Ca phẫu thuật kéo dài 120 phút cứu người phụ nữ bị hóc xương cá

Sau 120 phút phẫu thuật, ê-kíp bác sĩ bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã lấy ra dị vật xương cá khỏi vùng cổ bệnh nhân.

Ông Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu vừa phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị áp-xe cổ lan xuống trung thất nghiêm trọng do hóc xương cá.

Nữ bệnh nhân T.T.H. (64 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, Tiền Giang) nhập viện chiều 19/1 trong tình trạng đau nhiều vùng cổ. Ba ngày trước đó, bà H. ăn cá dứa nuốt phải xương.

Sau khi có cảm giác vướng ở vùng họng, bệnh nhân cố nuốt cơm rồi móc họng 4-5 lần. Tuy nhiên, xương cá không “trôi” mà cổ ngày càng đau, sưng to nên vào bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính cột sống cổ có tiêm thuốc cản quang cho thấy bà H. bị áp-xe cổ lan trung thất do dị vật. Sau khi có chỉ định mổ cấp cứu, các bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu và khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức đã bóc tách vào ổ áp-xe dọc động mạch cảnh - thực quản và khí quản. Tại đây, kíp phẫu thuật thấy có nhiều mủ nên lấy làm kháng sinh đồ.

Hình ảnh xương cá trước phẫu thuật. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật

Sau 120 phút phẫu thuật, các bác sĩ hút ra 500 ml mủ đục hôi, bơm rửa dịch mủ vùng cổ và trung thất trên.

Hiện tại, sức khỏe của bà H. đã cải thiện, phục hồi tốt, hết sốt, tỉnh táo, sinh tồn ổn định, tiếp tục được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu.

Xương cá (dưới lưỡi dao) được lấy ra từ cổ bà H. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Theo BS.CK2 Trầm Công Chất - Trưởng khoa Lồng ngực – Mạch máu, trung thất chứa các tạng rất quan trọng như các mạch máu lớn, tim, phổi… áp xe trung thất là căn bệnh nguy hiểm nếu không xử lý đúng cách và kịp thời bệnh nhân có thể tử vong do khối mủ lan rộng vỡ vào khoang lồng ngực, gây tổn thương mạch máu, vỡ vào màng tim.

Mặc dù có những tiến bộ về chẩn đoán, điều trị phẫu thuật, thuốc kháng sinh... nhưng áp xe trung thất gây tỷ lệ tử vong còn cao, tỷ lệ tử vong trên thế giới khoảng 20%.

Nhiều người khi bị hóc xương cá thường dùng tay để móc họng, nuốt cục cơm nóng, uống nước. Tuy nhiên, cách làm này rất nguy hiểm, bởi dễ khiến xương cá trôi sâu hơn hoặc đâm vào làm tổn thương, có thể gây thủng thực quản.

Nếu chẳng may bị hóc xương cá, không nên cố nuốt mà hãy cố gắng nôn oẹ càng sớm càng tốt. Chú ý không móc họng vì sẽ gây nôn nhiều, có thể gây phù nề hoặc khiến khó thở.

Để tránh bị hóc xương trong khi ăn uống tại nhà, tốt nhất nên lọc thịt riêng, xương riêng, không nên để xương thịt lẫn lộn. Trong khi ăn nên tập trung, tránh vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa. Hãy ăn chậm, nhai kỹ, không ăn nhanh, ăn vội vàng. Nếu cho trẻ nhỏ hay người già ăn cá nên gỡ kỹ xương, kiểm tra thật kỹ thức ăn trước khi cho trẻ ăn, nên chọn cá ít xương dăm tránh gây hóc xương cho trẻ.

Ăn cá hóc xương là tai nạn mà không ai mong muốn, nếu chẳng may bị hóc xương cá, hóc xương gà nên khạc ra thay vì nuốt vào. Nếu không may hóc phải xương to, xương bị mắc quá sâu nên đến bác sĩ kiểm tra để xử lý kịp thời.