Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát, Hà Nội ghi nhận 440 ca bệnh trong một tuần

Tính từ ngày 4 đến 10/10), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 440 ca mắc sốt xuất huyết.

Báo Hà Nội mới dẫn nguồn tin từ sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (tính từ ngày 4 đến 10/10), trên địa bàn thành phố ghi nhận 440 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 82 ca so với tuần trước đó). Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 28 quận, huyện và 166 xã, phường.

Những quận, huyện có số mắc sốt xuất huyết nhiều trong tuần qua, là: Đống Đa (84 ca), Thanh Trì (43 ca), Hai Bà Trưng (29 ca), Hoàng Mai (27 ca), Thường Tín (24 ca), Nam Từ Liêm (24 ca).

Như vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.831 ca mắc sốt xuất huyết tại 28/30 quận, huyện, thị xã; 307/579 xã, phường, thị trấn (giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái) và chưa ghi nhận ca tử vong.

image-634045825-extractword-0-8175-1764-1633923479-1633998233.png
Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, hiện thời tiết đang vào mùa mưa, nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển, nên dịch vẫn có thể diễn biến phức tạp, nếu không chủ động phòng, chống.

Theo báo VTV, chỉ tính riêng tại Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội thường xuyên có từ 60 - 100 bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau.

Các bác sĩ cho biết, số ca nhập viện rải rác từ đầu hè nhưng tăng mạnh vào cuối tháng 9 đến nay với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu… Nét khác biệt của dịch sốt xuất huyết năm nay là có nhiều bệnh nhân nặng, tràn dịch ổ bụng, tiểu cầu hạ thấp kèm xuất huyết phải vào viện truyền khối tiểu cầu.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Dấu hiệu sốt xuất huyết:

- Sốt cao đột ngột, liên tục từ 39 - 40 độ trong 2-7 ngày liền

- Chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau bụng

- Xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm chỗ chích, chảy máu cam, ói ra máu

- Các dấu hiệu của sốc: mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm, kẹp, hoặc không đo được, chi lạnh, bứt rứt ...

Trong đó cần đặc biệt lưu ý các triệu chứng theo mức độ nặng hay nhẹ:

- Sốt xuất huyết mức độ nhẹ: người bệnh chỉ sốt, chưa có hoặc có kèm theo triệu chứng xuất huyết.

- Sốt xuất huyết mức độ nặng: người bệnh bắt đầu có dấu hiệu sốc hoặc sốc nặng: người bứt rứt, chân tay lạnh, mạch nhanh nhỏ, hạ huyết áp; huyết áp kẹt, kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã li bì, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được (HA = 0).

Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết trong giai đoạn Covid 19

- Vệ sinh không gian sống thường xuyên, tránh nước tù đọng và loại bỏ nơi trú ngụ của muỗi.

- Thu gom, vứt bỏ các vật dụng, phế liệu trong nhà và xung quanh nhà như chai lọ, các mảnh vỡ có thể đọng nước, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ,...

- Thả cá vào các dụng cụ đựng nước có dung tích lớn như bể, giếng, chum, vại,... để cá ăn hết lăng quăng/bọ gậy nếu có.

- Nên ngủ màn, kể cả ban ngày

- Sử dụng sản phẩm chống muỗi hàng ngày, đặc biệt vào khoảng thời gian chiều tối để bảo vệ khỏi muỗi đốt.