Cô gái có bàn tay 'vàng' của thành phố dệt Nam Định

Cũng giống như bao công nhân khác của Nhà máy Sợi (tổng công ty Cổ phần Dệt May Nam Định), khi mới bước chân vào nghề, Hoàng Thị Hải được đào tạo kỹ thuật cơ bản. Với sự cần cù, vượt khó và thường xuyên quan sát, sau gần 10 năm tích lũy kinh nghiệm, đặc biệt chỉ trong 3 năm từ 2015-2017, cô thợ trẻ mới 33 tuổi đời đã có 2 sáng kiến mang lại hiệu quả trên 200 triệu đồng mỗi năm cho Nhà máy.

Đặc biệt các sáng kiến này đã có sức lan tỏa trong đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) ngành sợi của đơn vị nói riêng và ngành dệt may nói chung.

Hoàng Thị Hải - cô gái có bàn tay vàng ngành sợi trong Hội thi thợ giỏi toàn Quốc lần thứ V năm 2015 (ảnh do nhân vật cung cấp).

Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2007, Hoàng Thị Hải trở thành công nhân vận hành dây chuyển sợi của Nhà máy Sợi (tổng công ty Cổ phần Dệt May Nam Định). Sau 13 năm đứng máy, người thợ trẻ có “Bàn tay vàng” ngành dệt may Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công. Vinh dự ấy tạo động lực cho cá nhân chị và những CNLĐ trẻ có thêm niềm tin, mong muốn tiếp tục được gắn bó nghề.

Với sáng kiến “Nối mối nhanh”, Hải đã dày công nghiên cứu mối nối đầu sợi con đạt 20 mối/1 phút (tăng 4 mối/phút so với phương pháp cũ). Còn với mỗi nối viền ống theo phương pháp mới của chị Hải là không bỏ ô nhung đạt 22 mối/phút, trong khi phương pháp cũ là bỏ ô nhung và chỉ đạt 17 mối/1 phút.

Sáng kiến nối mối nhanh đã giúp cho năng suất, chất lượng của mỗi máy con tăng thêm từ 15-20%, giúp một công nhân đứng thêm được 4 máy (tức 18 máy), thay cho 8 máy con như trước đó. Nhờ sáng kiến này đã giúp Hoàng Thị Hải đạt danh hiệu Giải vàng ngành sợi tại Hội thi thợ giỏi toàn quốc lần thứ V năm 2015.

Nối tiếp thành công trước đó, năm 2017 Hoàng Thị Hải đã tiếp tục có sáng kiến “Thao tác máy nhanh”, tức là đi tua xử lý máy linh hoạt theo phương trâm “Dễ trước, khó sau”, “Đơn giản trước, phức tạp sau” đi từ phải sang trái, mặt máy phải xử lý chính, mặt máy trái chủ yếu nối mối đơn giản hết đường tua đích đi ngược lại.

Sáng kiến này đã rút ngắn đường tua, tiết kiệm tiêu hao nguyên liệu, hạn chế sợi sai quy cách và hạn chế mối quấn, không gây hỏng suốt, đứt vòng da.

Nếu ở sáng kiến “Nối mối nhanh” rút ngắn thời gian thì ở sáng kiến “Thao tác máy nhanh” không những tiết kiệm được thời gian mà còn tiết kiệm được nguyên vật liệu. Các vật tư của máy sợi con như suốt, vòng da được kéo dài thời gian sử dụng…

Hoàng Thị Hải cho biết: “Đã là sáng kiến thì phải được ứng dụng. Sáng kiến thực sự ý nghĩa khi nó có sự lan tỏa và có sức ảnh hưởng trong hệ thống ngành nghề”. Từ suy nghĩ đó, Hoàng Thị Hải đã chia sẻ kinh nghiệm và trực tiếp hướng dẫn thao tác kỹ thuật cho đồng nghiệp, nhất là CNLĐ trẻ mới vào nghề.

