"Đừng chỉ gom góp tài sản cho con, hãy tích lũy cho bản thân khi về già"

Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng, các bậc phụ huynh nên tích lũy tài sản cho mình khi về già thay vì chỉ tích lũy cho con cái.

Cuộc sống ngày một nâng cao, chất lượng sống của mỗi người dân càng được chú trọng. Tuy nhiên, vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách an sinh cho người cao tuổi đang còn tồn tại những vướng mắc chưa được tháo gỡ.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Hải Chuyền - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam về vấn đề này.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam. Ảnh: Diệu Bình

- Xin bà cho biết tỷ lệ người cao tuổi và thực trạng về người cao tuổi hiện nay ở nước ta ra sao?

Theo quy ước quốc tế, một quốc gia có tỉ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 10% dân số hoặc từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 7% dân số thì nước đó bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Ở nước ta tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,86% dân số, dự kiến đến năm 2030 sẽ là 18% dân số và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Điều đó cho thấy, Việt Nam đang ở trong giai đoạn già hóa dân số. Nếu không sớm có những chính sách, chủ trương thích ứng với vấn đề già hóa dân số, chúng ta sẽ gặp khó khăn về an sinh xã hội sau năm 2030. Già hóa dân số sẽ trở thành gánh nặng về kinh tế - xã hội.

Một điều tra của chúng tôi cho thấy, 60% người cao tuổi ở Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, làm nông nghiệp. Hầu hết, họ đều gặp khó khăn về cuộc sống, không có điều kiện chăm sóc sức khỏe.

Người cao tuổi phải được chăm sóc nhưng vì nhiều lý do, họ lại phải chăm sóc cháu, nội trợ, làm đồng áng…

Những công việc này chưa được ghi nhận nên dẫn đến suy nghĩ rằng, người cao tuổi sống phụ thuộc vì không tạo ra thu nhập.

- Việt Nam đang gặp những vấn đề vướng mắc nào trong việc đảm bảo an sinh cho người cao tuổi, thưa bà?

Hiện nay, mức trợ cấp bảo trợ đối với người cao tuổi tại Việt Nam còn thấp, chỉ 270 nghìn đồng/tháng. Nếu người cao tuổi ở trong trung tâm bảo trợ xã hội thì được hưởng mức 540 nghìn đồng/tháng.

Phần tích lũy xã hội cho lĩnh vực an sinh xã hội còn khiêm tốn so với nhu cầu nên chính sách trợ giúp cho nhóm yếu thế, trong đó có người cao tuổi còn thấp.

Vì vậy, cuộc sống của người cao tuổi cô đơn, người cao tuổi nghèo, người cao tuổi sống phụ thuộc vào con cháu gặp nhiều khó khăn. Số người cao tuổi không có chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc cao.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có 10.000 người cao tuổi được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Các cơ sở này mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.

Chủ trương xã hội hóa các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm chăm sóc người cao tuổi đã có song chính sách về đất, thuế, vay vốn ưu đãi chưa đủ rõ, chưa huy động được doanh nghiệp tham gia.

Giá dịch vụ tại các trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập cao. Mức giá dao động từ 5 triệu đồng/tháng - 20 triệu đồng/tháng. Nhiều người thích vào đây sống nhưng không đủ tài chính.

Ảnh: Lê Anh Dũng

- Thưa bà, Hội Người Cao tuổi Việt Nam đã có những đề xuất gì để bảo vệ quyền lợi và tăng cường phúc lợi xã hội cho đối tượng người cao tuổi?

Phía Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng có đề xuất lên các cấp có thẩm quyền giải quyết một số vấn đề.

Thứ nhất: Luật Người cao tuổi có hơn 10 năm, tuy đạt được nhiều kết quả nhưng hiện nay Luật Người cao tuổi 2009 không còn phù hợp, không tương thích với Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2013, 2019.

Để phù hợp với nội dung liên quan đến người cao tuổi của các luật khác đang có hiệu lực, đồng thời khắc phục những hạn chế mà Luật Người cao tuổi hiện hành chưa đề cập đến, đề nghị Quốc hội cần đưa vào Chương trình xây dựng Luật năm 2021, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Người cao tuổi.

Thứ hai: Nghiên cứu bổ sung hỗ trợ lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do), để nhóm đối tượng này tham gia bảo hiểm tự nguyện. Để khi 60 tuổi, họ có chế độ bảo hiểm, bảo đảm cho tuổi già, hạn chế mức độ phụ thuộc con cái và xã hội.

