Dự án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu 18.000 tỷ: Thanh tra Chính phủ kết luận gì?

TTCP đã chỉ ra những thiếu sót, sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu ở Thái Nguyên.

TTCP đã chỉ ra những thiếu sót, sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu ở Thái Nguyên.

Dự án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên sông Cầu ở tỉnh Thái Nguyên là dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 18.000 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công tư do Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 thực hiện.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu được HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua chủ trương đầu tư xây dựng theo hình thức PPP (đối tác công tư) với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 18.211 tỷ đồng.

Trong đó bao gồm: thực hiện dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) có tổng mức đầu tư 9.811 tỷ đồng (gồm 6 hạng mục, quy mô sử dụng đất là 150 ha) và thực hiện dự án khác có quy mô 700 ha với tổng mức đầu tư khoảng 8.400 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu đô thị 2 bên bờ sông) để thu hồi vốn dự án BT (xây dựng - chuyển giao).

du an xay dung cap bach he thong chong lu lut song cau 18 000 ty thanh tra chinh phu ket luan gi

Một đoạn đê thuộc Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu chưa được thi công (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Kết quả thanh tra cho thấy, tháng 8/2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 17/NQ-HĐND thông qua chủ trương đề xuất dự án nêu trên. Đến tháng 10/2017, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết 25/NQ-HĐND thông qua chủ trương đề xuất chuyển từ “Dự án” thành “Đề án”, thể hiện: vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện 9 dự án là 5.611 tỷ đồng, trong đó: Giải phóng mặt bằng dự án BT là 3.143 tỷ đồng; Giải phóng mặt bằng dự án hoàn vốn (dự án khác) là 2.468 tỷ đồng…

Theo TTCP, với quy mô và tổng mức đầu tư dự kiến nêu trên, dự án thuộc nhóm A, cơ quan lập đề xuất dự án là UBND tỉnh Thái Nguyên, cơ quan thẩm định đề xuất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thẩm quyền quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ.

“Tuy nhiên, UBND tỉnh Thái Nguyên chưa lập và trình thẩm định phê duyệt đề xuất dự án là không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công. UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đề xuất đầu tư dự án (dự án nhóm A) là không đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư công” – TTCP chỉ rõ.

Việc UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất, HĐND tỉnh thông qua chủ trương đề xuất dự án là không phù hợp với Nghị định 15/2015.

Ngoài việc phê duyệt đề xuất đầu tư dự án (nhóm A) là trái thẩm quyền, UBND tỉnh Thái Nguyên còn ra quyết định phê duyệt Đề án (gồm 9 dự án) khi chưa được HĐND thông qua (chỉ bằng văn bản của Thường trực HĐND).

Cũng theo TTCP, không có quy định của pháp luật về việc chuyển dự án PPP thành đề án PPP, cũng như không có quy định về việc phê duyệt đề án PPP gồm có các dự án PPP thành phần.

“Việc thay đổi khái niệm trong đầu tư để phù hợp với thẩm quyền quyết định là mang tính chủ quan, thiếu căn cứ pháp luật, không phù hợp với quy định tại Nghị định 15/2015” - kết luận của TTCP nêu.

Đáng chú ý, kết luận của TTCP còn chỉ ra những bất cập, thiếu sót trong báo cáo thẩm định nguồn vốn và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (NCKT).

Theo TTCP, báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn NSNN tham gia dự án được thẩm định không rõ ràng, thiếu chính xác; nguồn vốn NSNN tham gia dự án hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng đối với dự án BT và dự án khác (dự án đối ứng dự án BT) không phù hợp với quy định của Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Luật Đầu tư công.

Ngoài ra, tại báo cáo thẩm định phương án tài chính, báo cáo NCKT của Sở Tài chính chỉ thẩm định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, không tổ chức thẩm định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khi thực hiện dự án khác là không phù hợp quy định.

“Việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi chưa đủ cơ sở; thẩm định phương án tài chính (thu hồi vốn dự án BT; xác định quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư) thể hiện việc buông lỏng quản lý” - TTCP chỉ rõ.

Trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, TTCP cho rằng, thời gian đánh giá và thẩm định hồ sơ yêu cầu quá ngắn (trong 1 ngày) so với nội dung cần xem xét đánh giá với quy mô của 9 dự án (Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 là đơn vị trúng thầu cả 9 dự án - PV). Điều này, dẫn tới kết quả đánh giá về năng lực; vốn chủ sở hữu thực hiện dự án BT và dự án khác, vốn vay của nhà đầu tư chưa phù hợp với quy định.

Từ kết quả thanh tra, TTCP đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án, có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với các vi phạm được phát hiện qua thanh tra.

Đề án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu tại TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên với 9 dự án thành phần, do Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 làm chủ đầu tư.

Ngày 23/10/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên có Tờ trình 167/TTr-UBND và trên cơ sở đó HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua chủ trương đề xuất chuyển dự án thành đề án gồm 9 dự án thành phần (dự án nhóm B).

Sau khi được sự chấp thuận của tỉnh và đảm bảo một số thủ tục cần thiết khác, nhà đầu tư là Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8 triển khai thi công thí điểm một đoạn của Dự án số 1 nhằm rút kinh nghiệm để tìm giải pháp kỹ thuật phù hợp nhất với khoảng 300m đê bờ hữu sông Cầu được nhà đầu tư triển khai.

Kể từ thời điểm Thanh tra Chính phủ chính thức thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên (ngày 16/7/2019), các hoạt động thi công tại các dự án thành phần đều dừng lại.

Cự Giải (T/h) - Người Đưa Tin Pháp Luật