ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: "Buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả là tội ác”

"Những kẻ lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 để trục lợi chính là “tội ác” bất chấp sức khỏe và thậm chí là cả sinh mệnh của người khác, cần phải vận dụng mức phạt cao nhất để đảm bảo tính răn đe", bà Nga nói.

Thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta trên khắp thế giới, không ít người dân đang đặc biệt quan tâm và sẵn sàng chi tiền mua các loại thuốc được quảng cáo thổi phồng là “thần dược” điều trị. Lợi dụng tình hình ấy, nhiều đối tượng đã có hành vi buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả. Lực lượng chức năng đang tích cực triệt phá những đường dây này.

Để “bắt mạch” kỹ hơn và “kê đơn” cho những tiêu cực trên, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với PV Phụ nữ và Pháp luật về vấn đề này.

PV: Thưa ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, chỉ trong một thời gian ngắn đã có không ít vụ phát hiện, thu giữ thuốc điều trị Covid-19 giả. Bà có theo dõi thông tin này không, và có chia sẻ gì về hành động của những đối tượng trên?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Thời gian qua, tôi cũng thường xuyên theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy các cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều vụ buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả. Trong khi thuốc chữa bệnh cho người là một loại hàng hóa rất đặc biệt, cần có sự quản lý chặt chẽ, do có liên quan đến sức khỏe, thậm chí, liên quan đến tính mạng con người.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi cả hệ thống đang dồn hết sức mình để chiến đấu với dịch, mà lại có những người buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả thì hậu quả đối với xã hội là cực kỳ nguy hại. Nếu nhân dân tin dùng thuốc giả, thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vì khi dùng thuốc giả thì đương nhiên, bệnh tình không thể lui được, trong khi với Covid-19 thì chỉ cần chậm trễ trong khâu phát hiện hoặc điều trị là đã có thể dẫn đến tử vong rồi. Cho nên điều này dẫn đến tính mạng của nhân dân không được đảm bảo.

Thuốc giả không chỉ khiến riêng bản thân người sử dụng có nguy cơ tử vong, mà còn có thể trở thành nguồn lây lan. Chẳng hạn, một người mắc Covid-19 nhưng không được chữa trị kịp thời, không được cách ly, không được chăm sóc kịp thời, hay do dùng thuốc điều trị giả mà chủ quan rằng mình khỏi bệnh, rồi tiếp xúc với người khác, thì kéo theo ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của rất nhiều người trong cộng đồng.

Chúng ta phải nhìn nhận đây là một “tội ác” cực kỳ nguy hiểm!

a1-07401542-16299437554101296806635-1629969776341-1629969776613100448114-1630924769.jpg
Phát hiện nhiều thuốc điều trị Covid-19 giả trong thời gian qua.

PV: Với những đối tượng sản xuất và buôn bán thuốc giả điều trị Covid-19, cần được xử lý như thế nào, thưa bà?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Sản xuất và buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả chính là gây ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực chống dịch của Chính phủ, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong thời kỳ hiện nay.

Chúng ta phải đấu tranh với cái xấu, thậm chí đây là tội ác, phải đấu tranh với tội ác, mới có thể bảo vệ được thành quả chống dịch.

Chế tài của pháp luật đã quy định rõ các mức xử phạt với đối tượng tùy thuộc từng mức độ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh Covid-19, thì một là các cơ quan chức năng phải thực sự nỗ lực, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Và thứ hai là, khi phát hiện ra những vụ việc như thế này, cần phải xử lý thực sự nghiêm minh, vận dụng mức phạt cao nhất, để đảm bảo đủ sức răn đe, ngăn chặn hành động này tái diễn.

PV: Một trong những nguyên nhân khiến các đối tượng có thể lợi dụng chiêu trò sản xuất hàng giả, đặc biệt là thuốc giả để trục lợi, là vì vẫn có người tin vào các sản phẩm trôi nổi. Xin bà hãy cho biết tại sao?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Người Việt Nam thường có câu “Có bệnh thì vái tứ phương”. Bởi vậy, nhiều khi, những người lo lắng nhất cho sức khỏe của mình thì lại là người “nhẹ dạ cả tin”, rất dễ tin vào những lời “lừa phỉnh” mà sử dụng các sản phẩm không tốt cho sức khỏe.

