Đắng lòng người nuôi cá “gánh” nợ hàng chục tỷ đồng do dịch COVID-19

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sức mua giảm sút mạnh, đồng thời bị rớt giá, người nuôi cá ở huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Trải lòng của hộ nuôi cá mùa dịch

Xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên được coi là vùng nuôi cá nước ngọt lớn nhất Tp.Hải Phòng. Xã hiện có hàng trăm ha mặt nước được nông dân tổ chức nuôi trồng. Cá được nuôi ở vùng này là cá vược và cá trắm đen thương phẩm.

PV ĐS&PL có mặt tại khu nuôi cá của ông Vũ Đức Dũng (trú tại thôn Mắt Rồng, xã Lập Lễ), lúc này ông Dũng vừa cho cá ăn xong.

Ông Dũng cho biết, ông đến với nghề nuôi cá cách đây khoảng 5 năm, diện tích nuôi trồng là 4 ha cá vược. Sản lượng hàng năm vào khoảng 120 – 150 tấn.

Cá vược là loài cá sinh trưởng tốt, sức đề kháng cao, cho giá trị kinh tế, ít bị bệnh. Bình thường, khi chưa bị ảnh hưởng của dịch, trừ tất cả chi phí cá giống, thức ăn cho cá, nhân công, điện nước… thì mỗi năm ông Dũng lãi khoảng 1 tỷ đồng.

hai phong nguoi nuoi ca ganh no hang chuc ty dong do dich covid 19

Nhiều hộ nuôi cá ở xã Lập Lễ đang phải cầm cự chờ giá.

“Khi nhập cá vược giống, cá có trọng lượng khoảng 2kg, nuôi 2 năm mới được thu hoạch cá có trọng lượng 3 – 4kg. Thức ăn cho cá vược là các loại cá nhỏ như: cá nhân, cá nục, cá ruội… Mỗi ngày tôi cho cá vược ăn từ 2 – 4 tấn thức ăn, tùy theo trọng lượng và sự tăng trưởng của cá.

Trước đây, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, cá vược bán được giá, khoảng 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, chỉ bán được với giá 95.000 – 100.000 đồng/kg. Khi không cầm cự được thì bắt buộc phải bán với giá thấp hơn, và như vậy thì không có lãi, thậm chí lỗ nặng”, ông Dũng nói.

Năm 2020, hộ gia đình ông Dũng lỗ 400 triệu đồng.

Tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tấn (trú tại thôn Mắt Rồng, xã Lập Lễ), ông Tấn đang nhập thức ăn cho cá. Ông Tấn đến với nghề nuôi cá trắm đen đã 12 năm.

Ông Tấn chia sẻ: “Chưa khi nào các hộ nuôi cá chúng tôi phải lao đao như hiện nay. Đầu tư nuôi cá, có kinh nghiệm thì sẽ không thể bị lỗ. Nhưng, dịch bệnh Covid-19 hoành hành, sức mua giảm sút mạnh, chúng tôi đang phải bù lỗ hàng ngày.

Tôi đầu tư nuôi 4 ao cá trắm đen, diện tích là 6 ha. Cá trắm đen từ 20 – 22 tháng là đã có thể xuất bán được rồi. Cá không bán được, có khi phải cầm chừng, kéo dài thời gian nuôi đến 35 tháng. Hiện sản lượng cá thương phẩm còn tồn đọng trong các ao là khoảng 200 tấn. Năm trước tôi lỗ 350 triệu, hiện gia đình tôi nợ ngân hàng và các khoản vay khác xấp xỉ 4 tỷ đồng. Cá chưa bán được, chưa biết trông ngóng vào đâu”.

hai phong nguoi nuoi ca ganh no hang chuc ty dong do dich covid 19 dspl 2

Ông Tấn buồn bã khi cá rớt giá, lâm vào cảnh nợ nần.

Cần có cơ chế giãn nợ cho người chăn nuôi

Trao đổi với ông Đinh Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Lập Lễ, ông Ba cho hay, hiện tổng diện tích mặt nước nuôi cá vược và cá trăm đen tại địa phương là 240 ha với 130 hộ nuôi cá, sản lượng trung bình hàng năm là 30 tấn/ha, mỗi ngày xuất bán từ 20 – 30 tấn cá.

Trong các ao nuôi cá, người dân có thể nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, do dịch Covid-19, thu nhập của người nuôi cá giảm đến 70 – 80%. 10 hộ nuôi cá thì chỉ có 3 hộ là có lãi. 1 ha nuôi cá bị giảm sút đến 900 triệu đồng do giá cá thương phẩm giảm đến 30.000 đồng/kg.

Một số hộ do không bán được cá, cá chết dẫn đến lỗ nặng như gia đình ông Đinh Khắc Ràng lỗ 3 tỷ đồng, ông Đinh Như Nếp lỗ 300 triệu đồng…

Ông Nguyễn Đức Văn, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng thông tin thêm, HTX do ông quản lý có 62 hội viên, với diện tích nuôi cá là 150 ha, với sản lượng 6.000 tấn mỗi năm.

Thị trường tiêu thụ cá vược và cá trắm đen chủ yếu ở các tỉnh thành Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh… phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn. Dịch bệnh, nhà hàng đóng cửa, dẫn đến việc… cá chỉ nuôi chơi trong ao.

“Đến kỳ trả lãi, đáo hạn ngân hàng mà cá chưa thể xuất bán, 40% số hộ phải cắn răng đi vay nóng bên ngoài để giãn nợ ngân hàng, khi nào bán được cá, đáo hạn ngân hàng xong thì mới có tiền trả những khoản vay ngoài. Cứ quay vòng như thế, người nuôi cá nợ nần càng thêm chồng chất, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Tính trung bình, mỗi hộ nuôi cá lỗ khoảng 500 triệu đồng.

Ngoài các khoản vay thì các chi phí liên quan như điện nước, nhân công đặc biệt là thức ăn cho cá 100% nhập ngoại khiến người nuôi cá càng thêm lao đao. Cứ tình hình như thế này, không biết chúng tôi còn trụ được đến lúc nào, nhiều hộ đã không còn khả năng tái đầu tư”, ông Văn buồn bã.

Ông Văn và các hộ nuôi cá mong muốn nhà nước tính toán, tạo điều kiện để trước mắt họ tồn tại được với nghề. Mặt khác, họ bày tỏ nguyện vọng các ngân hàng có cơ chế giãn hợ, khoanh nợ khi dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài, để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.