Chuyên gia lý giải việc Covid-19 dần suy yếu và biến thể Delta "tự hủy diệt" tại Nhật Bản

Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau khiến làn sóng Covid-19 mới tại Nhật Bản sớm được dập tắt. 

"Dịch bệnh có đang biến mất?" tại Nhật Bản là câu hỏi được truyền thông nước này và báo chí thế giới quan tâm những ngày qua.

Không như châu Âu đang chứng kiến làn sóng dịch nghiêm trọng vào mùa đông, "vận may" đang đến với Nhật Bản khi nước này liên tục ghi nhận số ca nhiễm virus corona giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm.

covid 19 tai nhat ban suy yeu co the do virus tu huy diet spl

Người Nhật Bản đi bộ trong khu mua sắm Shibuya, thành phố Tokyo. Ảnh: Reuters

Trao đổi với Tạp chí Tri thức trực tuyến, ông Takeshi Urano - giáo sư chuyên ngành y tại Đại học Shimane cho biết: “Các nhà nghiên cứu đều nói về sự suy giảm nhanh chóng của những trường hợp mới sau đợt bùng dịch thứ 5, nhưng vaccine không phải lời giải thích duy nhất. Sự biến đổi gene của virus trong quá trình tự nhân bản cũng đóng một vai trò quan trọng”.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu từ Viện Di truyền Quốc gia và Đại học Niigata, các đột biến trong thông tin di truyền (RNA) của chủng Delta có thể khiến virus không thể duy trì thông tin di truyền của chính mình.

Biến chủng Delta ở Nhật Bản tích lũy quá nhiều đột biến đối với protein phi cấu trúc, có chức năng sửa lỗi di truyền là nsp14. Hệ quả là virus dần mất đi chức năng tự sửa lỗi gene, cuối cùng dẫn tới tự diệt vong.

Takeshi Urano, giáo sư y khoa tại Đại học Shimane cũng đưa ra quan điểm tương tự. Ông cho biết: “Nsp14 hoạt động với các protein khác của virus. Nó có vai trò quan trọng để bảo vệ virus RNA không bị phân hủy. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi nsp14 bị tê liệt, khả năng tự nhân bản của virus sẽ giảm đáng kể và đây có thể là yếu tố gây ra sự sụt giảm nhanh chóng số ca mắc Covid-19”.

Theo chuyên gia này, với việc tìm kiếm một chất hóa học có khả năng tác động tới Nsp14, các nhà khoa học có thể bào chế loại thuốc đầy triển vọng để chữa trị bệnh Covid-19.

Câu hỏi đặt ra là liệu Covid-19 có kết thúc tự nhiên giống SARS, khi virus tự hủy diệt, không thể nhân lên được nữa?

"Không phải không có khả năng, nhưng mong đợi điều đó lúc này là hơi sớm. Chúng tôi chưa có bằng chứng khoa học, dù đã xem xét dữ liệu ở các quốc gia khác nhau", ông Ituro Inoue, giáo sư tại Viện Di truyền Quốc gia cho biết.

Giả thuyết này cũng có thể giải thích vì sao dịch SARS đột ngột chấm dứt vào năm 2003 mà không cần đến bất cứ loại vaccine hay thuốc nào. Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã khiến virus SARS có đột biến nsp14. Cuối cùng virus không thể tự tái tạo vì các đột biến chồng chất lên nhau.

Một số người thắc mắc liệu người dân Nhật Bản có sở hữu loại gene đặc biệt giúp tiêu diệt Delta và nCoV nói chung. Giáo sư Inoue phản bác giả thuyết này.

"Người Đông Á như Hàn Quốc cũng có đặc điểm giống Nhật Bản. Nhưng tình hình của họ lại khác hẳn. Tôi cũng không rõ vì sao hiện tượng virus tự biến mất chỉ có ở Nhật Bản", ông Inoue nói.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết một trong những yếu tố quan trọng khác là Nhật Bản có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong số các nước tiên tiến, với 75,7% dân số được tiêm phòng đầy đủ. Các yếu tố khác bao gồm tăng cường giãn cách xã hội và việc đeo khẩu trang hiện đã trở thành thói quen của người Nhật.

Theo Người Đưa Tin