Cuộc chiến cam go với những kẻ mang “thần chết” vượt biên ngày cận Tết

Vì lợi nhuận, các đối tượng buôn bán pháo lậu như mang theo “thần chết” vượt biên, bất chấp pháp luật, dùng đủ mọi thủ đoạn tuồn pháo về nước bán kiếm lời.

Nở rộ tình trạng chở pháo lậu vượt biên

Đến hẹn lại lên, các đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo lậu lại tìm cách tuồn hàng vào thị trường tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán.

Câu chuyện đau thương về vụ nổ xe chở pháo ở khu vực làm thủ tục thông quan cửa khẩu quốc tế Đen Sa Vẳn, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào, cách cửa khẩu quốc tế Lao Bảo khoảng 500m xảy ra vào cuối năm 2020 vẫn chưa khiến người ta phải hết rùng mình về tình trạng buôn pháo lậu ở vùng biên với nước bạn.

Bằng chiêu trò giấu pháo dưới đá thạch cao, những kẻ buôn pháo lậu đã khiến 3 người chết, 6 người bị thương khi lực lượng chức năng kiểm tra hàng hoá thông quan qua cửa khẩu.

Hiện trường vụ cháy xe chở pháo lậu ở khu vực cửa khẩu Đen Sa Vẳn.

Cụ thể, trong quá trình kiểm tra, lực lượng Hải quan Lào đã dùng thanh sắt tiếp xúc với đá thạch cao, làm bén lửa vào số pháo cất giấu phía dưới và gây ra tiếng nổ lớn. Do phương tiện nói trên nằm gần kho tạm giữ xăng dầu của lực lượng Hải quan Đen Sa Vẳn nên gây cháy lan trên diện rộng, dẫn tới thiệt hại lớn về tài sản.

Ngay sau khi nắm được thông tin, đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Công an huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã điều động lực lượng và xe chữa cháy sang giúp Lào khắc phục hậu quả và đưa người bị thương đi cứu chữa.

Vụ việc không chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng mà thể hiện sự bất chấp của các đối tượng vì hám tiền sẵn sàng vi phạm pháp luật.

Tiếp đó, vào lúc 4h30 ngày 4/12, tại vườn tràm giáp sông biên giới Sê Pôn thuộc thôn Long Quy, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đồn Biên phòng Thuận chủ trì, phối hợp với đội Trinh sát đặc nhiệm, BĐBP Quảng Trị và Công an huyện Hướng Hóa bắt quả tang đối tượng Lê Quốc Hiệp (SN 1983, trú tại thôn Long Quy) vác trên vai bao ni lông màu đen, bên trong có 1 thùng chứa 20 hộp giấy có nhiều hình pháo hoa nổ với nhiều màu sắc, ký hiệu C0834, mỗi hộp có 36 ống hình trụ tròn. Lực lượng chức năng mở rộng hiện trường tìm kiếm, phát hiện thêm nhiều thùng cát tông chứa các hộp giấy có hình dạng như Hiệp vận chuyển trước đó. Tổng cộng, có 120 hộp với tổng trọng lượng khoảng 168kg.

Lực lượng chức năng bước đầu xác định đây là pháo hoa được Hiệp vận chuyển từ Lào về Việt Nam. Dù bị bắt quả tang, nhưng Hiệp không thừa nhận hành vi vi phạm.

Đối tượng Lê Quốc Hiệp thời điểm bị bắt.

Đồn Biên phòng Thuận phối hợp với Công an huyện Hướng Hóa đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và lấy dấu vân tay trên các hộp pháo. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, đến trưa cùng ngày, Hiệp đã thừa nhận hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới.

Đáng chú ý, những kẻ mang theo “thần chết” này có trường hợp là học sinh. Điển hình, vào lúc 13h50 ngày 28/11, đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo phối hợp với đội Đặc nhiệm, phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Quảng Trị tuần tra, kiểm soát tại khu vực biên giới thuộc địa phận khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa phát hiện 2 thiếu niên đi xe máy có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện 10 hộp pháo với tổng trọng lượng khoảng 14kg.

Tại đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, 2 thiếu niên này khai nhận đang là học sinh, tên là Nguyễn Hoàng Quân và Hoàng Trọng Vũ, cùng SN 2004, trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa. Trước đó, sáng 28/11, sau giờ học, Quân rủ Vũ sang chợ Ka Rôn (Lào) mua số pháo trên về cất giấu để sử dụng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Cuộc chiến đầy cam go

Những vụ buôn bán pháo lậu nói trên đã đặt ra nhiều yêu cầu bức thiết đối với các lực lượng chức năng trong công tác ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới, nhất là dịp cuối năm khi nhu cầu mua pháo để sử dụng trái phép trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao.

Một cán bộ đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết, nguyên nhân chính dân buôn pháo lậu hoạt động bất chấp là vì lợi nhuận quá khủng.

Cán bộ này cho biết, trung bình mỗi hộp pháo hoa mua tại vùng biên giới chỉ khoảng 150.000 đến 200.000 đồng/hộp, nhưng khi mang trót lọt về Quảng Bình hoặc các địa phương khác thì có thể bán với giá gấp đôi, thậm chí gấp ba...

Cuộc chiến với nạn buôn bán pháo lậu luôn được lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đặt lên hàng đầu dịp giáp Tết.

Ngoài những thủ đoạn cất giấu trong các phương tiện khi đi qua hải quan thì những kẻ này còn thuê người “gùi” hàng hoặc tự mình mang hàng qua các đường biên lối mở nhỏ dọc biên giới.

Có đối tượng còn bọc pháo hoa trong túi ni-lông rồi để trôi theo sông, phối hợp với người bên kia bờ để nhận hàng…

Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị, tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo nổ qua biên giới, cửa khẩu diễn biến phức tạp và gia tăng vào dịp cuối năm. Dù cuộc chiến đầy cam go nhưng không được phép lơ là.

Đại tá Phương cho biết biết, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã chỉ đạo các đồn Biên phòng tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền trực tiếp và lồng ghép tuyên truyền, cảnh báo trong các hoạt động khác tại cửa khẩu cũng như ở địa bàn biên phòng. Bên cạnh đó, lực lượng BĐBP cũng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển pháo nổ.

Để ngăn chặn triệt để hành vi vi phạm pháp luật trên, ngoài việc tăng cường lực lượng để đấu tranh với tội phạm, các đơn vị BĐBP Quảng Trị đang tích cực tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân khu vực biên giới hiểu rõ Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (có hiệu lực từ ngày 11/1/2021).

Nghị định 137 chỉ cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa vào dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, các loại pháo hoa được sử dụng phải là pháo hoa sản xuất trong nước, loại pháo này không có tiếng nổ và khi sử dụng thì phải đăng ký và cam kết đảm bảo an toàn”, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị cho hay.