Đàn ông thất bại nhất là làm cho người đàn bà của mình phải khóc

Đàn ông thành công ngoài xã hội không có nghĩa là anh ta cũng thành công trong căn nhà mình.

Ảnh: Internet

Một người đàn ông được cho là thành công khi trong tay anh ta có nhiều tiền. Thành đạt, có nhà lầu, xe hơi… chỉ cần như vậy thôi đã được bao nhiêu người ngưỡng mộ. Nhưng đàn ông thành công ngoài xã hội không có nghĩa là anh ta cũng thành công trong căn nhà mình. Đàn ông vùng vẫy biển khơi, làm được những điều to tát nhưng khiến người đàn bà bên cạnh của mình đau khổ là một người thất bại.

Đàn bà khi lấy chồng, dù lấy người mình yêu hay yêu mình, thành đạt hay không thì cũng đều mong muốn đời mình được nương dựa. Chồng sẽ là bến đỗ bình yên, là chỗ dựa cho những lúc sóng gió. Nhưng trên đời này, bao người đàn bà được toại nguyện với mong ước rất đỗi bình thường của mình?

Nhiều người đàn ông khi có trong tay nhiều tiền, họ mặc nhiên cho rằng như thế là đã thành công. Họ tự đắc khi cho vợ một cuộc sống đủ đầy, tiện nghi. Họ có phần tự mãn khi so sánh mình với những người đàn ông chưa thành công như họ. Đàn ông thành đạt như đứng trên đỉnh núi, chẳng bao giờ nhìn đến những gì bên cạnh họ. Vô tâm với chính người bạn đời của mình.

Mỗi lần gia đình tôi có dịp ăn tiệc, anh rể tôi rất hào hứng. Vừa cụng bia anh vừa kể: “Trên đời này chẳng có người phụ nữ nào sướng bằng vợ tôi cả”. Anh bảo, nhìn xung quanh mấy ai lấy chồng mà được sống sung túc như chị tôi. Mỗi tháng chồng đưa vài chục triệu, dư dả nuôi con lại đi mua sắm, làm đẹp.

Ngồi bàn khác, tôi thấy chị quay mặt đi, cố kiềm lại cơn xúc động của mình. Người ta bảo nhà giàu cũng khóc, chị tôi là một minh chứng. Chồng chị giàu thật, không làm ông nọ bà kia nhưng anh cũng làm chủ một công ty nhỏ. Ngày cưới của chị, ai cũng vui mừng vì chị cưới được một người chồng giàu có. Chị cũng tin phía trước một tương lai hạnh phúc chờ mình.

Chồng chị là một người vô cùng vô tâm và hời hợt. Chị biết anh bận bịu việc công ty nhưng gần như cả tuần anh không hề ngồi ăn với vợ bữa cơm. Những buổi chiều anh đều ghé quán nhậu. Chị càu nhàu, anh bảo anh làm ăn, cần những mối quan hệ từ những cuộc nhậu như thế. Chị buồn nhưng rồi cũng cố gắng tìm niềm vui trong công việc để quên đi.

Nhưng chị buồn nhất là khoảng thời gian mình mang thai và sinh con. Khi chị báo tin mình có thai, anh rất đỗi vui mừng. Chị nghĩ, từ nay anh sẽ về sớm với chị nhưng anh vẫn chứng nào tật ấy. Nhà giàu có, nhưng chị đi khám thai đều không có chồng. Người ta thai nghén được chồng chiều chuộng, còn chị hiếm khi được một lời hỏi han từ chồng.

Khi chị vượt cạn xong anh mới đến bệnh viện. Chị rớt nước mắt, hóa ra con không quan trọng bằng một cuộc tiếp khách hàng. Con chị khó nuôi, cứ thức đêm quấy khóc, thường xuyên đau ốm. Chị thức chăm con đến rộc cả người. Còn chồng vẫn vô tư ăn nhậu, khật khưỡng say mới về nhà. May mà có mẹ tôi chăm chứ một mình chị có lẽ đã trầm cảm.

Con lớn dần lên mà sự gần gũi giữa hai cha con không có. Anh rất bận, hiếm khi chơi với con. Anh đi thì con chưa ngủ dậy, anh về thì con đã ngủ. Thằng bé mỗi lần thấy cha về là mắt sáng rực nhưng rồi anh lại bận việc, lại lấy lí do để vùi đầu vào chiếc điện thoại. Chị thương mình, thương cả con. Thấy lạc lõng trong chính cuộc hôn nhân của mình.

Chồng chị có tật hay khoe. Đi đâu cũng nói chị sung sướng, chẳng phải làm gì. Chị cười chua chát, đàn bà sướng hay khổ là do chồng. Đàn ông có tâm, chẳng cần quá giàu sang cũng khiến đàn bà hạnh phúc. Còn đàn ông thành đạt ngoài xã hội nhưng với gia đình của mình lại vô tâm, hời hợt thì thử hỏi anh ta thành công để làm gì?

 Theo Phụ nữ Sức khỏe