bỏ các thông tin trên mạng đang lan truyền. Phía bệnh viện Đa khoa Đức Giang khẳng định đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 theo đúng phác đồ của bộ Y tế. Đồng thời khẳng định không sử dụng thực phẩm chức năng viên nang cứng Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương. Cũng không có chuyện Bệnh viện cung cấp thông tin các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại đây sử dụng thực phẩm chức năng viên nang cứng Kovir mà khỏi các triệu chứng như một số quảng cáo trên mạng.

Như vậy, có thể khẳng định, các thông tin ca bệnh COVID-19 đang điều trị ở bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Long Biên - Hà Nội) đã giảm và hết các triệu chứng sau 2 ngày sử dụng sản phẩm viên nang cứng Kovir của Sao Thái Dương là bịa đặt nhằm tăng giá bán sản phẩm.

Theo thông tin trên báo Kiến thức, dù chỉ là thực phẩm chức năng và không có tác dụng chữa bệnh, nhưng ngay sau khi công văn số 5944/BYT-YDCT của bộ Y tế ban hành, trên mạng xã hội và nhiều trang thương mại điện tử bỗng xuất hiện tình trạng sản phẩm viên nang Kovir được “thổi phồng” công dụng kèm theo đó là giá bán tăng gấp 4 - 5 lần.

anh-chup-man-hinh-20-01-1-1536x896-1627372572.png
Sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên nang cứng Kovir đang được bán với giá 1.000.000 đồng. Ảnh: báo Đầu tư

Trên trang saothaiduong.com.vn, sản phẩm viên nang cứng Kovir (hộp 2 vỉ x15 viên) đang được rao bán với giá là 1 triệu đồng. Trên một trang mạng khác là shop.saothaiduong.com.vn, sản phẩm viên nang cứng Kovir (hộp 1 chai × 60 viên) được rao bán giá 2 triệu đồng.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, việc ban hành Công văn 5944/BYT-YDCT của bộ y tế đã tạo ra điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh vi phạm về quy chế chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo không đúng nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, đầu cơ tăng giả dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và các sản phẩm sản xuất từ dược liệu.

“Bộ Y tế cần có biện pháp như sửa đổi, thay thế văn bản này hoặc cần có văn bản hướng dẫn chi tiết công dụng đối với các sản phẩm này, có khuyến cáo rõ ràng rằng đây không phải sản phẩm đặc trị COVID-19, mà là các sản phẩm từ dược liệu cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cộng đồng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch phù hợp” – luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, việc ghi rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất cũng tạo ra yếu tố cạnh tranh không lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất. Do đó, Bộ y tế cần thận trọng trong việc đưa ra các sản phẩm phù hợp, có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đảm bảo nhằm hỗ trợ trong quá trình điều trị, tạo môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất.

Đối với những cá nhân, doanh nghiệp đầu cơ, tăng giá các sản phẩm thì cần có các biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định pháp luật, để ngăn chặn tình trạng này như: xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm mà có.

Còn đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, hoặc tình hình khó khăn về kinh tế, mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự.

Tùy từng tính chất, mức độ hành vi thì hình phạt cao nhất của tội danh này là bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì hình phạt cao nhất có thể là bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng; cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm theo quy định tại khoản 4 Điều 196 Bộ luật hình sự.