Chân dung nữ chủ tịch Nghị viện châu Âu trẻ nhất lịch sử

Mới đây, bà Roberta Metsola đã trở thành tân chủ tịch Nghị viện châu Âu ở tuổi 43, là người trẻ nhất trong lịch sử từng đảm nhận vị trí này.

Bà Roberta Metsola luôn khẳng định rằng đối với bà, Liên minh Châu Âu (EU) không phải là một tổ chức quan liêu phức tạp mà là một niềm đam mê thực sự. Đó không phải là một liên minh đang lung lay bởi khủng hoảng mà là nơi nuôi dưỡng các giá trị và sự nhiệt tình của châu Âu cho một dự án xuất hiện từ đống tro tàn của Thế chiến thứ hai.

Theo DW, giờ đây, bà Metsola đã chứng minh được cho mọi người thấy rằng bà có thể biến lời nói thành hành động. Vào ngày 18/1 (giờ địa phương), chính trị gia bảo thủ đến từ Malta đã chính thức được bầu làm tân chủ tịch Nghị viện châu Âu, cùng ngày bà bước sang tuổi 43.

chu tich nghi vien chau au 1

Bà Roberta Metsola được bầu làm tân chủ tịch Nghị viện châu Âu ngày 18/1. Ảnh: Reuters 

Truyền thông nhận xét việc bà Metsola trở thành tân chủ tịch Nghị viện châu Âu có thể là một món quà sinh nhật đặc biệt nhưng không phải điều bất ngờ. 

Trước đó, trong một thỏa thuận chung, ba nhóm nghị viện châu Âu lớn nhất bao gồm đảng Nhân dân châu Âu bảo thủ (EPP), đảng Xã hội & Dân chủ và nhóm Đổi mới tự do, đã quyết định rằng một đại diện phe bảo thủ sẽ đảm nhận vị trí này vào giữa nhiệm kỳ. 

Bà Metsola thuộc đảng Partit Nazzjonalista (đảng Quốc đại của Malta), đảng này là một phần của nhóm EPP trung hữu. Do đó, việc bà được lựa chọn làm tân chủ tịch Nghị viện châu Âu là điều hiển nhiên bởi bà nhận được sự tôn trọng trên khắp các đảng phái và được biết đến như một người "xây dựng cầu nối".

Ông David Casa, một đồng nghiệp trong đảng của Metsola và cũng là thành viên Nghị viện Châu Âu, nhận xét: "Tất cả chúng ta đã quen với sự chia rẽ và khủng hoảng. Và sự nổi tiếng của bà Roberta chứng minh rằng vẫn có thể tiến hành chính trị thông qua sự đồng thuận".

Chính trị gia Malta chỉ là người phụ nữ thứ ba được bầu vào bị trí đứng đầu Nghị viện châu Âu, theo sau những người tiền nhiệm đến từ Pháp là bà Simone Veil và bà Nicole Fontaine. Được biết, Nghị viện châu Âu là cơ quan lập pháp của EU, đại diện cho 450 triệu công dân của khối. Lãnh đạo cơ quan này sẽ được bầu trực tiếp bởi các cử tri EU cứ 5 năm một lần. Dưới đây là đôi nét về nữ chủ tịch Nghị viện châu Âu trẻ tuổi nhất trong lịch sử.

chu tich nghi vien chau au

Bà Metsola được ví là người "xây dựng cầu nối" và minh chứng cho thấy vẫn có thể tiến hành chính trị thông qua sự đồng thuận. Ảnh: globeecho

DW cho biết, 2 video chiến dịch do nhóm EPP phát hành trên mạng xã hội trước cuộc bầu cử cho thấy hình ảnh mà bà Metsola muốn thể hiện: Một chính trị gia được truyền cảm hứng bởi những người phụ nữ mạnh mẽ và muốn truyền cảm hứng cho những người khác. Một bà mẹ của 4 cậu con trai, người biết cách sắp xếp cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Một chiến binh không bỏ cuộc khi có niềm tin vào điều gì đó.

Thực tế, bà không phải một người không biết đến thất bại. Bà Metsola đã trải qua 2 lần thất bại trước khi được bầu vào Nghị viện châu Âu năm 2013. Kể từ đó, bà đã tăng tầm ảnh hưởng của mình một cách nhanh chóng. Năm 2020, bà trở thành một trong những phó chủ tịch đầu tiên của Quốc hội EU, là thành viên của Ủy ban Tự do Dân sự, Tư pháp và Nội vụ và bà đã bảo vệ quyền tị nạn ở EU.

Sau vụ sát hại đồng hương của mình, nhà báo Daphne Caruana Galizia, bà Metsola đã đứng lên kêu gọi chính phủ Malta đảm bảo tự do truyền thông và chống tham nhũng.

Một nghị sĩ Malta khác trong Nghị viện châu Âu là ông David Casa cho biết ông đã biết bà Metsola từ thời bà còn là sinh viên. Ông Casa cho biết khi ấy, chính sự quyết tâm và tham vọng đã khiến bà Metsola trở nên nổi bật. Cả bà Metsola và ông Casa đều đã tham gia chiến dịch vận động để Malta được gia nhập Liên minh Châu Âu vào năm 2004. Bà Metsola nhiều lần nói rằng chính mục tiêu này đã khơi dậy hoạt động chính trị của bà. 

Nhiều nhà lập pháp EU cũng đã dành sự ủng hộ cho bà vào ngày 18/1. Trong đó, Nghị sĩ bảo thủ Stelios Kympouropoulos, đến từ Hy Lạp, mô tả bà là "đủ năng lực để trở thành gương mặt đại diện cho một quốc hội hướng ngoại và mạnh mẽ."

Vì Nghị viện châu Âu thường đấu tranh để được ngang bằng trong các thể chế khác của EU, Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu, nên sự mạnh dạn của bà Metsola chắc chắn là một đặc điểm có thể giúp thúc đẩy lợi ích của nghị viện.