Bộ GD&ĐT đề nghị ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh

Trước nhưng khó khăn của phương pháp học trực tuyến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, nếu đủ điều kiện, bộ đề xuất ưu tiên tiêm vaccine sớm cho học sinh để các em sớm trở lại trường học.

Theo Zing, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng tám diễn ra ngày 6/9, thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định dạy và học trong điều kiện dịch bệnh hiện nay là nhiệm vụ của ngành giáo dục, cần có sự chung tay, góp sức của của cả xã hội, các bộ ngành, chính quyền địa phương.

Ông nhấn mạnh các cấp, địa phương, cơ sở giáo dục cần tranh thủ thời gian này, giúp học sinh được học tập đầy đủ, kịp thời. Nếu đủ điều kiện, bộ đề xuất ưu tiên tiêm vaccine sớm cho học sinh, giáo viên.

28bf27727930906ec921-1630973956.jpg
Thứ trưởng GD&ĐT đề xuất tiêm vaccine sớm cho học sinh. Ảnh: Zing

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Lao Động, TS.BS Phạm Quang Thái- Trưởng Văn phòng tiêm chủng phía Bắc thuộc viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: "Trong các loại vaccine Covid-19 đang được tiêm, hiện chỉ có vaccine Pfizer đã được phê duyệt để tiêm cho người từ 12 đến 18 tuổi.

Hãng này cũng đã thử nghiệm lâm sàng cho nhóm dưới 12 tuổi. Tại Mỹ, vaccine này được yêu cầu bổ sung đối tượng cho thử nghiệm lâm sàng trước khi FDA Mỹ thông qua cho nhóm trẻ nhỏ hơn. Tuy nhiên, vaccine đã có đủ độ an toàn để tiêm cho trẻ em.

Trong khi đó, vaccine Moderna cũng đã xong thủ tục thử nghiệm lâm sàng và được công nhận tiêm cho trẻ em ở một số quốc gia ở Châu Âu. Một số vaccine khác cũng đã được phê duyệt cho nhóm tuổi này nhưng ở mức độ quốc gia thay vì mức độ toàn cầu".

Theo TS Phạm Quang Thái, tại Việt Nam hiện chưa tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em vì số lượng vaccine còn hạn chế, cần nhắm đến đối tượng nguy cơ cao hơn.

Bên cạnh đó, trẻ em nếu mắc Covid-19 thường có triệu chứng, biến chứng nhẹ hơn rất nhiều so với người lớn mắc bệnh. Tại nước ta, tỉ lệ bệnh nhi mắc Covid-19 trở nặng và tử vong hiện thấp hơn nhiều so với nhóm người lớn.

Về việc học trực tuyến, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin các địa phương hiện thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh cần tận dụng mọi biện pháp như dạy và học qua truyền hình, tổ chức lớp học ảo. Với những nơi đủ điều kiện dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục cần xây dựng phương án nhằm đảm bảo sự an toàn cho học sinh khi đến trường.

Theo ông Sơn, việc dạy học trực tuyến có nhiều ưu điểm và nhược điểm. Học sinh có cơ hội tương tác với thầy cô, nhưng các em cũng gặp một số khó khăn nhất định như thiếu thiết bị, hoặc đường truyền Internet không đảm bảo.

Thứ trưởng nêu ví dụ nếu khoảng 2 triệu học sinh học online cùng lúc, đường truyền sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt. Với điều kiện như thế, các trường rất khó đảm bảo chất lượng dạy và học.

Bộ GD&ĐT đề xuất phương án đẩy mạnh hướng dẫn địa phương, cơ sở giáo dục tận dụng những bài giảng, tài liệu điện tử. Bộ đã chuẩn bị kho học liệu, đăng tải trên cổng thông tin điện tử và YouTube. Học sinh, giáo viên dễ dàng truy cập.

Những bài giảng này cũng được phát hàng ngày trên sóng truyền hình, cụ thể là VTV1, VTV2 và VTV7. Các kênh truyền hình địa phương có thể tải và phát sóng các bài giảng để học sinh có thêm kênh tiếp nhận kiến thức.