Đổ lỗi cho phụ nữ khi trở thành nạn nhân bị xâm hại là hình thức “hiếp dâm” lần nữa

Theo Phó Giám đốc Quỹ Vì Tầm vóc Việt, phụ nữ khi trở thành nạn nhân bị xâm hại, bị bạo hành hay xâm hại tình dục, nếu tiếp tục bị đổ lỗi, tức là phải chịu thêm một lần xâm hại, một lần “hiếp dâm” khác nữa.

Thời gian qua, dư luận không khỏi bức xúc trước những vụ việc liên quan đến xâm hại, mà cụ thể là bạo hành, hiếp dâm phụ nữ. Đáng buồn hơn cả, là khi những người phụ nữ ấy đã đủ mạnh mẽ để đứng ra nói lên sự thật, lại có một bộ phận dư luận muốn công kích và đổ lỗi cho nạn nhân một cách ồ ạt.

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Hồng Điệp (Phó Giám đốc Quỹ Vì Tầm vóc Việt) đã có cuộc trò chuyện với PV Phụ nữ và Pháp luật, thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Phóng viên: Trên thực tế, đã có không ít phụ nữ khi trở thành nạn nhân của xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục, thường “ngại” lên tiếng. Bởi, đã có những người khi lên tiếng, lại vấp phải “làn sóng” chỉ trích ngược mang tên “đổ lỗi cho nạn nhân”. Tư duy “đổ lỗi cho nạn nhân” ở một bộ phận công chúng có thể kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng ra sao, thưa bà?

Bà Trần Hồng Điệp: Trước hết, việc đổ lỗi cho nạn nhân sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nạn nhân. Có thể thấy, ngay cả khi nạn nhân lên tiếng trong một phạm vi nhất định, có thể ở một cấp độ nhất định và chưa đến mức tố cáo ra pháp luật, nạn nhân đã có thể vướng phải những “cái nhìn” không thiện cảm, thậm chí bị đổ lỗi bởi ngay chính những người trong nhóm nhỏ, trong phạm vi hẹp đã biết đến vụ việc. Điều đó khiến ngay cả những nạn nhân lên tiếng ở cấp độ nhỏ sẽ không dám tố cáo, hoặc không dám lên tiếng ở những phạm vi lớn hơn.

Bản thân những nạn nhân chưa dám lên tiếng cũng bởi vì đã có thể mường tượng, hình dung ra cảnh mình sẽ gặp phải những ánh nhìn “ngược chiều” tương tự. Vì thế mà nhiều nạn nhân phải lựa chọn im lặng, sống khép mình.

Thứ hai, đối với thủ phạm, một khi dư luận xuất hiện những luồng ý kiến đổ lỗi cho nạn nhân, thủ phạm sẽ tiếp tục cho rằng, những điều mình đã gây ra là hoàn toàn vô tội, không bị ai trừng phạt. Thế nên, có thể dẫn đến hai trường hợp: Đối với nạn nhân khi không lên tiếng, thủ phạm có thể tiếp tục duy trì hành vi xâm hại đó, bởi vì biết rằng sẽ không phải chịu trách nhiệm gì; bên cạnh đó, có thể thủ phạm đã dừng lại hành vi đối với riêng nạn nhân đó, nhưng có thể vẫn còn nguy cơ với những nạn nhân khác. 

anh-sfsr-1649440881.png
Không ít phụ nữ mặc dù là nạn nhân bị xâm hại, nhưng khi lên tiếng lại bị dư luận đổ lỗi. (Ảnh minh họa).

Không chỉ vậy, điều đó còn ảnh hưởng đến những người khác trong cộng đồng. Nếu tiếp tục đổ lỗi cho nạn nhân, tức là, vô tình truyền đi một thông điệp sai, rằng: “Phụ nữ phải làm chuyện gì đó thì mới bị xâm hại”. Những định kiến ấy sẽ tiếp tục ảnh hưởng cả đến những thế hệ trẻ sau này. Vì lối suy nghĩ như vậy, nên hành vi ấy có thể còn tiếp diễn, dẫn đến hậu quả cho cả cộng đồng. Khi ấy, chính những người gây ra hành vi đó, rồi cả những đứa trẻ sau này có tiếp tục thực hiện hành vi tương tự vẫn nghĩ rằng mình sẽ được bao biện.

Cuối cùng, nếu tiếp tục đổ lỗi cho nạn nhân thì sẽ ngăn cản công lý được thực thi. Ở đây, phải nhìn nhận, chúng ta không chỉ xử lý các vụ việc theo khía cạnh đạo đức, mà còn có cả pháp luật.

Đặc biệt, nếu tâm lý và hành vi định kiến “đổ lỗi cho nạn nhân” không chỉ nằm ở một người dân bình thường mà còn nằm ở các cán bộ công quyền, những người thực thi công lý... thì sẽ càng nghiêm trọng hơn. Định kiến sẽ ảnh hưởng tiêu cực ngay cả trong quá trình xác minh, điều tra, xét xử,... Nếu các cán bộ là những người có định kiến, thì rõ ràng, ngay cả khi nạn nhân có lên tiếng, có thể công lý vẫn không được thực thi, mà thay vào đó, vụ việc có khả năng sẽ bị xử theo hướng bao biện cho thủ phạm và đổ lỗi cho nạn nhân. Khi góc nhìn của người thực thi pháp luật có định kiến thì kết quả của tiến trình điều tra, truy tố... ít nhiều vẫn sẽ bị ảnh hưởng”.

