Chuyện ít biết về dịch bệnh ở Việt Nam xưa: Dịch làm chết 2% dân số, và chống dịch… bằng đẻ

Từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, trị bệnh chủ yếu là thuốc Tây. Cuối năm 2020, một số quốc gia trên thế giới mới điều chế được vaccine phòng.

Khi vua ăn ở trái đạo

Xa xưa, mỗi khi đất nước bị lụt lội, vỡ đê, dịch bệnh, hạn hán, châu chấu bay ngập đồng… hoặc có những chuyện bất thường như: Nhật thực, nguyệt thực, sao chổi bay ngang trái đất… là do vua ăn ở trái đạo nên trời ra tai để thức tỉnh. Vì do vua nên vua sẽ phải ăn chay, sám hối, sửa đạo thay nết, phóng thích tù nhân, phát chẩn cho người nghèo để chuộc lỗi.

Vì thế trong “Đại Việt sử ký toàn thư” nhan nhản những đoạn chép: “Năm A, tháng B, ngày C đại hạn, vua ra lệnh ân xá cho tù nhân…”, “Năm D, tháng E ngày F, dịch bệnh, vua ăn chay niệm Phật” hay “Năm G, tháng H ngày K, đê vỡ, dân sai phát chẩn cho dân”… Ngày nay, quan niệm tâm linh bị cho là hoang đường nhưng xưa lại nó cũng có công dụng kiềm chế phần nào các đấng quân vương không còn lương tâm.

Nói chung các bậc quân vương đều hiểu rằng có dân mới có vua nên ngoài sám hối, vua cũng có những việc làm rất cụ thể, sách “Đại Nam thực lục chính biên” chép: “Vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp”. Tuy nhiên chế biến “bạch đậu khấu” thế nào, “phương thuốc chữa dịch” ra sao lại không thấy sách chép.

Trong các bài thuốc dân gian còn lưu truyền đến ngày nay thì chữa dịch tả và kiết lỵ bằng búp ổi, thậm chí cả bằng thuốc phiện hay xông bằng quả bồ kết.Cuối thế kỷ 19, một số địa phương phía Bắc xảy ra dịch tả và dịch hạch, dân chúng cương quyết không cho chính quyền Pháp phun thuốc diệt khuẩn, họ cho rằng chỉ cần đốt pháo dịch cũng sẽ hết, họ tin vào cách dân gian vẫn làm hơn là tin vào cái thứ nước có mùi “hăng hắc” của người Pháp.

Xã hội - Chuyện ít biết về dịch bệnh ở Việt Nam xưa: Dịch làm chết 2% dân số, và chống  dịch… bằng đẻ

Xưa kia người dân quan niệm dịch bệnh là do vua "ăn ở" trái ý trời (Ảnh minh họa)

Chống dịch bằng…đẻ

Xưa dịch bệnh làm chết vài trăm nghìn người là con số quá lớn vì dân số Việt Nam không lúc nhúc như ngày nay. Thời điểm Minh Mạng mới ngôi, trận dịch tả tháng 7-1820 làm chết 206.835 trong khi số dân thời kỳ đó khoảng 10 triệu người, tức là mất 2% dân số. Không có con số đàn ông chết nhưng đàn ông chết thì lấy đâu trai đinh đi lính đánh giặc, lấy đâu người đắp đê, xây thành, đắp lũy và đóng thuế thân cho triều đình?

Để duy trì nòi giống và bù lấp vào số người chết do thiên tai, đặc biệt là dịch bệnh, các triều vua cho con dân lấy vợ cưới chồng từ rất sớm, ca dao có câu “Bồng bồng cõng chồng đi chơi/Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng”. Việc sinh đẻ cũng thoải mái, “Lấy chồng từ thủa 13/ Đến năm 18 thiếp đà 5 con” và vua cũng cho phép đàn ông có thể lấy nhiều vợ. Lễ hội phồn thựctại miếu Trò, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, Phú Thọ vào ngày 11-12 tháng Giêng hàng năm gọi nôm là “Linh tinh tình phộc”,là một trong những lễ hội phồn thực cổ xưa nhất Việt Nam nhưng truy nguyên thì đó là lễ hội “kích dục” với mục đích để dân chúng trong vùng đẻ nhiều.

