Có nên lo "mang dịch" về quê ăn Tết?

Nhu cầu được về quê là điều mong mỏi chính đáng, tuy nhiên làm thế nào để tránh lây lan dịch bệnh là điều lo lắng của nhiều địa phương hiện nay.

Chỉ hơn 2 tuần nữa, cả nước sẽ đón kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đây là dịp lễ quan trọng đối với bà con và cũng là dịp đoàn tụ gia đình sau một năm.

Năm nay, ngoài nỗi lo kiếm tiền về quê ăn Tết, mỗi người dân còn mang nhiệm vụ phòng chống dịch.

Trước việc các thành phố lớn như Hà Nội, nơi tập trung nhiều lao động ở các địa phương khác nhau đang có tình hình dịch diễn biến phức tạp. Nhiều nơi tỏ ra lo ngại trước việc người dân trở về quê ăn tết.

Mặc dù không cấm việc di chuyển, nhưng hiện nay các tỉnh đã đưa ra những quy định phòng chống dịch khác nhau trước tình hình trên.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, một số tỉnh phía bắc như Bắc Giang, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh,… là những nơi siết chặt các quy định các ly y tế như phải khai báo y tế; thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú và làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh nếu âm tính mới được trở về gia đình.

Bên cạnh đó, nhiều nơi cũng vận động người dân ở lại, khuyến khích doanh nghiệp rút ngắn thời gian nghỉ.

Tiêu điểm - Có nên lo 'mang dịch' về quê ăn Tết?

Cuối năm là thời điểm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao

Vẫn có nguy cơ tiềm ẩn

Trao đổi với Người Đưa tin, bác sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Việc người dân di chuyển về các địa phương trong dịch tết sắp tới là điều đáng lo ngại. Sẽ không tránh được việc mang mầm bệnh từ vùng này sang vùng khác”.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Thái, chúng ta không thể đánh giá chính xác được mức độ dịch bệnh ở các khu vực, nên nguy cơ tiềm ẩn là rất lớn. Việc đi lại của người dân sẽ có nhiều loại tiếp xúc khác nhau trên cả chuyến đi, khó có thể giới hạn trong nội bộ gia đình.

“Việc phòng tránh lây nhiễm ở đây là rất khó. Mặc dù người dân đã tiêm đủ 2 mũi, nhưng vẫn có nhiều trường hợp đối tượng mắc bệnh nền và nhóm có nguy cơ cao. Những người này vẫn có thể bị nhiễm bệnh từ những người mang vi-rút”, bác sĩ Phạm Quang Thái bày tỏ.

Đặc biệt, trong dịp đầu năm, các hoạt động thăm hỏi, gặp gỡ khó tránh khỏi cho nên vẫn lo ngại trong việc lây lan dịch bệnh.

Tuy nhiên, chuyên gia vẫn đưa ra lời khuyên không nên quá lo lắng việc người dân về quê đón tết. Việc cần làm ở đây, người dân cần có ý thức, chuẩn bị các biện pháp phòng chống dịch an toàn, tránh tâm lý chủ quan dù đã được tiêm chủng.

Tiêu điểm - Có nên lo 'mang dịch' về quê ăn Tết? (Hình 2).

Người dân phải chủ động đảm bảo an toàn dich bệnh cho bản thân

Cần đảm bảo chuyến đi an toàn

Để có những giải pháp hạn chế lây lan dịch bệnh, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ: “Việc di chuyển giữa các địa phương không còn là vấn đề lớn như trước khi chúng ta tiêm chủng vắc-xin. Mỗi người cần phải chủ động trong việc phòng chống dịch”.

Thực tế hiện nay, các vùng dịch xuất hiện rải rác ở các địa phương trên cả nước không chỉ riêng ở Hà Nội, nên cần tránh tâm lý lo lắng việc người dân từ một nơi nào đó trở về.

Giải pháp ở đây, theo ông Nhung, người dân cần trang bị những đồ bảo hộ đảm bảo (khẩu trang, nước sát khuẩn,…), trong quá trình di chuyển cần hạn chế tiếp xúc, đảm bảo phòng chống dịch tại nhà.

Tuân thủ nghiêm các biện pháp 5K, khi có dấu hiệu nguy cơ phải tự xét nghiệm, cách ly và báo cho cơ quan y tế.

Tiêu điểm - Có nên lo 'mang dịch' về quê ăn Tết? (Hình 3).

Vắc-xin là một trong những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả

Trước việc một số các địa phương đưa ra các quy định về phòng chống dịch khác nhau đối với những người về quê ăn tết, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung bày tỏ: “Chúng ta không nên hạn chế người dân, mà mỗi người dân phải có ý thức tự hạn chế tiếp xúc của mình”.

Đánh giá thêm về tình hình dịch của Thủ đô hiện nay trong bối cảnh dịp tết Nguyên đán cận kề, ông Nhung cho biết: “Diễn biến dịch bệnh ở Hà Nội không đáng lo ngại như những đợt dịch lần trước vì chúng ta đã được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin cơ bản. Ngoài ra, chúng ta đã có thuốc kháng vi-rút, đây là hai vũ khí giúp chúng ta có thể an tâm hơn”.

Tuy nhiên, chuyên gia vẫn nhấn mạnh việc cần phải kiểm soát được tình hình diễn biến dịch, ông Nhung đánh giá rằng “Việc kiểm soát các ca nhiễm mới chúng ta làm vẫn chưa hiệu quả”. Bên cạnh đó, nên sớm có những phương án mới để phù hợp hơn với điều kiện hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành Chỉ thị 01/CT-BYT về tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022.

Theo đó, chú trọng công tác phòng chống dịch tại các khu vực đông dân cư, đô thị lớn, khu công nghiệp; các thời điểm người dân di chuyển về quê, trở lại thành phố lao động, sản xuất; giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi rút, không để lây lan ra cộng đồng.