Điểm danh thực phẩm "vàng" giúp giảm lo âu, căng thẳng hậu Covid-19

Tâm lý căng thẳng kéo dài cùng với sự tấn công của virus gây tổn thương hệ thần kinh khiến nhiều người bị trầm cảm hậu Covid-19.

Vì sao hậu Covid-19 nhiều người bị lo âu?

Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), nhiều nghiên cứu phát hiện sau khi hồi phục từ Covid-19, một số bệnh nhân cảm thấy lo lắng, bất an, hoảng sợ hoặc gặp phải các triệu chứng thể chất như đau đầu, khó ngủ...

Người bệnh bị căng thẳng do hồi tưởng lại thời điểm mắc Covid-19, cảm xúc tiêu cực từng gặp phải. Từ ngữ, đồ vật hoặc tình huống nhắc nhở về Covid-19 có thể khiến họ lo lắng dữ dội. Đó có thể là trải nghiệm khó thở hoặc về những ngày phải điều trị trong phòng ICU, phải thở oxy...

Ngoài ra, nỗi lo về nguy cơ tái nhiễm, hậu Covid-19 cũng khiến những người này bất an, lo lắng, dẫn đến rối loạn chức năng sinh học và tinh thần.

Năm 2021, đã có nhiều nghiên cứu ghi nhận mối tương quan giữa các triệu chứng Covid-19 và các triệu chứng lo âu. Cụ thể các triệu chứng Covid-19 của bệnh nhân càng tồi tệ, thì rối loạn lo âu hậu Covid-19 càng nặng.

Theo Fukase (năm 2021) trong thời gian đại dịch Covid-19, tần suất các triệu chứng trầm cảm ở Nhật Bản cao gấp 2 đến 9 lần so với trước đại dịch. Bên cạnh đó, một nghiên cứu của Ba Lan cho thấy trong đợt dịch thứ hai ở nước này, 20% người dân có các triệu chứng rối loạn lo âu và gần 19% có các triệu chứng lo âu và trầm cảm.

Sức khỏe - Điểm danh thực phẩm 'vàng' giúp giảm lo âu, căng thẳng hậu Covid-19

Nhiều người bị Covid-19 thường hay lo âu. Ảnh minh họa.

Nguyên nhân gây rối loạn lo âu hậu Covid-19:

Lo âu đã có trước khi mắc Covid-19, chiếm khoảng 8%;

Cách ly xã hội trong thời gian mắc bệnh;

Nằm viện dài ngày;

Sự kỳ thị của những người xung quanh về việc bệnh nhân có SARS-CoV-2;

Sợ lây truyền bệnh cho người khác;

Không chắc chắn có khỏi Covid-19.

Một số thực phẩm giúp giảm lo âu, căng thẳng hậu Covid-19

Sức khỏe - Điểm danh thực phẩm 'vàng' giúp giảm lo âu, căng thẳng hậu Covid-19 (Hình 2).

Chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp bạn thư giãn, giảm căng thẳng, lo âu, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19. Ảnh minh họa.

Mặc dù thuốc, tập thể dục và các kỹ thuật thở thường được chỉ định cho những người bị rối loạn lo âu, dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng này. Những thực phẩm dưới đây sẽ giúp người bệnh hậu Covid-19 giảm bớt lo âu, cảm thấy bình tĩnh và thư giãn.

Quả việt quất: Quả việt quất rất giàu chất chống oxy hóa và vitamin C. Những khoáng chất này giúp giảm lo âu hiệu quả.

Rau củ: Các loại rau như cải xoăn, rau cải bó xôi, củ cải đường, bông cải xanh và những loại khác được biết là giúp kiểm soát sự lo âu.

Các loại hạt: Hạnh nhân, quả hạch, hạt điều,... là nguồn protein dồi dào, cung cấp axit amin để cơ thể chuyển đổi thành chất dẫn truyền thần kinh cải thiện tâm trạng, chẳng hạn serotonin. Chúng cũng giúp cải thiện tâm trạng bằng cách giảm viêm - vấn đề thường tăng cao khi ai đó bị rối loạn tâm trạng như lo lắng, căng thẳng.

Thực phẩm lên men: Lo âu thường đi kèm với các triệu chứng tiêu hóa. Do đó, thực phẩm lên men giúp giảm bớt các triệu chứng đó bằng cách giảm viêm ruột, theo trang tin y tế WebMD.

Các loại đậu: Một số loại đậu phổ biến bao gồm đậu Hà Lan, đậu gà, đậu thông thường, đậu tương,… nên có trong bữa ăn của bạn để giúp xoa dịu lo âu.

Cá: Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá hồi và cá trích, có nhiều axit béo Omega-3, có mối quan hệ chặt chẽ với chức năng nhận thức cũng như sức khỏe tâm thần, giảm đáng kể cảm giác lo lắng. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị mọi người nên ăn ít nhất hai phần cá béo mỗi tuần.

Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều magie và tryptophan. Cả hai chất này đều đã được chứng minh là làm giảm lo âu và cải thiện tâm trạng.

Các loại thảo mộc và gia vị: Thảo mộc và gia vị có thể giúp kiểm soát sự lo lắng bao gồm thì là, sâm Ấn Độ (ashwagandha), tỏi, hoa oải hương, nghệ, tía tô đất và húng quế.

Sô cô la đen : Sô cô la đen có chứa các flavonol, như epicatechin và catechin. Đây là những hợp chất thực vật hoạt động như chất chống oxy hóa, có tác dụng giảm lo lắng.

Trà xanh: Trà xanh chứa axit amin gọi là theanine, có tác dụng chống lo âu và làm dịu, có thể tăng sản xuất hormone vui vẻ serotonin và dopamine. Trà xanh rất dễ bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày. Nó là sự thay thế thích hợp cho nước ngọt, cà phê , đồ uống có cồn, theo Medical News Today.

Trứng: Ngoài giàu vitamin D, trứng cũng là nguồn protein dồi dào. Trứng cũng chứa tryptophan, loại axit amin giúp tạo ra hormone vui vẻ serotonin. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh hóa học giúp điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ, trí nhớ và hành vi. Serotonin cũng được cho là có thể cải thiện chức năng não và giảm lo lắng.