Cựu đặc vụ FBI kể lại hành trình truy đuổi kẻ đứng sau vụ tấn công ngày 11/9: "Khi tôi biết hắn là kẻ chủ mưu, tôi đã vô cùng đau khổ"

Khalid Sheikh Mohammed bị cáo buộc là kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, hiện đang bị giam giữ và đợi ngày xét xử.

Chia sẻ về chủ mưu vụ khủng bố ngày 11/9/2001, cựu đặc vụ chống khủng bố của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) Frank Pellegrino cho biết Khalid Sheikh Mohammed vốn là "mục tiêu" của ông.

Ông Pellegrino kể lại vào thời điểm ông xem thông tin về sự sụp đổ của Toà tháp Trung tâm Thương mại Thế giới, biểu tượng của thành phố New York (Mỹ), ông đang ngồi trong một phòng khách sạn ở Malaysia. Vào khoảnh khắc đó, cựu đặc vụ FBI đã nghĩ: "Chúa ơi, đó hẳn là một âm mưu của Khalid Sheikh Mohammed".

dac vu fbi truy bat ksm

Hình ảnh ông Frank Pellegrino vào năm 2016 (trái) và năm 2020. Ảnh: Getty

"Kiến trúc sư chính" của vụ tấn công

Vào năm 2001, Osama Bin Laden, thủ lĩnh khi ấy của tổ chức khủng bố al-Qaeda, được coi là kẻ đứng đằng sau âm mưu tấn công nhằm vào Toà tháp Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố New York (Mỹ). Tuy nhiên, Khalid Sheikh Mohammed, hay còn được gọi là KSM, mới là "kiến trúc sư chính" của vụ tấn công.

Được biết, Mohammed sinh ra tại Kuwait và từng có thời gian theo học tại Mỹ trước khi tới Afghanistan vào những năm 1980. Nhiều năm trước vụ tấn công ngày 11/9/2001, cựu đặc vụ FBI Frank Pellegrino từng truy đuổi và lần theo dấu vết của chiến binh thánh chiến này.

Khi ấy, ông Pellegrino đã được FBI giao nhiệm vụ điều tra vụ đánh bom năm 1993 nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Đó cũng là thời điểm tên của Mohammed lần đầu tiên được giới chức Mỹ chú ý vì hắn đã chuyển tiền cho một trong những người có liên quan tới âm mưu trên.

chu muu vu tan cong 11 9 1

Vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993 đã giết chết 6 người và khiến hơn 1.000 người bị thương. Ảnh: Getty

Đặc vụ FBI nhận ra tham vọng của Mohammed vào năm 1995 khi hắn có liên quan đến một âm mưu đánh bom nhiều hãng hàng không quốc tế tại khu vực Thái Bình Dương. Vào giữa những năm 1990, ông Pellegrino đã tiến gần đến việc bắt giữ được Mohammed và đã đi theo hắn tới Qatar.

FBI khi đó đã cử ông Pallegrino cùng một nhóm đặc nhiệm tới Oman, dự tính sẽ đi từ quốc gia này tới Qatar và bắt giữ Mohammed. Theo đó, họ đã chuẩn bị sẵn máy bay để đưa nghi phạm về nước. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của các nhà ngoại giao Mỹ.

Ông Pellegrino cho biết ông đã phải tới Qatar, gặp gỡ các nhà ngoại giao và quan chức tại Đại sứ quán, để giải thích kế hoạch của họ, đồng thời khẳng định ông có một bản cáo trạng chống lại Mohammed. Nhưng theo ông Pellegrino, các nhà ngoại giao khi ấy có nhiều do dự vì họ lo ngại những rắc rối có thể xảy ra.

Cuối cùng, sau nhiều ngày trì hoãn, đại sứ Mỹ báo tin cho ông Pellegrino rằng phía Qatar tuyên bố đã mất dấu Mohammed. Cựu đặc vụ FBI kể lại: "Khi ấy, tôi cảm thấy vừa giận dữ vừa thất vọng. Chúng tôi biết rằng vào thời điểm đó, mình đã bỏ lỡ một cơ hội".

Nhưng ông thừa nhận rằng vào giữa những năm 90, Mohammed không được coi là mục tiêu cần ưu tiên. Ông Pellegrino cho biết kẻ khủng bố thậm chí còn không được đưa vào danh sách 10 đối tượng bị truy nã gắt gao nhất của Mỹ. Ông chia sẻ: "Tôi được thông báo rằng đã có quá nhiều kẻ khủng bố trong danh sách này".

