Bỏ con mới sinh có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Sau khi sinh, cô gái trẻ có bị ngất, khi tỉnh lại và sờ vào phía sau đầu của đứa trẻ thấy mềm nên hốt hoảng bỏ đứa trẻ lại ở rừng keo rồi đi về nhà. Vậy hành vi của cô gái đó có bị xử lý hay phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?

Bạn Ngọc Anh (Hà Nam) hỏi: Thời gian trước, khi đi ngang qua rừng keo gần nhà, tôi phát hiện ra có thi thể của một trẻ sơ sinh còn nguyên nhau thai và dây rốn trong tình trạng đã tử vong và bắt đầu phân hủy. Sau khi điều tra cơ quan công an đã xác định được đứa trẻ đó là con của một cô gái thuê trọ cũng tạm trú tại xã của tôi. Theo tôi được biết thì cô gái này đã mang thang được khoảng 9 tháng thì có dấu hiệu đau bụng nên đã đi ra rừng keo để đi vệ sinh. Ngay tại đó, cô gái trẻ đã sinh ra một bé trai cùng với dây rốn và nhau thai. Sau khi sinh, cô gái có bị ngất một lúc cho đến khi tỉnh lại và sờ vào phía sau đầu của đứa trẻ thấy mềm nên hốt hoảng vứt bỏ đứa trẻ lại ở đó rồi đi về nhà. Vậy mong Công ty Luật FDVN (FDVN) có thể tư vấn cho tôi được biết rằng đối với hành vi của cô gái đó có bị xử lý hay phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

boroitre-1614392070.jpg
Bỏ con mới sinh có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Trả lời:

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

[1]. Các vấn đề pháp lý đối với hành vi vứt bỏ trẻ sơ sinh

1.1. Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ vào Điều 22 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP quy định về việc hành vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em như sau:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh;

b) Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật;

c) Cha, mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

[2]. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm tại Khoản 1 Điều này.”

Như vậy, đối với hành vi bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

1.2. Xử lý hình sự

Ngoài ra, căn cứ vào khoản 2 Điều 124 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ dung 2017 quy định về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ như sau:

“1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Như vậy, không phải chỉ hành vi giết con mới đẻ thì mới bị chịu trách nhiệm hình sự mà đối với hành vi vứt con mới đẻ trong vòng 07 ngày tuổi mà dẫn đến đứa trẻ chết thì người mẹ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

Theo Đinh Thị Thông - Công ty Luật FDVN