Chứng kiến cảnh bạo hành mà không tố giác cũng bị phạt tù

Nhiều trường hợp chứng kiến cảnh bạo hành nhưng không tố giác đến cơ quan chức năng thì có bị liên đới hoặc xử lý không?
bao-hanh-gia-dinh-1478587588-1628219662.jpg

Ngày 5/8, cổng thông tin điện tử Công an Bình Dương đăng tải, Công an phường Bình Chuẩn đã bàn giao hồ sơ, đối tượng cho Công an thành phố Thuận An để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với Lê Hoài Nam (SN 1992, hộ khẩu thường trú tại TP.HCM, tạm trú tại khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn) là người đánh đập em bé trong một clip được đăng tải trên mạng xã hội trong những ngày gần đây.

Trước đó, khoảng 20h30 ngày 4/8, trên mạng xã hội xuất hiện video clip ghi lại cảnh một người đàn ông đánh đập tàn nhẫn một em bé, gây bức xúc trong dư luận. Tiến hành thu thập thông tin, Công an phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An xác định đối tượng Lê Hoài Nam chính là người đàn ông trong clip trên và đứa bé bị đánh là con riêng của người sống với Nam như vợ chồng. Sau đó, công an phường mời Nam và những người có liên quan về trụ sở để làm việc.

Tại cơ quan Công an, Nam khai nhận chung sống như vợ chồng với chị Nguyễn Huyền T. từ năm 2020 đến nay. Trong thời gian cùng chung sống, Nam thường xuyên đánh đập và chửi mắng bé P.A - con riêng của chị T., đỉnh điểm là sự việc xảy ra như trong clip được phát tán trên mạng xã hội vào ngày 4/8.

Trẻ em vốn là đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Để bảo vệ trẻ em, Nhà nước đã đặt ra rất nhiều quy định để đảm bảo trẻ em được lớn lên trong môi trường tốt nhất. Từ đó, tạo ra những chủ nhân tương lai mới cho xã hội.

Tuy nhiên, đâu đó trong cuộc sống, tình trạng bạo hành trẻ em vẫn xảy ra nhưng việc kiểm soát chúng gặp nhiều khó khăn. Những vụ bạo hành trẻ em chỉ được xử lý khi có tin báo, khi cộng đồng mạng vào cuộc.

Bạo hành trẻ em sẽ phải đối mặt với mức án như thế nào?

Trao đổi với Infonet, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng VPLS Trung Hòa, Hà Nội) chia sẻ: "Hình ảnh bạo lực của Lê Hoài Nam đối với cháu bé như trong clip đang được chia sẻ trên mạng xã hội khiến bản thân tôi cảm thấy xót xa và rất tức giận.

Cháu bé chỉ khoảng 4 tuổi, chỉ là một đứa trẻ, cả về mặt sinh học và năng lực hành vi đều chưa phát triển đầy đủ. Việc bị bạo hành nhiều lần sẽ để lại những hậu quả cả về thể chất lẫn tinh thần cho cháu".

Luật sư Hoàng Tùng phân tích vụ việc: "Theo thông tin trên báo chí thì tại cơ quan công an, ban đầu người đàn ông khai là bố của cháu. Và theo thông tin mới nhất mà công an cho biết về kết quả điều tra, anh ta không phải là bố đẻ cháu P.A.

Hành vi đấm, đạp, thậm chí là bế vác đứa bé lên rồi quăng xuống đất đầy bạo lực là dấu hiệu của hành vi cố ý gây thương tích cho người khác.

Trước tiên cần giám định thương tích của cháu bé. Chỉ cần có % thương tích thì người hành hung có thể phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Nếu thương tích dưới 11% thì Lê Hoài Nam có thể bị phạt tù đến 3 năm. Còn nếu thương tích từ 11% đến dưới 30% thì mức phạt tù từ 2 đến 6 năm”.

Chứng kiến cảnh bạo hành mà không tố giác cũng bị phạt tù

Theo báo VOV, trong clip cho thấy cháu bé liên tục gào khóc, cầu xin sự giúp đỡ của người mẹ nhưng không được đáp ứng ngay và đối tượng Nam đã nhiều lần đánh cháu bé. Trả lời cho câu hỏi, người mẹ đứng nhìn con bị hành hạ như vậy liệu có thể bị xử lý gì không? luật sư Lê Ngọc Khánh (Công ty Luật TNHH TGS) cho rằng, có thể thấy trong vụ việc trên nếu đây là người mẹ. Người mẹ đã biết và nhìn thấy hành vi ngược đại, bạo hành của người cha dượng đối với con mình trong thời gian qua nhưng không tố giác hay trình báo với cơ quan chức năng thì có thể bị xem xét trách nhiệm.

"Tại khoản 1 Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau: “Người nào biết rõ… một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm", luật sư Khánh phân tích.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Do đó trong trường hợp này, người phụ nữ là vợ của người phạm tội nên sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm. Tuy nhiên, xét dưới góc độ đạo đức, thấy người chồng hành hạ ngược đãi con trai mình như vậy mà người mẹ không hề can ngăn thì đây là hành vi không thể chấp nhận được và cần phải lên án.

H.H (tổng hợp) - Người Đưa Tin Pháp Luật