Sau khi đánh lạc hướng sự quan tâm của Mỹ đối với mình, Mohammed đã rời Qatar tới Afghanistan. Vài năm sau đó, tên của Mohammed liên tục xuất hiện trong danh bạ điện thoại của các nghi phạm khủng bố bị bắt trên toàn thế giới. Điều này là minh chứng rõ ràng về quan hệ của với những kẻ khủng bố này. Chính trong những năm này, hắn được cho là đã tìm đến Osama Bin Laden với ý tưởng đào tạo phi công lái máy bay liều chết lao các tòa nhà của Mỹ.

Và rồi sự kiện ngày 11/9/2001 xảy ra. Sự nghi ngờ của Pellegrino về vai trò của Mohammed được chứng minh là đúng khi một nhân vật chủ chốt của al-Qaeda bị giam giữ đã xác nhận thông tin về hắn. Ông nhớ lại: "Mọi người đều nhận ra rằng chính mục tiêu của tôi đã làm điều đó. Khi chúng tôi biết hắn ta là kẻ chủ mưu, tôi đã vô cùng đau khổ".

Công lý vẫn chưa được thực thi

Năm 2003, Mohammed đã bị theo dõi và bắt giữ tại Pakistan. Ông Pellegrino khi ấy kỳ vọng Mohammed sẽ phải ra hầu toà với bản cáo trạng mà ông đã chuẩn bị. Tuy nhiên, sau đó, kẻ chủ mưu vụ khủng bố đã biến mất. Hắn được Cục Tình báo liên bang Mỹ (CIA) đưa tới một địa điểm bí mật và thực hiện các cuộc "thẩm vấn tăng cường".

Tại đây, hắn bị trấn nước ( kiểu tra tấn mà nạn nhân bị trói chặt và bị dội nước vào mặt) ít nhất 183 lần, có khi suýt chết đuối, bị tra tấn với nhiều hình thức khác nhau cả về thể chất lẫn tinh thần

Sau khi thông tin về chương trình "thẩm vấn tăng cường" của CIA bị rò rỉ. Các "tù nhân có giá trị" như Mohammed đã được chuyển tới giam giữ Vịnh Guantanamo vào năm 2006. Thời gian này, FBI mới được phép tiếp cận kẻ khủng bố.

ke chu muu vu tan cong 11 9

Chân dung truy nã kẻ khủng bố Khalid Shaikh Mohammed. Ảnh: Getty

Vào tháng 1/2007, ông Frank Pellegrino, khi ấy còn là đặc vụ FBI, đã mặt đối mặt với người đàn ông mà ông đã truy đuổi bấy lâu. Ông kể lại: "Tôi đã nói với hắn rằng tôi chính là một trong những người chỉ điểm hắn trong những năm 90 với hy vọng có thể thu thập thông tin về vụ khủng bố ngày 11/9".

Dù không tiết lộ chi tiết cuộc hội thoại nhưng ông Pellegrino nhận định kẻ khủng bố khét tiếng là người mong muốn nhận được sự chú ý và không hề hối hận sau những gì đã làm. Ông chia sẻ: "Liệu hắn ta sẽ nhận tội hay chỉ muốn lợi dụng phiên toà thể được chú ý? Tôi nghĩ hắn ổn với những gì đã xảy ra nhưng hắn là người thích thể hiện".

Những nỗ lực sau đó để đưa kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9 ra trước công lý đã thất bại. Kế hoạch tổ chức phiên xét xử Mohammed tại New York đã vấp phải sự phản đối của công chú. Ông Pellegrino kể lại: "Khi ấy nhiều người đã la ó và nói rằng 'Tôi không muốn kẻ khủng bố này xuất hiện tại sân sau của mình, hãy giữ hắn ở Guantanamo'".

Do đó, họ đã phải tổ chức một toà án quân sự tại Guantanamo. Tuy nhiên, sự chậm chễ về thủ tục, cộng với sự bùng phát dịch COVID-19 trong gần 2 năm qua đã khiến việc xét xử bị kéo dài. Trong tuần này, dự kiến sẽ có vài phiên điều trần liên quan tới vụ việc nhưng khi nào kết thúc thì vẫn còn là một câu chuyện dài.

Luật sư của Mohammed tin rằng các phiên điều trần mới nhất sẽ được sắp xếp để cho giới truyền thông thấy được sự thay đổi đang xảy đến vào dịp kỷ niệm 20 năm sau vụ khủng bố đẫm máu ngày 11/9/2001.

Được biết, vị luật sư bào chữa này đã tham gia vào vụ án kể từ khi bắt đầu vào năm 2008. Kế hoạch ban đầu của Mỹ là bắt đầu xét xử Mohammed gần như ngay lập tức. Nhưng theo luật sư, các thủ tục xét xử thậm chí vẫn chưa bắt đầu. Người này cho biết thêm rằng thẩm phán mới được bổ nhiệm xét xử vụ việc là "thẩm phán thứ 8 hoặc thứ 9" mà họ đã có trong thời gian qua.

Minh Hạnh (Theo BBC) - Người Đưa Tin