Dịch bệnh chẳng chừa một ai. Đầu năm 1801, hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh được Nguyễn Ánh (lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long) chọn sẽ nối nghiệp ông bị chết vì đậu mùa dù được chữa trị bằng các bài thuốc Nam, thuốc Bắc khiến Gia Long lo sợ. Từ đó vua Gia Long bắt đầu tin vào y học phương Tây và cho đến lúc chết bên cạnhông luôn có một bác sỹ người Pháp.

Có thể nói từ đời vua Gia Long, y học phương Tây chính thức đặt chân vào Việt Nam. Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi thay cha là Gia Long cũng lo sợ dịch bệnh đã cho phép lập một “trung tâm” chữa bệnh đậu mùa ngay trong hoàng thành và 10 ngự y đã được các bác sỹ người Pháp đào tạo chữa kiểu bẹnh kiểu phương Tây. Tuy nhiên cháu nội của Minh Mạng sau này là vua Tự Đức (con trai của vua Thiệu Trị) bị dính đậu mùa, dù không chết song mặt Tự Đức rỗ như tổ ong bầu.

Xã hội - Chuyện ít biết về dịch bệnh ở Việt Nam xưa: Dịch làm chết 2% dân số, và chống  dịch… bằng đẻ (Hình 2).

Để duy trì nòi  giống  và bù lấp vào số người chết do  thiên tai, đặc  biệt là  dịch bệnh, các triều vua cho con dân lấy vợ cưới chồng từ rất sớm (Ảnh minh họa)

Áp dụng các biện phòng chống cứng rắn

Năm 1888, dịch tả xảy ra tại nhiều khu phố ở Hà Nội làm dân chúng vô cùng hoang mang, báo Tương lai Bắc Kỳ mô tả “không khí lo sợ bao trùm thành phố, nhà nào cũng đóng cửa kín mít”. Thời điểm này, Hà Nội đã là thành phố nhượng địa, sống theo luật Pháp quốc nên chính quyền làm nhiều việc để dập dịch. Đầu tiên, họmua rất nhiều giấy bản phát miễn phí cho dân chúng bị bệnh, bắt phải dùng khi đi vệ sinh rồi bắt đốt để hạn chế lây lan. Chính quyền lập các chốt có cảnh sát gác ngày đêm, không cho người ngoài vào, bên trong ra. Hàng ngày họ cung cấp cơm nắm, muối vừng và nước vối nóng.

Cùng với thuốc Tây khi đó đã bào chế được, chính quyền cũng huy động dân chúng các vùng không bị dịch hái búp ổi, một loại thuốc nam không mất tiền nhưng tác dụng khá tốt phát cho người bệnh. Theo yêu cầu của các thầy thuốc Hoa kiều, chính quyền cũng đồng ý để các tiệm hút thuốc phiện (giai đoạn này chính quyền Pháp cho hút thuốc phiện công khai ở Hà Nội) phát cho người bệnh những viên thuốc phiện nhỏ như hạt đậu xanh. Nhờ áp dụng nhiều biện pháp nên dịch tả đã được dập tắt.

Năm 1902, dân chúng Hà Nội lại bị một phen hoảng loạn vì thành phố xuất hiện dịch hạch, người ta đồn đại là do các phu người Hoa sang làm đường sắt mang theo. Để chống dịch, chính quyền đưa tất cả số lao động bị bệnh vào cách ly trong Văn Miếu. Với những nhà có người chết, họ ra lệnh cho cảnh sát phóng hỏa thiêu rụi căn nhà. Vì sống theo luật Pháp nhiều gia đình bị đốt nhà đã làm đơn kiện tòa Đốc lý nhưng bị bác đơn và sau khi dập tắt dịch, họ đã đền bù tiền dể làm lại nhà. Với các gia đình bị dịch có người chết nhưng giấu xác rồi bí mật đưa về quê chôn mai táng theo phong tục khi bị phát hiện, cảnh sát theo về tận quê cấm không cho đưa tang rồng rắn. Nhờ áp dụng các biện pháp cứng rắn nên dịch đã không lan rộng và được dập tắt. Sang năm 1903, Hà Nội lại bị dịch hạch, chính quyền cho phun thuốc khử trùng, tiêm vaccine cho dân và đốt những căn nhà có người chết nhưng đã vấp phải sự phản đối kịch kiệt của người không hiểu biết, họ làm đơn kêu cứu lên chính quyền.

