Bộ GD&ĐT lên tiếng việc hàng loạt trường tăng học phí

Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học.

Lãnh đạo vụ Kế hoạch - Tài chính, bộ GD&ĐT nhấn mạnh: "Cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học, cấp học, khóa học, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định, chính sách miễn, giảm học phí và mức thu, miễn giảm học phí trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch họa".

Được biết, thời gian gần đây, nhiều đại học đưa ra mức học phí năm học 2021-2022 đối với sinh viên khóa mới. Do trường thực hiện tự chủ tài chính, mức thu tăng vọt, thậm chí gấp đôi so với học phí hiện tại.

hoc-phi-nhieu-truong-dai-hoc-tang-manh-bo-gd-dt-noi-gi-dspl-1618643440.jpeg

Năm 2021, học phí nhiều trường ĐH tăng mạnh. Ảnh minh họa

Trong phương án tuyển sinh được công bố cuối tuần trước, đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến thu học phí các ngành Y khoa, Dược học, Răng hàm mặt là 32 triệu đồng mỗi năm; các ngành cử nhân thu 28 triệu đồng. Học phí này chưa gồm hai học phần bắt buộc là Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng - An ninh được thu theo quy định hiện hành.

Mức phí tăng mạnh so với năm ngoái (sinh viên có hộ khẩu tại TP.HCM đóng 14,3 triệu; hộ khẩu ngoài TP.HCM đóng 28,6 triệu) áp dụng cho tất cả sinh viên, không phân biệt hộ khẩu.

Cũng ở khối ngành y, từ năm ngoái, đại học Y dược TP.HCM tăng học phí từ 13 triệu đồng lên 70 triệu đồng áp dụng cho ngành Răng hàm mặt. Ngành Y khoa thu 68 triệu đồng, Kỹ thuật phục hình răng 55 triệu, Dược học 50 triệu, các ngành còn lại 30-40 triệu.

Năm nay, dù chưa công bố học phí nhưng theo lộ trình đã đề ra, khả năng học phí từng ngành tăng thêm 10%. Sở dĩ trường tăng học phí vì thực hiện tự chủ đại học theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Trước đó trường thu học phí theo Nghị định 86/2015 dành cho trường chưa tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên.

Năm nay, trường đại học Bách khoa TP.HCM (đại học Quốc gia TP.HCM) dự kiến tăng học phí với tất cả ngành đào tạo, trong đó mức học phí chương trình đại trà tăng hơn gấp đôi - từ 12 triệu đồng một năm lên 25 triệu đồng (tương đương 2,5 triệu đồng mỗi tháng cho năm học 10 tháng). Mức thu này sẽ tăng lên 27,5 triệu đồng ở năm thứ hai và lên 30 triệu đồng ở năm thứ ba, giữ nguyên trong năm cuối.

Với chương trình tăng cường tiếng Nhật, học phí dự kiến 50 triệu đồng một năm, giữ ổn định trong 4 năm học; chương trình tăng cường tiếng Anh lên 66 triệu đồng một năm.

Đại học Kinh tế - Luật dự kiến thu học phí chương trình đại trà là 18,9 triệu đồng một năm học, tăng gấp đôi so với mức hiện tại (9,8 triệu đồng). Chương trình chất lượng cao, chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp trung bình 27,8 triệu đồng/năm học; chất lượng cao bằng tiếng Anh trung bình 46,3 triệu đồng.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo vụ Kế hoạch - Tài chính (bộ GD&ĐT) cho biết, các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Mức tăng học phí bình quân 10%/năm.

Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chất lượng đào tạo, không quy định khung, mức trần học phí.

Tuy nhiên, tất cả cơ sở giáo dục phải công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và khoản thu dịch vụ khác cho cả lộ trình, khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, nhà trường có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo quy định. 

Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86, bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.

Ngoài ra, nghị định dự thảo lần này với nhiều chính sách mới, có ý nghĩa lớn, gắn mức thu học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính của các trường công lập mà quan trọng hơn còn gắn với kết quả kiểm định chất lượng GD&ĐT của các cơ sở GD&ĐT công lập.

Theo lãnh đạo vụ Kế hoạch - Tài chính, đây là điểm mới mà Nghị định 86 chưa quy định đến, nhằm đảm bảo mức thu học phí tương xứng với chất lượng GD&ĐT.