Chưa đủ dữ liệu để biết Omicron có gây bệnh nặng hay không

Ngày 22/12, quan chức cấp cao của WHO thông tin, cho đến nay các dữ liệu vẫn chưa đủ để xác định mức độ nghiêm trọng của biến chủng Omicron so với Delta.

Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện mỗi ngày để nâng cao hiểu biết về biến thể Omicron.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky, dữ liệu ban đầu cho thấy, số ca mắc Omicron tăng gấp đôi cứ sau 2-3 ngày. Tốc độ này nhanh hơn nhiều so với biến thể Delta. Ở thời điểm đỉnh cao, số ca nhiễm biến thể Delta tăng gấp đôi trong khoảng 7 ngày.

"Đây là một biến thể lây lan cực kỳ nhanh. Chúng tôi chỉ mới xác định nó vào Lễ Tạ ơn và Omicron đã là chủng trội ở Mỹ. Khả năng cao là biến thể này dễ lây truyền hơn bất kỳ biến thể nào trước đây", nhà dịch tễ học John Brownstein từ Bệnh viện nhi Boston đánh giá.

Omicron dường như né tránh được sự bảo vệ của vắc-xin dễ dàng hơn so với các biến thể trước đó nhưng không rõ là tỉ lệ bao nhiêu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ ra, mũi tiêm tăng cường có thể giúp khôi phục phần lớn khả năng bảo vệ đã mất trước đó.

Dữ liệu sơ bộ từ Pfizer-BioNTech cho thấy, những người được tiêm 2 liều vắc-xin của hãng có mức độ kháng thể trung hòa chống lại biến thể thấp. Nhưng, mức độ kháng thể của những người được tiêm liều thứ 3 lại tăng gấp 25 lần so với mức trước khi tiêm.

Dữ liệu ban đầu được Moderna công bố ngày 20/12 cho thấy, liều tăng cường 50 microgram của họ làm tăng mức độ kháng thể lên 37 lần.

Các quan chức y tế lưu ý, 2 liều vắc-xin đầu vẫn làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, biến chủng Omicron lây bệnh cho cả người đã tiêm chủng hoặc người từng khỏi bệnh Covid-19.

Đáng lo ngại là gần một tháng sau khi Nam Phi lần đầu tiên cảnh báo về sự xuất hiện của Omicron, các quan chức y tế vẫn chưa biết biến thể Omicron gây ra bệnh nhẹ hay nặng.

"Chúng tôi có một số dữ liệu cho thấy, tỉ lệ nhập viện thấp hơn", Trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về Covid-19 của WHO Maria van Kerkhove nói. Song bà cảnh báo không thể đưa ra kết luận từ dữ liệu ban đầu vì "chúng ta vẫn chưa chứng kiến biến chủng này lan truyền đủ lâu trong các quần thể trên khắp thế giới, đặc biệt là ở những nhóm dễ bị tổn thương".

Một nghiên cứu ở Nam Phi được công bố trước đó cho thấy, những bệnh nhân nhiễm Omicron ít có khả năng phải nhập viện hơn người nhiễm Delta, mặc dù các tác giả lưu ý mức độ miễn dịch cao trong dân số ở khu vực này có thể là nguyên nhân. Trong khi đó, nghiên cứu từ Imperial College London (ICL) cho thấy, Omicron không có dấu hiệu nhẹ hơn Delta.

Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO, từng nhận định rằng thật “không khôn ngoan” nếu kết luận Omicron là chủng nhẹ hơn các chủng trước.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng chỉ ra rằng dù biến chủng Omicron gây bệnh nặng ra sao, “chỉ cần số lượng ca nhiễm cao cũng có thể làm hệ thống y tế quá tải”, khiến thêm nhiều người tử vong.

Ông Tedros kêu gọi các quốc gia rút ra bài học sau 2 năm đại dịch và một lần nữa tăng cường tính công bằng vắc-xin. Ông hy vọng, năm tới đại dịch có thể chấm dứt. "2022 phải là năm chúng ta chấm dứt đại dịch", ông Tedros nhấn mạnh.