Cảnh báo: Nhiều sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đội lốt thuốc đánh lừa người tiêu dùng

Sự bùng nổ của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, thông tin đã “cứu cánh” cho những sản phẩm được quảng cáo trái quy định của pháp luật. Thậm chí, để tăng độ tin tưởng, các nhãn hàng này còn sử dụng KOLs là người nổi tiếng PR sản phẩm với công dụng thần kỳ.

Có hay không kem đặc trị mụn quốc dân?

Thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng (đặc biệt là mạng xã hội như Facebook, zalo,…) xuất hiện thông tin về sản phẩm Hana miss Peel Ginseng Whitening Acnes (Kem chấm mụn) do Công ty TNHH Hana Miss phân phối với những thông tin như: “Kem Peel Ginseng Whitening Acnes (Kem chấm mụn) là một trong những dòng kem trị mụn hot nhất thị trường hiện nay. Với thành phần thiên nhiên kết hợp cùng công thức hỗ trợ điều trị mụn, nám và tàn nhang, sản phẩm giúp cung cấp tái tạo tế bào da ngay từ bên trong, giải quyết và ngăn ngừa các loại mụn và nám, hạn chế tối đa việc hình thành sẹo và vết thâm do mụn gây ra”; “Không chỉ mang đến làn da mịn màng, sạch mụn, sản phẩm đồng thời được cung cấp dưỡng chất dưỡng trắng độc đáo, giúp hạn chế tối đa sự sản sinh hắc tố Melanin bên trong tế bào da và cải thiện tình trạng da không đều màu cho bạn làn da trắng mịn mỗi ngày”;… .

Ngoài ra, tại trang website https://hanamiss.vn với thông tin chủ quản trang web là Công ty TNHH Hana Miss (Mã số thuế: 0316693463) có địa chỉ tại 120/49 Đường Số 59, P.14, Q. Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh; Đại diện pháp luật: Nguyễn Trung Trực còn giới thiệu Công ty này là doanh nghiệp chuyên sản xuất mỹ phẩm cao cấp với nguyên liệu thiên nhiên 100% nhập khẩu từ nước ngoài bao gồm các đối tác lớn chủ yếu từ Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc thì trang website này cũng đăng tải những thông tin về sản phẩm Peel Ginseng Whitening Acnes (Kem chấm mụn) giống những trang mạng xã hội với nhiều từ ngữ như “dòng kem trị mụn hot nhất thị trường”, “kết hợp cùng công thức hỗ trợ điều trị mụn, nám và tàn nhang”,…

buon-cuoi-qua00012917still002-1620998316.png
Trang chủ website https://hanamiss.vn với thông tin chủ quản trang web là Công ty TNHH Hana Miss

Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm lại ghi công dụng của sản phẩm chỉ là “Dưỡng trắng da, ngăn ngừa sự hình thành mụn. Làm mờ sẹo thâm, nám, tàn nhang, giúp làn da khô nhẵn mụn, dưỡng ẩm…” , không có công dụng “trị mụn, điều trị mụn,…” như thông tin quảng cáo trên các trang mạng xã hội và website https://hanamiss.vn.

buon-cuoi-qua00022108still003-1620998350.png
Trên bao bì sản phẩm không có công dụng “trị mụn, điều trị mụn,…” như thông tin quảng cáo trên
các trang mạng xã hội và website https://hanamiss.vn.

Theo số công bố 000572/21/CPMP - HCM (được in trên bao bì sản phẩm Peel Ginseng Whitening Acnes) trên cổng thông tin Sở Y tế TP.HCM thì đây là một trong những số công bố mỹ phẩm được Phòng Quản lý dịch vụ y tế - Sở Y tế TP.HCM cập nhật ngày 07/4/2021, như vậy sản phẩm Peel Ginseng Whitening Acnes được cơ quan chức năng công nhận là mỹ phẩm chứ không phải là thuốc.

Theo Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: “Mỹ phẩm cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị" để quảng cáo cho người tiêu dùng".

Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.

Như vậy, có thể thấy, việc quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm Hana miss Peel Ginseng Whitening Acnes đang có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo mỹ phẩm.

Nhiều Nghệ sĩ, diễn viên quảng cáo cho viên sủi Shami Xoan nhằm “móc túi” người tiêu dùng

Thời gian qua không chỉ những sản phẩm mỹ phẩm “đội lốt” thuốc nhằm “móc túi" người tiêu dùng, theo ghi nhận của PV hàng loạt các sản phẩm thực phẩm chức năng, sản phẩm hỗ trợ sức khoẻ cũng quảng cáo sai sự thật về công dụng và kết quả mang lại. Điều đáng nói rất nhiều diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng lại đứng ra quảng cáo, “tiếp tay" cho những sai phạm này.

Đơn cử, như nam ca sĩ Đ.V.H. nói về sản phẩm viên sủi Shami Xoan được cho là “triệt tận gốc viêm xoang” với những lời có cánh, như: “hai em bé thần tiên”, “vị cứu tinh của những ai đang bị xoang”… Thậm chí một số video còn quảng cáo sản phẩm viên sủi Shami Xoan có thể “điều trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng". Ngoài nam ca sĩ Đ.V.H thì còn nhiều diễn viên nổi tiếng khác cũng đứng ra quảng cáo cho sản phẩm viên sủi Shami Xoan. Theo ghi nhận của PV những video quảng bá cho sản phẩm viên sủi Shami Xoan trên mạng xã hội đều được gắn logo HTV9 của Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh.

buon-cuoi-qua00045105still004-1620998379.png
Nam ca sĩ Đ.V.H. nói về sản phẩm viên sủi Shami Xoan được cho là “triệt tận gốc viêm xoang” với những lời có cánh

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sản phẩm Shami Xoan được cấp cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Griffin Việt Nam là “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shami Xoan”. Giấy xác nhận quảng cáo số 2739 cấp ngày 28.8.2020 cho thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shami Xoan ngoài các thành phần nhãn mác với nội dung quảng cáo thì công dụng là: hỗ trợ thông mũi, hỗ trợ giảm các biểu hiện chảy nước mũi, ngạt mũi, đau vùng đầu trán do viêm xoang. Không có nội dung nào xuất hiện cụm từ “điều trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng” như một số trang web, trang mạng xã hội và những nghệ sĩ quảng cáo.

buon-cuoi-qua00054202still005-1620998405.png
Công dụng của sản phẩm Shami Xoan không có nội dung nào xuất hiện cụm từ “điều trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng” như một số trang web, trang mạng xã hội và những nghệ sĩ quảng cáo.

Không chỉ có Hana miss Peel Ginseng Whitening Acnes hay Shami Xoan đang “nói vống” công dụng của mình lên như vậy. Nhiều sản phẩm khác cũng đang sử dụng những chiêu bài quảng cáo này để thu hút khách hàng.

Câu hỏi đặt ra là, cá nhân hay tổ chức nào đang đứng sau các website quảng cáo sai sự thật này có chịu trách nhiệm về những sản phẩm này hay không? Trường hợp người tiêu dùng mua phải sản phẩm nhưng không đúng như mong đợi hay thậm chí kém chất lượng, gây hậu quả từ các website kể trên, họ sẽ tìm đến ai để đòi quyền lợi?

Đề nghị Cục An toàn Thực phẩm, Thanh tra Sở Y tế và các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý dấu hiệu vi phạm nói trên để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, tránh trường hợp hưởng lợi kinh doanh trên sức khỏe con người.

Theo Người Đưa tin Pháp Luật