Phóng viên: Vậy đây là vấn đề xuất phát từ định kiến. Xin bà có thể cho biết một số giải pháp xóa bỏ những định kiến này.

Bà Trần Hồng Điệp: Để có được giải pháp, trước tiên, chúng ta phải hiểu về nguyên nhân. Nguyên nhân của việc tại sao mà tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân lại tồn tại, tại sao tâm lý ấy đã xuất hiện từ nhiều năm trước mà đến nay vẫn còn tiếp diễn, và cũng không biết chắc chắn, đến khi nào thì điều đó mới bị ngăn chặn. Có thể hình dung, có những vụ việc đã xảy ra 20-30 năm trước, mà bản thân những người không tố cáo cũng hình dung ra nếu họ tố cáo thì sẽ bị đổ lỗi như thế nào, nên họ đành phải im lặng. Và đến 20-30 năm sau, họ có nói ra thì cũng vẫn bị đổ lỗi như vậy... Phải hiểu được nguyên nhân tại sao thì mới có thể thay đổi.

Vậy tại sao người ta lại đổ lỗi cho nạn nhân, nhất là nạn nhân nữ?

Đầu tiên, liên quan đến những định kiến giới và khuôn mẫu giới. Điều đó liên quan đến quan niệm cho rằng nam giới thì thể hiện sức mạnh bao gồm sức mạnh trong tình dục. Họ luôn luôn được bao biện cho những hành vi gây xô xát, thậm chí bạo lực một chút… và được mặc định đó là thể hiện sức mạnh hay thể hiện nam tính. Đó là định kiến với nam, còn định kiến với nữ cũng vậy, phụ nữ thường bị mặc định là phải đoan trang, kín đáo, phải nhẫn nhịn, hy sinh… tất cả những định kiến đó thường dẫn đến hai mặt đi liền với nhau, đó là đổ lỗi cho nạn nhân và bao biện cho thủ phạm.

Bởi vậy, phụ nữ khi trở thành các nạn nhân thường bị đổ lỗi qua những câu hỏi nghi hoặc.

Tôi nhớ, đã từng xem những bài báo viết về xâm hại tình dục, nhưng trong đó lại nhắc đến việc nạn nhân ăn mặc thế nào, cư xử ra sao, hoặc nhấn mạnh sự xinh đẹp, hấp dẫn…, tức là cũng lồng vào đó nội dung giải thích cho hành vi của nam giới theo hướng bao biện.

Để thay đổi được những điều đã là định kiến mà lại nằm sâu trong niềm tin, thái độ như vậy, thì cần phải có cả một quá trình, bao gồm cả việc trang bị kiến thức về giới, về bình đẳng giới, những thay đổi về định kiến.

tran-hong-diep-pho-giam-doc-quy-vi-tam-voc-viet-170144-1649439290.jpg

Bà Trần Hồng Điệp (Phó Giám đốc Quỹ Vì Tầm vóc Việt) cho rằng, cần phải xóa bỏ định kiến giới để thực sự bảo vệ những phụ nữ là nạn nhân bị xâm hại. (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, thay đổi ấy không phải đợi đến khi trưởng thành mới đi học, tập huấn về giới hay mới tìm hiểu về định kiến giới, mà sự thay đổi phải mang tính hệ thống từ khi còn là trẻ em, phải thay đổi từ sự giáo dục của nhà trường và trong chính gia đình, đó là vấn đề then chốt nhất. Đó là chiến lược lâu dài và cần thiết, phải thay đổi, xóa bỏ các định kiến cho các thế hệ tiếp theo từ khi còn là đứa trẻ.

Chẳng hạn, đối với trẻ mầm non, nếu chúng ta vẫn dạy rằng trẻ em gái lớn lên phải trở thành cô giáo, y tế, còn trẻ em trai thì lớn lên phải trở thành lãnh đạo... thì sẽ lại tiếp tục đi vào “lối mòn”. Ngoài ra, một ví dụ đơn thuần nhất, muốn thay đổi tư duy, có thể bắt đầu từ việc phải xóa bỏ những câu kiểu: “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”…

Bên cạnh đó, cũng cần có những chiến lược trước mắt, xóa bỏ tư duy đổ lỗi cho nạn nhân. Chẳng hạn, gần đây, khi truyền thông tích cực vào cuộc, các đơn vị, tổ chức đưa ra các hoạt động như tọa đàm, chia sẻ về chủ đề đổ lỗi cho nạn nhân… đó chính là quá trình nâng cao nhận thức cho công chúng, để công chúng nhận ra rằng, việc đổ lỗi cho nạn nhân là hành động sai và có thể gây ra hậu quả gì.

