Đề xuất 2.200 tỷ nối ray đường sắt ga Lào Cai với cửa khẩu Trung Quốc

Dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc khi hoàn thành sẽ giúp Việt Nam chủ động chuyển tải hàng hóa và hành khách tại ga Lào Cai.
de-xuat-hon-2-200-ty-dong-noi-ray-giua-ga-lao-cai-voi-ga-ha-khau-bac-1635668605.jpg

Ngày 31/10, VnExpress đưa tin, ngày 30/10, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, cơ quan này đang xem xét dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc). Dự án có điểm đầu tại ga Lào Cai trên tuyến đường sắt khổ 1.000 mm hiện có của đường sắt Việt Nam, điểm cuối ở giữa cầu Hồ Kiều (mới).

Theo đề xuất của Ban quản lý dự án đường sắt, dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc bao gồm cải tạo khoảng 3 km đường ga Lào Cai hiện tại thành đường khổ lồng 1.435 mm và 1.000 mm, xây dựng đường xếp dỡ, kho bãi hàng đạt công suất 5 triệu tấn/năm. Đồng thời, dự án xây dựng mới 2.850 m đường lồng khổ 1.435 mm và 1.000 mm, từ đầu bắc ga Lào Cai đến điểm giữa cầu Hồ Kiều (mới).

Dự án cũng xây mới 1.700 m hầm đường sắt khổ lồng 1.435 mm và 1.000 mm, khoảng 180 m cầu Hồ Kiều (mới) phía Việt Nam vượt sông Nậm Thi và khoảng 130 m cầu vượt quốc lộ 70.

Tổng mức đầu tư dự kiến là 2.206 tỷ đồng từ vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025, thực hiện trước năm 2025.

Theo báo Giao thông, nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên vận trên tuyến đường sắt qua cửa khẩu này tương đối lớn. Tuy nhiên, vận tải đường sắt còn khó khăn do “vênh” khổ đường. Cụ thể, hiện nay đường sắt Trung Quốc đã chuyển đổi sang khổ đường 1.435 mm từ năm 2014. Điểm cuối của mạng đường khổ này là ga mới Hà Khẩu Bắc, chỉ còn vài tuyến ngắn khu vực biên giới có đấu nối khổ 1.000 mm. Do đó, tàu Việt Nam từ ga Lào Cai sang Trung Quốc chỉ đến được các ga Hà Khẩu, Sơn Yêu và Hà Khẩu Bắc.

Tại ga Hà Khẩu Bắc, hàng hóa sẽ phải chuyển tải, sang toa mới đi tiếp được vào mạng đường sắt Trung Quốc. Còn ngược lại, tàu Trung Quốc cũng không thể sang được Việt Nam để xếp hàng và quay trở lại đi trên mạng đường sắt Trung Quốc.

“Khó khăn về kĩ thuật này phát sinh chi phí sang toa, chuyển tải hàng hóa từ tàu Việt Nam (khổ 1.000 mm) sang tàu Trung Quốc (khổ 1.435 mm). Trong khi đó, theo UBND tỉnh Lào Cai, tuyến hiện tại sẽ không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Lào Cai về Hải Phòng khi nhu cầu tăng lên trên 3 triệu tấn/năm thời gian tới.

Mặt khác, việc này cũng không san sẻ được áp lực với cửa khẩu đường bộ khi hàng xuất nhập khẩu thông quan quá tải, trong khi cửa khẩu đường sắt có đầy đủ các bộ phận liên quan như hải quan, biên phòng, kiểm dịch...”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.

Vì vậy, Dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc khi hoàn thành sẽ giúp Việt Nam chủ động chuyển tải hàng hóa và hành khách tại ga Lào Cai, tăng nhanh thời gian lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, giảm chi phí vận tải đường sắt, thúc đẩy phát triển vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tăng thêm thị phần vận tải đường sắt.

Quốc Tiệp (t/h) - Người Đưa Tin