Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải hoàn thành trong năm 2021

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án trọng điểm phải hoàn thành trong năm 2021.

Bộ GTVT vừa ban hành văn bản số 352 thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông về tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Trước đó, ngày 09/9, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đáng chú ý, tại văn bản này, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông một trong những dự án trọng điểm phải hoàn thành trong năm 2021.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án có mốc thời gian hoàn thành trong năm 2021 như dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông; dự án nâng cấp, cải tạo đường lăn, sân đỗ cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách...

Bộ GTVT cũng yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải tập trung chỉ đạo xử lý tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền để có chỉ đạo, xử lý.

Trước đó, sau nhiều lần trễ tiến độ, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể ấn định thời điểm chính xác hoàn thành dự án.

Kinh tế vĩ mô - Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải hoàn thành trong năm 2021

Ảnh minh họa (PV Trọng Tùng)

Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu Vụ Đối tác công tư, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến pháp lý. Đồng thời, khẩn trương xây dựng các kịch bản có thể xảy ra để chủ động tham mưu cho Bộ chỉ đạo, xử lý và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kịp thời.

Đánh giá chung về tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ GTVT cho biết, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ban quản lý dự án đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai thi công, giải ngân vốn đầu tư công, không để dự án nào phải dừng, hoãn thi công.

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục. Điển hình, như công tác giải ngân vốn đầu tư công tuy có cao hơn bình quân chung của cả nước nhưng chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước, phần giải ngân cho khối lượng thi công còn thấp.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành dự án của một số Chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án còn bị động, chưa đạt hiệu quả cao; còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc kéo dài chưa thể xử lý triệt để, ảnh hưởng đến tiến độ thi công như công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung ứng vật liệu, dịch bệnh diễn biến phức tạp...

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài là 13,08 km là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, với kỳ vọng đầu tư đồng bộ để tạo kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khách giữa nội đô Hà Nội và ngoại thành.

Chủ đầu tư là Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đường sắt. Dự án được khởi công tháng 10/2011, có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng; tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.002 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng và vốn đối ứng 4.134 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau 1 thập kỷ khởi công, các dự án đều chậm tiến độ và lỡ hẹn ngày vận hành.

Mới đây nhất, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết do hợp đồng EPC dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không thể hoàn thành đúng tiến độ nên phải kéo dài thời gian thực hiện, làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát, cần bổ sung khoảng 7,835 triệu USD.

Lê Mạnh Quốc - Người Đưa Tin