Công bố lô vũ khí đầu tiên chính quyền ông Biden bán cho nước ngoài

Lô vũ khí bao gồm thiết bị thông tin liên lạc chuyển giao cho NATO và tên lửa bán cho Chile. Hợp đồng có tổng trị giá 150 triệu USD.
Công bố lô vũ khí đầu tiên chính quyền ông Biden bán cho nước ngoài - Ảnh 1

Tên lửa Standard Missile-2 Block IIIA Mỹ dự kiến bán cho Chile. Ảnh: Def Post.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán vũ khí tiềm năng đầu tiên dưới thời chính quyền ông Joe Biden, bao gồm thiết bị liên lạc cho NATO và tên lửa cho Chile, với tổng giá trị lên tới 150 triệu USD, Lầu Năm Góc cho biết hôm 5/2.

Đây là giao dịch quân sự nước ngoài đầu tiên được công bố kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, nhưng vì mất nhiều tháng để xử lý đơn hàng, nên nguồn gốc của các giao dịch có thể bắt nguồn từ chính quyền ông Donald Trump.

Kể từ khi nhậm chức, chính quyền ông Biden đã tạm dừng một số vụ bán vũ khí đang chờ xử lý cho các đồng minh của Mỹ như Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để xem xét lại, mặc dù đã được chính quyền ông Trump chấp thuận.

Việc Washington tạm dừng chuyển giao vũ khí cho Saudi Arabia và UAE được cho là động thái gây sức ép buộc hai nước này chấm dứt cuộc chiến ở Yemen.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc đã thông báo cho Quốc hội về khả năng bán hàng cho Chile và NATO vào hôm 5/2.

Gói Cơ quan Thông tin và Truyền thông NATO bao gồm 517 hệ thống vô tuyến AN / PRC-158 Manpack UHF SATCOM để liên lạc thực địa, với chi phí ước tính lên tới 65 triệu USD, bao gồm cả đào tạo và phụ tùng.

Chile mua 16 tên lửa Standard Missile-2 (SM-2) Block IIIA, thiết bị hỗ trợ, phụ tùng và huấn luyện với giá 85 triệu USD, Lầu Năm Góc cho biết. Tên lửa SM-2 được coi là tầm trung và thường được các tàu sử dụng để chống lại máy bay đối phương.

Raytheon Technologies là nhà thầu chính cung cấp trang thiết bị trong hợp đồng cho NATO và Chile.

Cơ quan Hợp tác An ninh quốc phòng của Lầu Năm Góc đã thông báo hợp đồng mua bán vũ khí cho NATO và Chile tới Quốc hội Mỹ.

Dù được Bộ Ngoại giao thông qua, việc Lầu Năm Góc thông báo tới quốc hội không có nghĩa quá trình đàm phán mua bán đã kết thúc, hay hợp đồng đã được ký.