Có bắt buộc dán nhãn phụ lên hàng hóa nhập khẩu không?

Công ty tôi kinh doanh đồ dùng sinh hoạt gia đình, tôi đang có dự định nhập khẩu các loại thiết bị gia dụng tiện lợi từ Trung Quốc về bán. Khi nhập khẩu hàng này về đã có nhãn bằng tiếng Trung Quốc thì Công ty tôi có phải dán nhãn phụ bằng tiếng Việt lên hay không? Mức phạt nếu không dán nhãn phụ là bao nhiêu? Nếu hàng hóa Công ty tôi mới làm thủ tục thông quan nhưng chưa đưa ra thị trường thì có bị xử phạt không?.

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

in-te-nhan-phu-va-nhung-dieu-can-biet-the-gioi-ma-vach-1-848x471-848x471-1633133675.jpg
Ảnh minh họa

[1]. Quy định về việc sử dụng nhãn phụ

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa thì “Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này.”

Và Khoản 3 Điều 7 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định như sau: “3. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.”

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì công ty của bạn sẽ nhập khẩu hàng hóa là đồ gia dụng không dùng điện, như vậy căn cứ theo quy định đã dẫn chiếu ở trên, theo Khoản 1 Điều 10 và Phụ lục I Nghị định 43/2017/NĐ-CP, trong trường hợp hàng hóa mà Công ty bạn nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam mà trên nhãn hàng hóa chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đầy đủ những nội dung bằng tiếng Việt như: (i) Tên hàng hóa; (ii) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; (iii) Xuất xứ hàng hóa; (iv) Thành phần; (v) Thông số kỹ thuật; (vi) Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản; (vii) Thông tin cảnh báo (nếu có) thì Công ty bạn phải dán nhãn phụ có đầy đủ nội dung bằng Tiếng Việt như trên.

[2]. Xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến nhãn phụ hàng hóa

Theo quy định tại điểm b Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP thì tùy vào giá trị của hàng hóa vi phạm là “Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam” thì mức phạt vi phạm hành chính có thể từ 500.000 đồng lên đến 100.000.000 đồng.

Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 18 Thông tư 18/2018/TT-BKHCN cũng có hướng dẫn như sau: “Hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa mà nhãn hàng hóa không ghi đủ hoặc ghi không đúng một trong các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn tùy theo tính chất hàng hóa quy định tại Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Trừ trường hợp, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan. Tổ chức, cá nhân phải hoàn thiện ghi nhãn trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông trên thị trường.”.

Chính vì vậy, trường hợp Công ty của bạn chỉ mới làm thủ tục thông quan đối với hàng hóa mà chưa đưa ra thị trường thì sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng hóa chưa có nhãn phụ.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

Theo Nguyễn Thị Sương – Công ty Luật FDVN