Đổi tiền lẻ lấy tiền chênh lệch kiếm lời dịp Tết Nhâm Dần 2022, bị phạt bao nhiêu?

Dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến gần là thời điểm xuất hiện hành vi lợi dụng đổi tiền lẻ để kiếm lời. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt nghiêm minh.

Luật sư Vũ Quang Bá – Công ty Luật TNHH AB & Partners, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, hiện nay, hoạt động thu đổi tiền lẻ được thực hiện tại các tổ chức được Nhà nước cho phép thực hiện và chỉ được thực hiện đối với các loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Tại Thông tư số 25/2013/TT-NHNN ngày 2/12/2013 quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông có quy định rõ, đối với các loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, chỉ có ngân hàng nhà nước chi nhánh, sở giao dịch ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, chi nhành ngân hàng nước ngoài, kho bạc Nhà nước mới được cho phép thực hiện hoạt động.

Tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông được hiểu các loại tiền giấy (tiền cotton và tiền polymer), tiền kim loại do ngân hàng Nhà nước phát hành, đang lưu hành nhưng bị rách nát, hư hỏng hay biến dạng theo quy định về tiêu chuẩn tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

luat su vu quang ba

Luật sư Vũ Quang Bá.

"Như vậy, các trường hợp thu, đổi tiền lẻ nhằm lấy tiền chênh lệch hoặc kiếm lời đều bị xem là hành vi bị nghiêm cấm thực hiện", Luật sư Vũ Quang Bá nhấn mạnh.

Tại điểm a, khoản 5, Điều 30, Nghị định 88/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ. Theo đó, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: "Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật".

Căn cứ điểm b, khoản 3, Điều 3, Nghị định 88/2019/NĐ-CP, đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối với hành vi đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch kiếm lời dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ bị xử phạt từ 20 triệu đến 40 triệu đồng đối với cá nhân; từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với tổ chức.