Chủ quan với vết loét trong miệng, cô gái 35 tuổi giật mình khi phát hiện ung thư lưỡi

Cô gái tưởng mình chỉ mắc chứng loét miệng thông thường nên đã phớt lờ, chẳng ngờ đó lại là dấu hiệu cảnh báo ung thư lưỡi.

Gần đây, Katie Drablos (35 tuổi, quốc tịch Mỹ) phát hiện có một vết loét trên lưỡi nhưng nghĩ đó là chứng loét miệng thông thường nên không mấy để tâm. Thậm chí, cô gái cho rằng vết loét có khả năng là triệu chứng của COVID-19.

Ban đầu, vết loét chỉ thỉnh thoảng đau khi cô ăn uống nhưng sau đó cơn đau liên tục xuất hiện. Nữ biên đạo múa lo lắng nên đã đến bác sĩ kiểm tra và được kê thuốc kháng sinh. Sau khi uống, cô cảm thấy đỡ hơn một chút nhưng cổ họng nhanh chóng đau trở lại.

Trong lần đi khám tiếp theo, các bác sĩ nhận thấy có tổn thương nên đề nghị làm sinh thiết, kết quả cho thấy Katie mắc ung thư lưỡi. Khi phẫu thuật cắt bỏ vết thương trên lưỡi cho Katie, các bác sĩ phát hiện ung thư di căn đến cổ, có nghĩa đã ở giai đoạn 4 nên cô gái sẽ cần phải điều trị thêm.

Bên cạnh việc hồi phục sau ca phẫu thuật, được các bác sĩ tái tạo lại lưỡi, Katie phải chuẩn bị để hóa trị và xạ trị. Hiện, cô gái đã kết thúc đợt điều trị và đang học cách sử dụng lưỡi trở lại. Chia sẻ câu chuyện của mình, nữ biên đạo múa này hy vọng những người cùng cảnh ngộ sẽ vượt qua được những khó khăn và tiếp tục tìm thấy niềm vui.

"Tôi từng không tin rằng mình mắc ung thư ở độ tuổi này vì tôi sống rất lành mạnh", Katie tâm sự sau khi biết mình bị ung thư lưỡi.

chu quan voi vet loet trong mieng co gai 35 tuoi giat minh khi phat hien ung thu luoi

Cô gái được chẩn đoán mắc ung thư lưỡi ở tuổi 35.

Được biết, ung thư lưỡi là một trong những loại phổ biến nhất của ung thư miệng. Các triệu chứng ban đầu của ung thư lưỡi thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý răng miệng thông thường khác nên rất nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn.

Theo các nghiên cứu thống kê, những người hút thuốc có khả năng bị ung thư miệng, lưỡi lớn hơn những người không hút thuốc. Hút xì gà, tẩu thuốc hay hút thuốc đều có nguy cơ gây ra ung thư lưỡi.

Trong khi đó, một nghiên cứu chỉ ra 70-80% người bị ảnh hưởng bởi bệnh ung thư miệng hoặc lưỡi đều là người nghiện rượu. Những người tiếp xúc với bức xạ cường độ cao cũng có nguy cơ phát triển bệnh ung thư miệng, lưỡi cao hơn. Ngoài ra, một người có nguy cơ phát triển ung thư lưỡi khi thành viên trong gia đình đã được chẩn đoán với bệnh tương tự.

Chia sẻ trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, bác sĩ Vũ Nhật Mai cho biết ung thư lưỡi thường có các biểu hiện như cục u trên lưỡi, đau lưỡi, khó nuốt, vết loét sùi…

Cục u trên lưỡi xuất hiện phía cạnh lưỡi tiếp xúc với răng có thể phát triển các khối u. Nếu các khối u này không được điều trị sẽ lớn dần và loét ra. Cục u có thể màu đỏ hoặc trắng, gây khó khăn khi ăn, nhai thậm chí là uống nước.

Trong khi đó, đau lưỡi là triệu chứng xuất hiện trong giai đoạn thứu 4 của ung thư, thông thường các giai đoạn đầu không gây đau. Người bệnh sẽ thấy đau khi nhai nuốt, nếu khối u ác tính phát triển lớn hơn thì có thể gây đau ở tai.

Mặc dù không mọc mụn hay hạch ở lưỡi nhưng phụ nữ mắc ung thư lưỡi vẫn cảm thấy có khối u trong cổ họng gây khó nuốt. Khi ung thư lưỡi phát triển, hệ thống miễn dịch của cơ thể yếu đi gây viêm loét và nhiệt miệng.

Để phòng bệnh ung thư lưỡi, bác sĩ khuyên mọi người chú ý vệ sinh răng miệng, bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, nhai trầu. Nếu thấy có bất cứ triệu chứng bất thường nào trên lưỡi, cần đến ngay cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.