Đưa tên người mắc COVID-19 lên mạng xã hội bị xử lý ra sao?

Việc đăng tải những thông tin, hình ảnh liên quan đến người mắc COVID-19 lên mạng xã hội sẽ đối mặt với hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Mới đây, hai người có hành vi đăng tải danh sách người liên quan đến dịch COVID-19 lên mạng xã hội facebook đã bị Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Đắk Lắk triệu tập lên làm việc.

Cụ thể, N.T.B (33 tuổi) và L.B.N (27 tuổi, cùng ở xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột) đã dùng tài khoản facebook cá nhân để đăng tải danh sách những người mắc COVID-19 và các trường hợp F1, F2 ở Đắk Lắk gây hoang mang, lo lắng cho nhiều người.

Việc đăng tải những thông tin, hình ảnh liên quan đến dịch COVID-19 khi chưa được kiểm chứng và đăng công khai danh tính, thông tin cá nhân của những người bị nhiễm COVID-19 hoặc liên quan lên mạng xã hội được cơ quan điều tra xác định là hành vi vi phạm pháp luật.

Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc công ty Luật Bảo Tín (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay: Chúng ta phải thừa nhận rằng tình hình dịch bệnh Covid tại Việt Nam hiện đang rất căng thẳng và có nhiều biến chuyển đáng lo ngại. Trong thời điểm này, Chính phủ và người dân đang nỗ lực hết sức để đối phó và tìm mọi cách nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng và đẩy lùi dịch bệnh.

Góc nhìn luật gia - Đưa tên người mắc Covid-19 lên mạng xã hội bị xử lý ra sao?

Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc công ty Luật Bảo Tín.

Trong nỗ lực đó, việc ổn định tình hình và cụ thể hơn là ổn định tâm lý người dân được Chính phủ đặc biệt lưu tâm nhằm tối ưu hóa hiệu quả chống dịch và đảm bảo an toàn cho xã hội.

“Do vậy, việc các cá nhân tự ý đăng tải những thông tin, hình ảnh về dịch bệnh khi chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội đã đi ngược lại với những nỗ lực của toàn thể cộng đồng, gây tâm lý hoang mang, lo lắng, tiêu cực cho người dân. Bên cạnh đó, những hành vi đó còn vi phạm pháp luật, xâm phạm các quyền và lợi ích mà pháp luật bảo vệ”, luật sư Hiền nói.

Về hướng xử lý trong trường hợp này, luật sư Phan Kế Hiền cho biết: Đầu tiên, hành vi đăng tải công khai danh tính, thông tin cá nhân của người mà mình cho là nhiễm Covid-19 lên mạng xã hội đã xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư cá nhân. Những người thực hiện hành vi trên không có thẩm quyền sử dụng, công khai thông tin của người khác và cũng không có sự đồng ý của họ.

Pháp luật quy định rất rõ về việc tôn trọng, bảo vệ đời tư của cá nhân, không ai được cung cấp thông tin cá nhân khi chưa được sự đồng ý của cá nhân người đó.

Luật sư dẫn chiếu quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”; 

Chưa hết, tại Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: “Bệnh nhân có quyền được giữ bí mật thông tin tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án”; Hay tại Điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: “Thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh”.

“Như vậy, rõ ràng việc tự ý đăng tải, lan truyền thông tin cá nhân của người bị nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 lên mạng xã hội là hành vi trái pháp luật”, luật sư Hiền nhận định.

Tiếp theo, hành vi đăng tải những thông tin, hình ảnh liên quan đến dịch COVID-19 khi chưa được kiểm chứng là hành vi vô cùng nguy hiểm trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay. Hành vi này một mặt tạo tâm lý hoang mang không đáng có trong cộng đồng, mặt khác lại góp phần cản trở, tác động xấu tới công tác phòng chống dịch bệnh của Chính phủ. Với những hậu quả đáng kể trên, hành vi này có thể sẽ bị phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy vào mức độ nghiêm trọng thực tế xảy ra, cụ thể:

Căn cứ điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP: “1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;…”.

“Do trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (khoản 3, Điều 4 Nghị định 15/2020) nên 2 cá nhân vi phạm trong trường hợp này có thể bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng. Ngoài việc bị xử phạt, người vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin về cá nhân mà mình đã đăng tải, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định pháp luật”, luật sư Hiền cho biết.

Nghiêm trọng hơn, trường hợp người nào có hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

“Tùy từng mức độ, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc phạt tù cao nhất đến 07 năm tù”, luật sư Hiền cho biết.

Nguyễn Thị ThúyNgười Đưa Tin Pháp Luật