Khi viết cuốn “Me Tư Hồng”, tôi xuống Hà Nam mảnh đất một thời “Trai tài đánh dậm cu đen sạm/Gái đảm mò cua hĩm mốc meo” rồi Nam Định và Thái Bình tìm kiếm những câu chuyện của nhân vật Trần Thị Lan (tên thật của cô Tư Hồng). Dù thời gian Trần Thị Lan sống ở làng cho đến khi tôi đến đã 130 năm nhưng rất may, người nông dân vốn “nhớ lâu, thù rai” vẫn còn những chuyện lẻ sót lại trong kho ký ức của các làng. Và ấn tượng nhất là chuyện về người chồng đầu tiên của Trần Thị Lan. Anh này quê Thái Bình, kẻ sống sót duy nhất trong một trận dịch tả kinh hoàng. Khi dịch tả xảy ra ở một ngôi làng ven sông, viên tri huyện đã cho áp dụng qui tắc 2 vòng tròn, với những người bị bệnh thì ở nguyên trong làng, ông gọi đó là vòng tròn thứ nhất, người chưa dính ông đưa sang vòng tròn thứ 2 cách vòng tròn thứ nhất khá xa. Ông ta cấm người ở vòng tròn thứ nhất sang vòng tròn thứ 2 và ngược lại. Chỉ những người được phép mang thuốc, thức ăn, nước uống mới được ra vào.

Xã hội - Chuyện ít biết về dịch bệnh ở Việt Nam xưa: Dịch làm chết 2% dân số, và chống  dịch… bằng đẻ (Hình 3).

Cuộc sống của người dân ngày xưa qua tranh vẽ xưa. Ảnh: Tư Liệu

Khi biết không thể cứu sống được những người bệnh ở vòng tròn thứ nhất, viên tri huyện đã đề nghị tổng đốc Thái Bình cho phóng hỏa đốt làng để tránh dịch lây lan rộng và được đồng ý. Mùi thịt người cháy khét lẹt lan ra khắp vùng làm những con chó quanh vùng sủa như khóc. Tiếng sủa vọng qua sông sang, dân đất Nam Định cũng nghe thấy. Ở vòng thứ 2 có một thanh niên, nhìn ngọn lửa sáng rực, anh ta biết, ông bà, cha mẹ, họ hàng đã chết cả, sợ tiệt tộc, đêm đó anh ta trốn qua mấy vòng canh gác bơi qua sông sang Nam Định. May mắn anh ta không bị bệnh vì thế cũng không lây cho ai. Sau đó anh mở quán bán cháo thịt bò và lấy Trần Thị Lan.

Mùa dịch covid-19 năm 2020, Việt Nam chỉ có mấy chục người chết và hầu hết là các bệnh nhân có bệnh lí nền phần lớn song nỗi lo sợ bao trùm xã hội. Trong mùa dịch năm 2020, một số địa phương còn đổ đất chặn đường không cho dân các vùng đi qua làng xã mình. Lại có những tỉnh, thành phố ra văn bản sai với qui định, trái đạo gây khó cho dân chúng ở tỉnh thành có dịch nhưng không ở trong khu vực có dịch. Đó là thiếu hiểu biết về qui luật của dịch bệnh này, là sự ích kỷ và cũng là biểu hiện tính cục bộ. Không có tương lai riêng trong bối cảnh chung khi xã hội có dịch. Qua hai mùa dịch covid, mới lộ ra người Việt rất sợ chết, cách mà rất đông người phản ứng với việc làm của một số địa phương, người bị bệnh thiếu ý thức trên mạng xã hội cho thấy điều đó. Nhưng nhờ tâm lí sợ chết mà cách tìm các F theo kiểu “đi từng ngõ gõ từng nhà” đã thành công.

(Còn nữa)

Nguyễn Ngọc Tiến - Người Đưa Tin Pháp Luật