Chấm thi thời Covid-19

Nhiều địa phương đã hoàn tất công việc “quyết định số phận” các thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, với những biện pháp phòng chống dịch bệnh linh hoạt.

Đảm bảo giãn cách và chất lượng

Thời hạn công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đang đến gần, nhiều tỉnh thành đã hoàn tất công tác chấm thi và gửi thống kê về bộ GD&ĐT.

Trao đổi về công tác chấm thi, ông Nguyễn Huy Hoàng (Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) cho biết: “Năm nay, toàn tỉnh có hơn 11.400 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Ngay sau khi ngày thi thứ hai khép lại, hội đồng chấm thi đã bắt đầu làm việc từ ngày 9/7 và kết thúc công tác chấm thi vào ngày 19/7. Địa phương huy động 118 cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác chấm thi cùng sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng có liên quan.

May mắn khi địa phương có thể tổ chức gói gọn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 trong một đợt thi, vì không có thí sinh nào thuộc diện F. Tại một số địa phương, có những thí sinh không thuộc F nhưng do đi muộn nên phải dự thi đợt 2, nhưng Sơn La đã có biện pháp nhắc nhở đôn đốc thí sinh để đảm bảo không xảy ra sự cố đáng tiếc. Chẳng hạn, ngay sau khi học kỳ kết thúc, Sở lên phương án đưa các thí sinh tại các điểm trường vùng khó về trung tâm để học tập và sinh hoạt nội trú, đảm bảo tuân thủ giờ giấc.

Hiện tại, Sơn La đã hoàn thành công tác chấm thi, gửi kết quả về bộ GD&ĐT ngay sau khi hoàn tất, chỉ chờ công bố điểm vào ngày 26/7 theo thông báo của Bộ”.

cham-thi-1626922462.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi với giáo viên tham gia chấm bài thi Ngữ văn tại tỉnh Yên Bái.

Tại Nghệ An, công tác chấm thi cũng được hoàn thiện và gửi kết quả về bộ GD&ĐT vào ngày 20/7. Ông Nguyễn Trọng Hoàn (Chánh Văn phòng sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An) cho biết: “Năm nay, công tác chấm thi phải tiến hành trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, Nghệ An lại xuất hiện nhiều ca dương tính, nên phải triển khai một cách cẩn thận, nghiêm túc. Trước đó, Sở đã tổ chức tiêm vắc-xin cho toàn bộ cán bộ giáo viên tham gia công tác chấm thi.

Để đảm bảo giãn cách, chúng tôi tăng gấp đôi phòng chấm thi và kê bàn ghế cách xa nhau. Đồng thời, chúng tôi tăng cường thêm cán bộ y tế để đảm bảo xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Năm nay, toàn tỉnh có 34.478 thí sinh đăng ký dự thi và có gần 400 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi và đảm bảo an toàn, sức khỏe.

Đối với đội ngũ chấm thi, chúng tôi khuyến cáo các giám khảo không tiếp xúc với người lạ, tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chia thành các nhóm nhỏ để tổ chức sinh hoạt tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn TP.Vinh”.

Ông Lê Duy Định (Giám đốc sở GD&ĐT Gia Lai) cũng thông tin, công tác chấm thi tại hội đồng thi tỉnh này đã hoàn thành. “Công tác chấm thi tự luận được tiến hành chặt chẽ, đúng hướng dẫn của Bộ. Sau khi họp phổ biến quy chế, quy trình chấm thi và nghiên cứu thống nhất đáp án, ban chấm thi tự luận đã tổ chức chấm chung 10 bài thi để thống nhất về nhận thức và biểu điểm. Việc chấm thi đảm bảo 2 vòng độc lập bởi 2 cán bộ chấm thi thuộc 2 tổ chấm khác nhau. Đáng chú ý, tỉ lệ chấm lệch điểm bài thi phải chấm vòng 3 khá thấp.

Để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19, Sở cũng đã rà soát, thay thế một số cán bộ chấm thi do có yếu tố tiếp xúc với người thuộc đối tượng F2 theo phân loại của bộ Y tế. Khu vực chấm thi được phun hóa chất khử khuẩn trước khi ban thư ký và các ban chấm thi triển khai công việc.

le-duy-dinh-1626922462.jpg
Ông Lê Duy Định (Giám đốc sở GD&ĐT Gia Lai) thông tin về biện pháp an toàn “mùa Covid” cho đội ngũ chấm thi.

Ngay buổi đầu tiên đến làm việc tại khu vực chấm thi, 100% cán bộ chấm thi đã khai báo y tế bằng giấy. Nhân viên y tế đọc, xử lý thông tin khai báo, không để giáo viên có biểu hiện bất thường về sức khỏe tham gia chấm thi. Cán bộ chấm thi được kiểm tra thân nhiệt lúc đầu giờ mỗi buổi; thường xuyên rửa tay khử khuẩn, đeo khẩu trang đúng cách trong suốt thời gian chấm thi và đảm bảo ngồi giãn cách. Do tình hình và yêu cầu phòng chống dịch, ban chấm thi tự luận đã tổ chức thành 6 phòng có kết nối hệ thống âm thanh để họp và chấm chung, bố trí không quá 20 người/phòng”, vị Giám đốc Sở thông tin.

Theo ông Tạ Hồng Lựu (Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa), địa phương cũng vừa hoàn tất công tác chấm thi: “Chúng tôi huy động hơn 30 cán bộ, giáo viên chấm thi trắc nghiệm và gần 300 cán bộ, giáo viên chấm thi tự luận, đảm bảo tuẩn thủ nguyên tắc 5K. Về cơ bản, chúng tôi đã hoàn thành chấm thi và gửi kết quả về bộ GD&ĐT trong ngày 21/7. Trong suốt quá trình chấm thi, đối với điều kiện sinh hoạt của đội ngũ làm công tác chấm thi, địa phương cũng chủ động bố trí để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19”.