Thoạt nghe thì tưởng như rất mâu thuẫn, nhưng thực tế, rất nhiều người, mặc dù lo lắng cho sức khỏe của mình nhưng lại rất dễ tin vào những lời dụ dỗ mà mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm giả, kém chất lượng.

Chỉ vì tin vào những luồng thông tin không chính thống, đã có rất nhiều trường hợp tin vào thông tin sai được lan truyền trên mạng xã hội, thậm chí là tin những lời mời chào “thậm thụt” mà “tiền mất tật mang”.

dbqh-viet-nga-1630766803.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, người dân cần chung tay, thể hiện ý thức cộng đồng để có thể khống chế dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

PV: Chúng ta cần làm gì để bảo vệ thành quả chống dịch trước những tiêu cực trong giai đoạn này, thưa bà?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Bên cạnh vai trò của luật pháp khi phát hiện sai phạm, tôi cho rằng, mỗi người dân cũng phải có ý thức “bài trừ” cái xấu, lên án tiêu cực.

Cụ thể, hiện tại, chúng ta không những đấu tranh phòng chống tội phạm trong cuộc sống thực, mà còn phải đấu tranh với một loại tội phạm rất nguy hiểm, đó là tội phạm trên không gian mạng.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, chúng ta đã tăng cường hệ thống tuyên truyền, trang bị đến tận địa phương, đến từng khu dân cư, cấp thôn, xã, phường... thông tin được truyền trên hệ thống loa truyền thanh, không chỉ vậy, trên các kênh thông tin đại chúng cũng cập nhật thường xuyên, rồi đến khuyến cáo của bộ Y tế cũng được tuyên truyền hàng ngày, thậm chí còn có rất nhiều kênh hỏi đáp trực tuyến về Covid-19... Chính vì vậy, người dân cần phải hết sức tỉnh táo. Tất cả mọi thông tin về dịch bệnh, thông tin về chữa bệnh, phòng bệnh, tiêm vắc-xin..., đều phải theo những nguồn thông tin chính thống của Chính phủ, của bộ Y tế, trên các kênh thông tin đại chúng đáng tin cậy, không nên nghe những thông tin thất thiệt.

Trong cuộc chiến này, ý thức của người dân là rất quan trọng! Không những nâng cao cảnh giác cho mình, mà còn phải có ý thức cộng đồng. Tâm lý của mọi người thường là, không liên quan gì đến mình, mình không tin thì thôi… Tuy nhiên, trong bối cảnh này, việc tin hay không tin một thông tin, còn thể hiện cả ý thức trách nhiệm của công dân, mới có thể hy vọng khống chế dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

Nếu chúng ta ai cũng chỉ biết lo thân mình, đọc những thông tin trôi nổi, lan truyền và sáng suốt để nhận ra là sai sự thật nhưng lại chỉ im ỉm, chỉ biết một mình mình không tin; mà không có ý kiến, không báo cho cơ quan chức năng, không cảnh báo cho mọi người thì cũng chưa hiệu quả trong cuộc đấu tranh này, đặc biệt là trên không gian mạng. “Tai mắt” của dân là ở khắp nơi, lực lượng chức năng cũng chỉ có hạn nên rất cần những “cánh tay nối dài” để phát huy tối đa hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Trên góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty luật Nguyên Khang và Cộng sự) cho rằng, theo quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 6 luật Dược năm 2016, hành vi kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm. 