Phần hỗ trợ của Nhà nước trong bảo hiểm xã hội tự nguyện có phân nhóm tuổi. Nhóm từ 40 tuổi trở lên cần có mức hỗ trợ cao hơn. Hướng đến mục tiêu, mỗi người cao tuổi đều có thu nhập khi về già từ bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội.

Thứ ba: Nghiên cứu nâng mức bảo trợ xã hội cho người cao tuổi phù hợp với phát triển kinh tế của đất nước (mức hưởng hiện nay là 270 nghìn đồng/tháng cho người đủ 80 tuổi trở lên, không có bảo hiểm xã hội và các khoản trợ cấp khác).

Nghiên cứu hỗ trợ người cao tuổi thuộc hộ nghèo (từ 60 tuổi đến 79 tuổi) được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Thứ tư: Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng như gắn kết giữa chăm sóc y tế tại cộng đồng với dịch vụ xã hội chính thức và phi chính thức.

Thứ năm: Tăng cường công tác truyền thông, thay đổi nhận thức, giáo dục giới trẻ xóa bỏ kỳ thị, phân biệt và bạo lực đối với người cao tuổi.

Khi xảy ra bất cứ vấn đề nào liên quan đến việc bị bạo hành, xâm hại người cao tuổi, họ có thể liên hệ đến Hội Người cao tuổi tại các địa phương. Hội Người cao tuổi sẽ có kiến nghị đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền, để họ vào cuộc xử lý kịp thời.

Trường hợp người già bị con cái bạo hành, tôi nghĩ nên có giải pháp hoặc quy định cụ thể về việc đưa người đó vào các trung tâm bảo trợ xã hội, để cách ly khỏi người bạo hành họ.

Ảnh: Lê Anh Dũng

- Ở Việt Nam thường có tư tưởng, cha mẹ gom góp tài sản cho con cái. Bà đánh giá thế nào về việc này?

Đây không chỉ là tư tưởng của người Việt Nam mà còn ở một số nước châu Á. Hành động này không chỉ gây áp lực lên chính họ mà còn gây ra nhiều hệ lụy.

Gia đình nào đông con, lúc cha mẹ còn khỏe mạnh thì không sao. Đến khi cha mẹ già yếu, giữa các con dễ nảy sinh tư tưởng so bì “Cha mẹ cho ai nhiều hơn thì người ấy chăm”…

Tôi cho rằng, cha mẹ thương con, cho con là điều dễ hiểu. Thế nhưng thương con thế nào để chúng có thể tự tin vững bước vào đời lại là câu chuyện khác.

Các bậc phụ huynh, thay vì cho con một tài sản giá trị nên chuẩn bị cho con một kế hoạch tài chính rõ ràng. Tức là ta cho con cần câu cá, chứ không phải cho con cá. Chiếc cần câu có thể tạo ra giá trị thặng dư trong tương lai cho con.

Đó là kiến thức, nền tảng giáo dục. Sau này, khi con vững bước vào đời, cần vốn làm ăn, ta có thể chia nhỏ tài sản, cho con một phần và giữ lại cho mình một phần làm vốn dưỡng già.

- Vậy bà có lời khuyên nào với thế hệ trẻ, để chuẩn bị cho 30 - 50 năm nữa, họ cần làm gì?

Theo quy luật tự nhiên, thế hệ trẻ ngày nay trong tương lai sẽ là người cao tuổi. Để chuẩn bị cho 30 - 50 năm nữa, họ cần chuẩn bị cho mình một kế hoạch tài chính tốt.

Thay vì nghĩ rằng đi làm tích lũy cho con, họ hãy đi làm để tích lũy tài sản cho bản thân khi về già. Lúc đó, họ sẽ tự chủ được tài chính, không bị phụ thuộc vào con cái.

Các bạn trẻ nếu đang làm lao động tự do, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo điều kiện cá nhân. Đây là chính sách an sinh xã hội rất tốt, được Nhà nước hỗ trợ.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng như một tấm thẻ ATM cho bản thân, tích lũy khi về già.

Việc chăm sóc cha mẹ già vẫn là trách nhiệm của con cái và xã hội. Tuy nhiên, trường hợp không có điều kiện như: Con cái ở nước ngoài, hay đi công tác…có thể đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Đó cũng là giải pháp tốt.