Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ máy thở 455 triệu, "thổi giá" lên 960 triệu

Cùng một loại máy, hãng, model nhưng chiếc máy thở được Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển y tế An Sinh nhập khẩu chỉ 455 triệu đồng, nhưng kê khai trên Cổng công khai y tế là 960 triệu.

Theo báo Giao thông, mới đây, bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Y tế An Sinh làm rõ việc 'thổi" giá máy thở gấp đôi.

Được biết, trong ngày 11/8, vụ Trang thiết bị và Công trình y tế nhận được thông tin phản ánh Máy thở (model MV2000 EVO5, hãng sản xuất: Mekics Co., Ltd., Hàn Quốc) được Công ty công khai giá trên cổng thông tin điện tử https://congkhaiyte.moh.gov.vn là: 960,5 triệu đồng/1 máy. Tuy nhiên, theo nguồn tin trên, tại cùng thời điểm báo giá (cùng loại, cùng hãng, model máy thở trên) do phía công ty cung cấp cho các đơn vị là: 455 triệu đồng/1 máy.

Bộ Y tế đề nghị Công ty khẩn trương, nghiêm túc rà soát và có báo cáo giải trình rõ lý do công bố giá cao đột biến (chênh lệch tới khoảng 210% so với giá báo giá).

img-bgt-2021-nghiem-cam-tang-gia-tuy-tien-sinh-pham-trang-thiet-bi-y-te-1628736415-width1280height720-1628750278.jpg
Bộ Y tế nghiêm cấm tăng giá tùy tiện sinh phẩm, trang thiết bị y tế... trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: báo Giao thông

Công văn giải trình, làm rõ đề nghị gửi về bộ Y tế trước 17h00 ngày 13/8.

Nếu quá thời gian trên, Công ty không có giải trình, bộ Y tế sẽ thực hiện việc tạm dừng tài khoản, thông tin công bố giá của Công ty trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế.

Trước đó, từ chiều 11/8, mạng xã hội đã xôn xao về thông tin "công khai đội giá máy thở": loại máy thở model 2000 EVO5 của Mekics (Hàn Quốc) sản xuất, Công ty An Sinh nhập khẩu báo giá bán cho các đơn vị là 455 triệu đồng, nhưng công khai giá trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế tới... 960 triệu. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện một đại lý bán loại máy này cho biết giá bán thực tế (đã có lãi) của loại máy EVO5 chỉ là 425 triệu đồng. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành, nên giá nhiều loại thiết bị y tế phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 đang tăng cao và khan hiếm hàng. 

Nhưng việc đội giá như kể trên là quá cao, nhất là giá nhập khẩu (giá CIF) theo thông tin ban đầu chỉ trên 1/2 giá bán thực tế hiện nay.