Vị luật sư phân tích: “Về chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh tuỳ theo mức độ, tính chất mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Theo đó, với tính chất đơn giản, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn không đến mức phải xử lý hình sự, các đối tượng vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định 98/2020 do Chính Phủ ban hành ngày 26/8/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt quy định tại hai Điều này đối với hành vi nêu trên là từ 2.000.000 đồng cho đến 140.000.000 đồng (đối với cá nhân buôn bán hàng giả là thuốc) hoặc từ 10.000.000 đồng cho đến 200.000.000 đồng (đối với cá nhân sản xuất hàng giả là thuốc). Với tổ chức vi phạm quy định tương tự thì mức phạt sẽ gấp hai lần mức tiền theo các quy định trên.

Đối với các hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Riêng đối với tội danh này cũng quy định phần chế tài riêng cho cá nhân và pháp nhân.

3-luat-su-nguyen-cao-dat-1630924499.jpgLuật sư Nguyễn Cao Đạt cho rằng, bán thuốc giả trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, không chỉ là một tình tiết tăng nặng mà còn trái với đạo đức con người.

Cá nhân phạm tội tuỳ theo các tình tiết định tội, định khung như: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại; Giá trị của hàng hoá tính theo giá bán; Giá trị hàng hoá tính theo giá trị của hàng thật; Tỉ lệ thương tật gây ra cho người khác nếu có; Có gây ra chết người hay không,... mà có thể phải đối mặt mức án từ 2 đến 20 năm tù giam, chung thân hoặc tử hình. Pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 đến 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn,...”.

Vị luật sư cũng bày tỏ: “Giữa lúc cả nước đang gồng mình từng phút, từng giây để chống chọi với đại dịch Covid-19, đã có rất nhiều người tử vong và còn nhiều người khác cũng đang đứng trên “bờ vực” của sự sống, vậy mà có các cá nhân, tổ chức lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bằng cách sản xuất, buôn bán thuốc giả là điều không thể chấp nhận được. Việc buôn bán thuốc giả điều trị Covid-19 trong thời gian dịch bệnh đang rất căng thẳng ảnh hưởng rất lớn đến việc phòng và chống dịch. Thậm chí, có thể gây ra rất nhiều hậu quả đáng tiếc đến tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây không chỉ là một tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm l Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 mà còn trái với đạo đức con người.

Vì vậy, cơ quan cảnh sát điều tra cần phải nhanh chóng vào cuộc quyết liệt điều tra, xử lý nghiêm, đặc biệt, truy tố các đối tượng phạm tội thì mới mong ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm”.

 

Gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ không ít số lượng thuốc điều trị Covid-19 giả. Liên tiếp trong các ngày từ 31/8 đến 2/9, phòng Cảnh sát môi trường Công an TP.Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ 3 vụ buôn bán 34.510 viên thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, gốc xuất xứ. Cụ thể, ngày 31/8, kiểm tra, phát hiện cơ sử kinh doanh tàng trữ một số thuốc điều trị Covid-19 không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, gồm: 100 hộp thuốc loại 40 viên/hộp và 21 hộp loại 10 viên/hộp. Ngày 1/9, phát hiện đối tượng đang tàng trữ thuốc điều trị Covid-19 có chữ nước ngoài trên sản phẩm nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ gồm: 55 hộp loại 40 viên/hộp và 210 hộp loại 10 viên/hộp (tổng số 4.300 viên). Ngày 2/9, khám xét, phát hiện một xe ô tô vận chuyển gần 500 hộp thuốc điều trị Covid-19: gồm 2 loại: 40 viên/hộp và 50 viên/hộp (tổng số 26.000 viên). 

Trước đó, ngày 20/8, phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Hồ Chí Minh kiểm tra một đối tượng chở thùng các-tông khả nghi, phá hiện 150 hộp thuốc điều trị Covid-19 hiệu Terpincodein, là tân dược giả, do y tự mua nguyên liệu, đem về sản xuất rồi bán ra thị trường kiếm lời. Truy về nới sản xuất, cơ quan chức năng khám xét khẩn cấp, tạm giữ số lượng rất lớn nguyên liệu, hơn 630.000 viên tân dược giả các loại và công cụ, phương tiện sản xuất thuốc giả; trong đó, có 3.116 hộp thuốc phòng, chữa trị Covid-19 giả các nhãn hiệu Neo - Cordion, Angmentin…