Cán bộ chấm thi ăn, nghỉ tập trung tại chỗ

Bên cạnh nhiệm vụ chấm thi đảm bảo nghiêm túc, công bằng, khách quan, chất lượng; đội ngũ chấm thi cũng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt, tại các địa phương có đang có ca bệnh lại càng khắt khe.

Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên hội đồng thi một số tỉnh như: Long An, Bắc Giang, TP.Hồ Chí Minh…, các cán bộ, giáo viên chấm thi sẽ ăn, nghỉ tại chỗ. Trong suốt quá trình chấm thi tập trung, lực lượng này ăn nghỉ cách ly và chỉ rời khu chấm khi đã hoàn tất. Trước khi ra về, cán bộ, giáo viên, nhân viên được xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo không có nguồn dịch lây trong cộng đồng.

Ông Lê Hoài Nam (Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ, bên cạnh đảm bảo công tác chuyên môn về chấm thi, hội đồng thi sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh phải “căng mình” ứng phó với dịch bệnh. Song song với các ban chuyên môn như ban làm phách, ban chấm thi tự luận, ban chấm thi trắc nghiệm, TP.Hồ Chí Minh còn thành lập ban phòng chống Covid-19 để kiểm soát, phòng chống dịch cho tất cả đội ngũ giám khảo, cán bộ, nhân viên tham gia chấm thi được yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Theo đó, gần 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các khâu chấm thi, trước khi thực hiện nhiệm vụ, đều được xét nghiệm Covid-19. Hoạt động xét nghiệm đều đặn tiến hành 5 ngày/lần, để kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến dịch bệnh, đảm bảo an toàn cao nhất cho nhân sự tham gia.

Khi thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, hội đồng thi của Sở đã chia nhỏ ban chấm thi thành 20 tổ, mỗi tổ không quá 10 người để đảm bảo giãn cách. Các tổ chấm chia ca, tổ chức chấm lệch giờ để tránh tập trung đông người.

Tại Bắc Giang, ngay sau khi kết thúc công tác coi thi, công tác tổ chức chấm thi, thanh tra kỳ thi này đã được tiến hành theo kế hoạch và quy chế thi của Bộ từ ngày 10/7. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nhất (Phó Chánh Văn phòng sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Trong bối cảnh đặc biệt của dịch Covid-19, Sở đã bố trí chỗ ăn, nghỉ tập trung cho tất cả cán bộ chấm thi tại địa điểm chấm thi để đảm bảo an toàn phòng dịch ở mức cao nhất. Các cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi không giao tiếp, tiếp xúc với bên ngoài trong suốt quá trình chấm thi.

thi-sinh-thi-bg-1626922462.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại Bắc Giang.

Sở GD&ĐT phối hợp với Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh huy động 221 cán bộ, giáo viên, nhân viên và các lực lượng đảm bảo an toàn cho đợt chấm thi, trong đó số cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi tự luận là 156 người, lực lượng thanh tra chấm thi là 13 người. Ngoài ra, Bộ cũng cử đoàn kiểm tra, giám sát gồm 3 người giám sát trực tiếp công tác chấm thi tại tỉnh”.

“Trước khi tổ chức chấm chính thức, tất cả các giám khảo cùng nghiên cứu đáp án, biểu điểm; tổ chức chấm chung, trong quá trình chấm chung, mọi tình huống phát sinh đều được đưa ra thảo luận và cùng thống nhất cách xử lý và đảm bảo đúng hướng dẫn, chấm đều tay trong suốt quá trình chấm thi. Mỗi bài thi sẽ được chấm độc lập bởi 2 cán bộ chấm thi. Ngoài ra, lực lượng chấm kiểm tra gồm 12 người cũng tiến hành chấm kiểm tra ngẫu nhiên để đảm bảo việc chấm thi được công bằng, khách quan.

Tổng số bài thi tự luận của môn Ngữ văn là 17.749 bài. Như vậy, trung bình mỗi cán bộ chấm thi sẽ chấm khoảng 130 bài thi tự luận. Ban chấm thi tự luận thực hiện việc nghiên cứu đáp án, hướng dẫn chấm, đặt ra các tình huống để thống nhất cách chấm, tổ chức chấm thi theo đúng đáp án và hướng dẫn của Bộ, đảm bảo chấm đều tay”, ông Nguyễn Duy Nhất thông tin thêm.

kiem-tra-cham-thi-1626922762.jpg
Thứ trưởng bộ GD&ĐT cùng đoàn kiểm tra của ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 họp trực tuyến với một số ban chỉ đạo thi cấp tỉnh để kiểm tra về công tác chấm thi.

Ông Nguyễn Hồng Phúc (Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Long An) cũng thông tin: “Hiện tại, công tác chấm thi trên địa bàn đã hoàn tất. Để đảm bảo an toàn trong thời điểm dịch bệnh đang phức tạp, đội ngũ chấm thi gần 200 người được bố trí ăn, nghỉ tập trung tại khu vực chấm. Mặc dù trong bối cảnh này, tâm lý nhiều người cũng có phần không yên tâm, nhưng trước đó, toàn bộ cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi đã được xét nghiệm và tiêm vắc-xin nên cũng không có tình huống phát sinh nào. Sau khi hoàn tất chấm thi, một số giáo viên cũng làm thêm xét nghiệm trước khi trở về nhà để đảm bảo an toàn là trên hết.

Năm nay, Long An có 16.507 thí sinh đăng ký dự thi, nhưng trong đợt 1, có 140 thí sinh vắng mặt, nên địa phương sẽ tổ chức thi đợt 2 trong thời gian tới theo thông báo của Bộ”.