Đó là những nỗ lực hiện tại và vẫn có giá trị, dù rằng vẫn bị hạn chế bởi vì khi một người có định kiến thì rất khó để thay đổi trong một sớm một chiều. Chính vì vậy, phải đẩy mạnh truyền thông nhận thức về các định kiến, việc phân tích những hậu quả có thể xảy ra từ định kiến cũng là cách để thay đổi định kiến, cũng là cách để mọi người ngừng đổ lỗi. Nỗ lực ấy, nếu như không làm ngay lúc này, thì không biết khi nào mới có thể bắt đầu.

Phóng viên: Sau khi những người phụ nữ đã dám đứng lên để “vén màn” sự thật, làm thế nào để có thể thực sự bảo vệ những nạn nhân ấy, thưa bà?

Bà Trần Hồng Điệp: Nếu những vụ việc mà nạn nhân đã lựa chọn lên tiếng mà không được xử lý thỏa đáng, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình rất dài phía sau. Đó là tiếp tục có tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân và nạn nhân sẽ tiếp tục im lặng.

Vậy nên, khi nạn nhân đã lên tiếng, các cơ quan hữu quan phải thực sự vào cuộc để giải quyết thỏa đáng. thủ phạm phải được trừng trị, nạn nhân phải được bảo vệ. Đó là điều khá quan trọng, bởi vì nếu như vụ việc không được xử lý thích đáng thì những nỗ lực để xóa bỏ định kiến ở trên sẽ không đưa đến kết quả gì.

Khi đó, mọi người sẽ thấy rằng, có lên tiếng cũng không giải quyết được gì, những nạn nhân khác sẽ tiếp tục im lặng và thủ phạm sẽ dương dương tự đắc, được đà lấn tới. Nhất là, những người hiện tại đang đổ lỗi cho nạn nhân sẽ nghĩ như thế là đúng, dẫn đến đã sai càng thêm sai. Cần phải làm thế nào để các bên cùng vào cuộc một cách hiệu quả, nếu để “chìm xuống” thì hệ quả sẽ rất nghiêm trọng.

Đồng thời, tôi cho rằng, cũng cần có cơ chế đối với hành vi đổ lỗi cho nạn nhân. Có rất nhiều vụ việc, mà thực sự phải nói là nạn nhân bị “hiếp dâm” nhiều lần, trong đó, có những lần “hiếp dâm” là do chính công chúng, chính những quan điểm, lời nói cũng là “hiếp dâm” lần nữa, chứ không phải chỉ riêng thủ phạm.

Chính vì vậy, nếu những hành vi đổ lỗi cho nạn nhân trở nên nghiêm trọng thì cũng cần phải bị xử lý, chứ không riêng thủ phạm. Pháp luật nghiêm minh, không thể để những lời lẽ mang tính phê phán, bôi nhọ, xúc phạm... như vậy tiếp tục tồn tại.

Một giải pháp nữa chính là cần phải rà soát lại các cơ chế, chế tài xử phạt xem đã đủ sức răn đe và ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra hay chưa. Bởi, nếu pháp luật không đủ sức răn đe, sẽ tạo kẽ hở cho hành vi đó sẽ tiếp tục xảy ra, bao gồm cả việc xâm hại, quấy rối lẫn đổ lỗi cho nạn nhân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!

 

Trước đó, tại tọa đàm trực tuyến “Không đổ lỗi” do mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam tổ chức (được phát trên fanpage) vào ngày 5/4/2022, TS. Trần Kiên (ban điều hành VNMENNET) cũng đã đề cập, “đổ lỗi cho nạn nhân” là một khái niệm phổ biến không chỉ ở Việt Nam, khái niệm này từng được thảo luận, nghiên cứu trong rất nhiều lĩnh vực.

Ở góc độ hành vi, có hai loại hình chính của việc “đổ lỗi nạn nhân”, theo vị đại diện VNMENNET, đều xuất hiện ở Việt Nam. Một là loại hình phản ứng mang tính thụ động, thậm chí là lảng tránh của những người có trách nhiệm. Khi nạn nhân đến tố cáo, câu trả lời nhận về có thể là “đó là do lỗi của anh/của chị” và sự việc không được xử lý. Đó là thực tế nhức nhối ở Việt Nam.

Thứ hai là loại hình đổ lỗi chủ động, khi nạn nhân lên tiếng, kênh tiếp nhận thông tin không lảng tránh nhưng lại quy kết luôn trách nhiệm cho nạn nhân, với mặc định “mình phải thế nào người ta mới đối xử như thế”.

capturea-1649440325.JPG
Theo TS. Trần Kiên (ban điều hành VNMENNET), hai loại hình chính của việc “đổ lỗi nạn nhân” đều xuất hiện ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình).

“Nhiều tội phạm tình dục khó bị xử lý hoặc việc xử lý không hiệu quả là bởi cả hai lý do trên. Đó là sự lảng tránh của những người có trách nhiệm và xã hội tạo sức ép đổ lỗi cho nạn nhân khiến cho người xử lý cũng chùn tay. Ngày càng có nhiều công cụ, phương tiện như mạng xã hội khiến cho việc đổ lỗi trở nên dễ dàng và nghiêm trọng hơn”, TS. Trần Kiên nhìn nhận.