Chủ tịch Phan Văn Mãi: Tp.HCM quyết tâm trở lại vị trí đầu tàu kinh tế

Lần đầu trả lời chất vấn trước HĐND Tp.HCM, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, quyết tâm phục hồi kinh tế địa phương.

Chiều 8/12, HĐND Tp.HCM tiếp tục kỳ họp thứ tư với phiên chất vấn Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi. Đây là lần đầu tiên ông Phan Văn Mãi trả lời chất vấn kể từ khi nhậm chức vào kỳ họp HĐND Tp.HCM trước đó, hồi cuối tháng 8/2021.

Mở đầu bài phát biểu tại phiên chất vấn, ông Phan Văn Mãi bày tỏ lòng tri ân đến HĐND Tp.HCM, đồng bào, cử tri, nhân dân, doanh nghiệp đã hỗ trợ thành phố suốt thời gian qua.

Theo ông Phan Văn Mãi, năm 2021, Tp.HCM thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19. Hầu như mọi nguồn lực ưu tiên cho phòng chống dịch, lo cho sức khỏe, sinh mạng của người dân.

“Các hoạt động kinh tế phải tạm dừng nên việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Nhiều chỉ tiêu quan trọng không đạt được”, ông Mãi nhìn nhận.

Sự kiện - Chủ tịch Phan Văn Mãi: Tp.HCM quyết tâm trở lại vị trí đầu tàu kinh tế

Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư của HĐND Tp.HCM khóa X.

Người đứng đầu chính quyền Tp.HCM đánh giá, sự xuất hiện biến chủng mới của dịch Covid-19 có nguy cơ đe dọa thành quả phòng chống dịch của địa phương. Vì thế, Tp.HCM đang giám sát chặt chẽ, chủ động kiểm soát tình hình dịch, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập, lây lan của biến chủng mới.

"Dịch còn diễn biến phức tạp nên đòi hỏi chúng ta không lơ là, chủ quan, cần bám sát tình hình, chủ động, hài hòa phòng chống dịch và kinh tế xã hội theo tinh thần thích ứng", ông Mãi nói.

Về kết quả phát triển kinh tế xã hội 2021, từ đầu năm, cả hệ thống chính trị và người dân đã dành quyết tâm cao và kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm tăng 5,99%.

Tuy nhiên, đợt dịch thứ tư, Thành phố này có mức độ lây nhiễm nghiêm trọng làm hoạt động kinh tế gián đoạn, các hoạt động tăng trưởng bị kéo lùi nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề sức khỏe, sinh kế, tăng trưởng kinh tế quý III giảm mạnh.

Đến quý IV, Tp.HCM dần mở cửa nền kinh tế nhưng vẫn đang chịu áp lực nguy cơ cao dịch bùng phát trở lại. Tăng trưởng kinh tế quý IV chưa lấy lại đà phục hồi, một số hoạt động cần được cân nhắc cho hoạt động trở lại.

Ông Phan Văn Mãi chia sẻ: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố giảm xuống mức -6,78% là chưa từng xảy ra trong 35 năm qua. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó cũng có một số điểm sáng như tổng thu ngân sách đạt 101,3% so với dự toán, tín dụng ngân hàng tăng trưởng ổn định,…”.

Chủ tịch UBND Tp.HCM đưa ra nhận xét: “Quá trình phục hồi kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn. Nỗ lực đạt tăng trưởng như điều kiện bình thường là thách thức bao phủ với kinh tế thành phố trong năm 2022-2023. Trong đó, việc đưa tốc độ tăng trưởng từ -6,78% lên 6-6,5% trong một năm là nhiệm vụ rất khó khăn”.

Tuy nhiên, với nền tảng kinh tế và doanh nghiệp hiện hữu cùng truyền thống năng động, sáng tạo, ông Mãi cho rằng: “Nếu có môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ hiệu quả thì kinh tế hoàn toàn có thể tăng trưởng theo hình chữ V. Đây là tâm huyết chính trị rất lớn của Tp.HCM để lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế trong tăng trưởng ở phía nam và cả nước".

Sự kiện - Chủ tịch Phan Văn Mãi: Tp.HCM quyết tâm trở lại vị trí đầu tàu kinh tế (Hình 2).

Đại biểu Tô Thị Bích Châu đặt câu hỏi cho Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi tại phiên chất vấn.

Trong phần chất vấn, đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu ra vấn đề về việc tổ chức y tế cơ sở bằng hình thức trạm y tế lưu động để phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới.

Ngoài ra, về cải cách hành chính, việc liên thông giữa các sở, ngành địa phương, đặc biệt là văn bản do địa phương gửi đến, giải quyết yêu cầu, kiến nghị của người dân còn nhiều vấn đề, trong đó văn bản địa phương gửi lên chờ rất lâu mới được trả lời.

Trả lời các câu hỏi, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi khẳng định: “Củng cố, phát huy hiệu quả của hệ thống y tế cơ sở là trọng tâm của thành phố. UBND Tp.HCM đã làm việc với Bộ Y tế và thống nhất triển khai đề án thí điểm, xây dựng tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số.

Từ đó, địa phương sẽ cố gắng giải quyết được vấn đề nhiều người quan tâm, đó là nhân sự của các trạm y tế chưa đáp ứng được quy mô dân số trong điều kiện dịch bệnh bùng phát”.

Bên cạnh trạm y tế cơ hữu, Tp.HCM sẽ xây dựng trạm y tế lưu động để huy động lực lượng từ bên ngoài như quân y, y tế tư nhân để chung sức trong vận hành trạm y tế lưu động.

Về cải cách hành chính, ông Phan Văn Mãi cho biết, đây là nội dung quan trọng và là vấn đề của Thành phố này với tư cách trung tâm kinh tế năng động.

"Thời gian qua, Tp.HCM có kế hoạch cải cách hành chính rất cụ thể về trách nhiệm, cơ chế phối hợp nhưng quá trình thực hiện chưa đạt như yêu cầu, vấn đề là tiếp tục giữ nguyên kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện, có cơ chế kiểm tra, đánh giá, thưởng phạt. Thành phố tiếp thu để thời gian tới tổ chức thực hiện tốt hơn", ông Mãi nói.

Trong năm 2021, khi thực hiện chủ đề xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, Tp.HCM đã hình thành các tổ công tác để thực hiện các công việc và nhận thấy hiệu quả để phát huy mô hình này.

“Thành phố cũng thấy cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng dữ liệu, hồ sơ để theo dõi, không bị bỏ sót, bỏ lọt các vụ việc lâu ngày nhằm kịp thời theo dõi, nhắc nhở, đánh giá kết quả của từng cơ quan, cá nhân trong việc theo và xử lý các vụ việc, hồ sơ”, Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết.

Theo Người Đưa Tin