Đà Nẵng: Nhiều cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép

Tại Đà Nẵng, chỉ 8 trong khoảng 500 cơ sở đăng ký kinh doanh lĩnh vực thẩm mỹ, nộp thông báo đủ điều kiện cung cấp dịch vụ.

Mới đây, thảo luận tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, đại biểu Cao Thị Huyền Trân cho biết lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ không thuộc diện cấp giấy phép hoạt động. Thay vào đó, cơ sở kinh doanh tự công bố đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng mới chỉ tiếp nhận 8 hồ sơ công bố.

"Như vậy, nhiều cơ sở quảng cáo không đúng, thực hiện các dịch vụ vượt phạm vi, năng lực cho phép, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân", bà Trân nói.

Công an Đà Nẵng kiểm tra nguồn gốc thuốc tại một cơ sở thẩm mỹ, tháng 9/2019. Ảnh: Nam Em.

Bà Ngô Thị Kim Yến - Giám sở hoặc bộ Y tế, quy định cụ thể danh mục kỹ thuật cơ sở được thực hiện. Tính đến tháng 7/2020, thành phố có 11 cơ sở được cấp phép, nằm trong các bệnh viện và 18 phòng khám thẩm mỹ. Sở Y tế đã kiểm tra và kết luận đều đảm bảo về nhân lực cũng như cơ sở vật chất.

Hình thức thứ hai là các cơ sở thẩm mỹ không thuộc loại hình cấp phép như cắt tóc, làm đẹp, massage... Thành phố đang có khoảng 500 cơ sở dạng này, tập trung chủ yếu ở quận Hải Châu và Thanh Khê. Được cấp chứng nhận doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực thẩm mỹ, nhưng một số cơ sở thuộc mô hình này đã lợi dụng, biến tướng, thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ vượt quá phạm vi năng lực cho phép như nâng mũi, ngực, mông...

Bên cạnh đó, một số cơ sở tổ chức các dịch vụ thẩm mỹ phun xăm (không có can thiệp), đưa ra chứng chỉ đào tạo được cấp bởi các trung tâm đào tạo ở TP.HCM và Hà Nội, nên cơ quan chức năng khó kiểm soát.

Bà Yến cho biết Đà Nẵng có kế hoạch kiểm tra 500 cơ sở có dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ trong tháng 7, lập danh sách các cơ sở đảm bảo uy tín để người dân đến sử dụng dịch vụ.

Lãnh đạo sở Y tế cũng đề nghị người sử dụng dịch vụ thẩm mỹ nên "là người tiêu dùng thông thái", bằng việc tìm hiểu kỹ điều kiện, chất lượng của các cơ sở cung cấp dịch vụ.

Được biết, hồi tháng 9 năm ngoái, 7 phụ nữ đã góp 400 triệu đồng nộp cho một Viện thẩm mỹ trên đường Lý Tự Trọng để nâng ngực, làm thon gọn vòng eo, tẩy trắng da... Sau đó họ đòi lại tiền vì "làm hoài không thấy đẹp".

Công an phường Thạch Thang phải can thiệp, mời các bên đến trụ sở làm việc. Kiểm tra cơ sở này, công an đã phát hiện nhiều loại thuốc, dung dịch không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ...