Căng thẳng Nga - Ukraine tác động ra sao đến lạm phát tại Việt Nam?

Lạm phát Việt Nam có thể tăng do ảnh hưởng từ giá dầu; đồng thời sản lượng xuất khẩu linh kiện điện tử, điện thoại có thể giảm do sự thiếu hụt các chất bán dẫn.

Dragon Capital vừa có báo cáo đánh giá tác động của căng thẳng chính trị thế giới đến kinh tế Việt Nam trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đã bước sang ngày thứ 5 và các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Chuỗi cung ứng bị đứt gãy

Theo Dragon Capital, cuộc xung đột giữa chính phủ Nga và Ukraine sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt trong việc trao đổi thương mại quốc tế khi mà tổng sản lượng xuất khẩu của Nga chiếm tới 1,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thế giới.

Tác động đến thương mại có thể nhỏ, nhưng rủi ro về việc chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị đứt có thể xảy ra. Mặc dù tăng nhanh về giá năng lượng có thể tạo ra nhiều áp lực lên các quốc gia, nhưng Dragon Capital đánh giá vấn đề này có thể được kiếm soát.

Xung đột chính trị lần này theo Dragon Capital có tác động không đáng kể đối với thương mại Việt Nam. Nguyên nhân do tỉ trọng thương mại của Nga và Ukraine với Việt Nam lần lượt chỉ chiếm 1% và 0,1% kim ngạch xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sẽ chịu một số tác động do hai quốc gia này có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng và năng lượng toàn cầu.

Cụ thể, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng gián tiếp thông qua chuỗi năng lượng và cung ứng hàng hóa mà hai nước này là mắt xích quan trọng. Trong khi chịu tác động trực tiếp từ cuộc xung đột, Việt Nam hoàn toàn không thể tránh khỏi những tác động gián tiếp đến từ việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đặc biệt trong mảng xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử.

Kinh tế vĩ mô - Căng thẳng Nga - Ukraine tác động ra sao đến lạm phát tại Việt Nam?

Việt Nam hoàn toàn không thể tránh khỏi những tác động gián tiếp đến từ việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đặc biệt trong mảng xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử. (Ảnh minh họa)

Nga và Ukraine là những quốc gia chính cung cấp những nguyên liệu chính để sản xuất các chip bán dẫn như niken, neon, krypton, nhôm và pladium. Do đó, việc hạn chế hay đứt gãy việc cung cấp tài nguyên của Nga có thể gây ra tắc nghẽn trong lĩnh vực sản xuất điện tử.

Hiện Việt Nam phải nhập khẩu các chip bán dẫn Nhật Bản, Hàn Quốc, Nhật Bản - bốn đối tác thương mại hàng đầu. Năm 2021, Việt Nam chi 59 tỷ USD để mua chất bán dẫn, điện thoại và linh kiện điện tử từ những thị trường này, ước tính chiếm 17,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Các quốc gia Đông Á đang lên tiếng ủng hộ cho các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây và có thể cũng sẽ sử dụng một vài biện pháp. Bởi vậy, bất kỳ căng thẳng nào đến Nga từ các nước này đều sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung ứng linh kiện điện tử và chip bán dẫn cần thiết cho việc sản xuất các thiết bị điện tử tại Việt Nam.

Lạm phát tăng do chịu ảnh hưởng của giá dầu

Theo Dragon Capital, tác động dễ thấy nhất với nền kinh tế Việt Nam là áp lực lạm phát do giá dầu tăng. Trong rổ hàng hóa tính lạm phát của Việt Nam, nhiên liệu hiện chiếm tỉ trọng 3,6%, trong khi nhóm giao thông chiếm 9,7%.

Đến nay, giá dầu Brent đã tăng 27,2%. Diễn biến giá dầu trong thời gian tới sẽ còn phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả xung đột tại Ukraine và diễn tiến thỏa thuận hạt nhân Iran. JP Morgan dự báo giá dầu trung bình dao động từ 88 USD đến 105 USD một thùng, dựa trên ba kịch bản có khả năng xảy ra nhất.

Thứ nhất, Nga có thể thực hiện các biện pháp trả đũa và thỏa thuận hạt nhân của Iran không được chấp nhận. Giá dầu sẽ ở mức 105 USD/thùng. Thứ hai, sự leo thang giá cả ở Nga cùng thỏa thuận hạt nhân của Iran được chấp nhận. Giá dầu sẽ ở mức 100 USD/thùng. Thứ ba, rủi ro giảm dần và thỏa thuận hạt nhân của Iran được đồng thuận. Giá dầu dự báo ở ngưỡng 88 USD/thùng.

Dựa trên ba giả định ở trên, Dragon Capital đánh giá ảnh hưởng của giá dầu quốc tế lên lạm phát Việt Nam năm nay có thể đạt 4,18%; 3,8% và 3,58%.

Kinh tế vĩ mô - Căng thẳng Nga - Ukraine tác động ra sao đến lạm phát tại Việt Nam? (Hình 2).

Các kịch bản liên quan đến tác động của giá dầu với lạm phát tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của Dragon Capital, dù giá xăng tại Việt Nam phụ thuộc vào giá dầu thế giới nhưng cũng không phải luôn luôn đi cùng nhau. "Giá nhiên liệu tại Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế Việt Nam cũng như các yếu tố bình ổn khác" - báo cáo nêu.

"Khi đó nhà nước có thể sẽ ban hành một số những điều chỉnh để đảm bảo lạm phát ở mức kiểm soát. Cho tới nay, một vài chính sách đã được triển khai như chính phủ tài trợ cho một công ty lọc dầu để giải quyết vấn đề tài chính tạm thời và nâng mức sản xuất của công ty về mức bình thường. Bộ Tài chính đấu thầu 100 triệu lít xăng RON-92 ( xăng nội địa) từ nguồn dự trữ quốc gia trong tháng để tăng nguồn cung cấp" - các chuyên gia đến từ Dragon Capital nhận định.

Mặt khác, Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính xem xét việc giảm thuế lên các sản phẩm xăng dầu. Vấn đề này sẽ được thảo luận trong kỳ họp Quốc hội tiếp theo. Hiện, phí thuế chiếm 15% giá xăng trong tổng thuế và các chi phí khác chiếm 42% giá sản phẩm.

Bên cạnh đó, cán cân thương mại có thể sẽ không tăng như dự kiến trước đó do giá dầu nhập tăng cao và giảm sản lượng xuất khẩu do thiếu hụt nguồn cung các linh kiện.