Không những thế, người thợ trẻ - cô gái ngành dệt thành Nam còn luôn động viên, khuyến khích các đồng nghiệp nỗ lực, cố gắng tìm ra những giải pháp, sáng kiến mới hơn mình nhằm góp phần hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do công ty phát động. Chính vì lẽ đó, đại đa số CNLĐ trong tổ sản xuất của Hải, dù là mới vào nghề hay những người đã có tuổi nghề lâu năm khi được tiếp cận những sáng kiến của chị đã nhanh chóng trưởng thành. Những người tay nghề còn hạn chế đã được nâng cao và tích lũy thêm kinh nghiệm. Điều này đã giúp đội ngũ CNLĐ nhà máy có trình độ tay nghề vững vàng và đồng đều, đặc biệt nơi đây còn hội tụ nhiều thợ giỏi.

Có được kết quả đó là sự cố gắng, đóng góp không nhỏ của cả tập thể người lao động, trong đó có Hoàng Thị Hải. Với sự năng động, sáng tạo và nhiệt tình, muốn cống hiến sức trẻ của bản thân cho công việc, “cô gái vàng” ngành dệt của thành Nam đã không ngần ngại đảm nhận những trọng trách khó khăn như: Hết giờ làm việc, ở lại thực hiện thử nghiệm các thao tác mối nối; tự nguyện xin được làm ca khi dây chuyển sản xuất thiếu thợ đứng máy. Nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn đào tạo CNLĐ mới vào nghề, người lao động bước đầu làm quen với thiết bị, công nghệ mới… Bố trí sắp xếp thời gian công việc gia đình sẵn sàng lên đường đến Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) và công ty Dệt Phú Thọ (Phú Thọ) để tiếp cận và học hỏi chuyển giao công nghệ, mặc dù các con vẫn còn nhỏ tuổi.

Mọi người biết đến Hoàng Thị Hải không chỉ qua những sáng kiến làm lợi cho đơn vị, mà còn biết đến chị với vai trò là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn tổng công ty Cổ phần Dệt May Nam Định luôn lắng nghe tâm tư của CNLĐ, được mọi người tin yêu gửi gắm tình cảm mỗi khi tiếp xúc, chia sẻ.

Do vậy, mỗi khi chị Hải đề xuất các ý kiến tham mưu với Ban chấp hành Công đoàn Tổng công ty đều được các thành viên nhất trí; khi triển khai người lao động hưởng ứng, lãnh đạo ghi nhận, đánh giá cao vì mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Khi được hỏi, đã 13 năm gắn bó với nghề nguyện vọng của chị là gì? Hải bày tỏ: “Mong muốn của tôi là cùng người thân trong gia đình vun đắp cho tổ ấm đã nhiều năm đạt “Gia đình văn hóa”, có việc làm và thu nhập ổn định; được tham gia nhiều hơn các hội thi, cuộc thi đặc biệt là các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi do tổng công ty Cổ phần Dệt May Nam Định, Công đoàn Dệt May và tổng Liên đoàn Lao động tổ chức. Vì đây thực sự là sân chơi, là cơ hội để mỗi cá nhân thể hiện tài năng, khẳng định mình, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống”. Có lẽ đây cũng chính là mong muốn của tất cả CNLĐ tổng công ty cổ phần Dệt May Nam Định.

Ghi nhận sự cố gắng và tinh thần sáng tạo của Hoàng Thị Hải, chị đã được trao tặng danh hiệu “Bàn tay vàng” năm 2015; Người lao động dệt may tiêu biểu giai đoạn 2011-2016; Người thợ giỏi toàn quốc, Bằng lao động sáng tạo năm 2017; giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2018… Đặc biệt năm 2017, Hoàng Thị Hải được vinh danh là 1 trong 100 phụ nữ tiêu biểu nhất của chương trình “Tự hào Phụ nữ Việt Nam” và được tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2017-2022 và vinh dự là đại biểu điển hình tiên tiến tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc… Năm 2019, chị được Công đoàn Dệt May Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nguyễn Thị Sen, giải thưởng giành riêng cho lao động nữ ngành dệt may… cùng nhiều thành tích cao quý khác.