Bưởi cảnh rậm rịch lên phố, cùng người dân đón Tết sớm

Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, thế nhưng thị trường bưởi cảnh đã bắt đầu sôi động, nhiều nhà vườn rậm rịch đưa cây "lên phố" cùng người dân đón Tết sớm.

Chị Kim, chủ vườn tại Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, năm nay đã bày bán khoảng 30-40 chậu bưởi Diễn cảnh trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) để phục vụ những người có nhu cầu chơi Tết sớm. Nhà vườn cũng đang chuẩn bị chuyển lên nhiều hơn để phục vụ nhu cầu tăng cao sắp tới.

Theo chị Kim, xu hướng chơi bưởi cảnh năm nay cơ bản vẫn là dựa theo thế cây, thâm niên của cây.

Nhiều quả bưởi đã chín vàng đều, toả mùi thơm, chủ vườn phải ghép quả từ tháng 4, mất vài tháng để quả phát triển to lên, đều và chín vàng đúng dịp Tết. Chủ vườn nhận xét, bưởi cảnh năm nay có mẫu mã tương đối đẹp, sai quả.

Để cho ra lò một lứa bưởi cảnh, các chủ vườn phải mất từ 3 đến 4 năm để chăm sóc với nhiều công đoạn khác nhau. Bưởi để làm cảnh cảnh nên cây phải ghép đến 70%, quả ghép 30%. Số lượng quả được ghép trên một cây cũng căn cứ vào độ to, khoẻ của gốc.

Tùy thuộc vào từng gốc bưởi sẽ có giá dao động từ 10-50 triệu đồng.

Trồng bưởi cảnh mất rất nhiều công sức và thời gian, mỗi cành chiết mất 3 năm để phát triển, cây cứng cáp rồi mới được ghép quả. Mỗi cây thành phẩm phải có ít nhất 3-5 cành chiết,.

Những gốc bưởi trồng làm cảnh đều là giống bưởi Diễn. Bưởi gốc được nuôi trồng dưới đất một vài năm cho thuần cây rồi mới đưa lên chậu.

Nhiều người đi mua sớm, nhằm tìm được những cây đẹp để trưng trong nhà ngày Tết.

Hiện tại, thị trường cây cảnh đang chuẩn bị bước vào vụ.

Bên cạnh bưởi cảnh, thị trường quất cảnh bắt đầu vào vụ cao điểm, nhiều người dân cũng đã tim mua về trưng Tết sớm.

Các chủ vườn cũng cho biết, mặt hàng quất cảnh năm nay cũng đa dạng về mẫu mã, giá cả dao động tương đương các năm trước.