Gần 3 tuần thực hiện Chỉ thị 16, vẫn nhiều người Hà Nội ra đường lý do không chính đáng

Có 1001 lý do mà những người dân thiếu ý thức đưa ra khi bị lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy tờ để đảm bảo phòng chống dịch trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
Thực tế này đang tạo những nguy cơ không nhỏ khiến cho tình hình dịch Covid-19 trở nên phức tạp.

Ghi nhận tại quận Hai Bà Trưng, một trong những địa bàn đang tồn tại nhiều ổ dịch hiện nay, tại chốt kiểm soát khu vực phường Đống Mác, một trong những địa bàn "nóng", có nguy cơ cao, một người đàn ông ra đường không có lý do chính đáng vẫn liên tục "xin" lực lượng trực chốt để được bỏ qua sai phạm.

“Nhà tôi ngay ở 24 Lò Đúc thôi cho tôi xin. Ai ra đường cũng có lý do việc khẩn cấp, vì dịch bệnh tôi phải ra đường cũng chẳng muốn xử lý các anh. Người nào cũng có lý do, đường nước bị hỏng, nhà tôi có việc. Tôi có bố 90 tuổi gọi tôi nên tôi về, thôi cho tôi xin”, lời xin của một người vi phạm.

Còn đây là lý do của một người dân ở phố Tây Kết có giấy đi chợ do UBND phường Bạch Đằng cấp, nhưng không đi chợ mà lại dùng để đi sang khu vực khác: “Giờ đi chợ thổi cơm cho gia đình, thổi ở dưới phố kia. Có giấy tờ phường cho đi chợ thôi, em cũng dân quê chẳng biết gì”.

Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm trường hợp mà lực lượng chức năng thành phố phải tiến hành xử phạt mỗi ngày trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.

Theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, phải triển khai chặt chẽ theo nguyên tắc: người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, yêu cầu người dân ai ở đâu thì ở đó, nhằm khống chế dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít người dân thiếu ý thức vẫn ra đường với những lý do không cần thiết.

Qua quá trình kiểm tra việc đi lại tại các chốt kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp giấy tờ không hợp lệ, giấy đi lại của người này nhưng người khác sử dụng, có trường hợp shipper giả tin nhắn quản lý của Sở Giao thông vận Hà Nội để đi giao hàng...

Thiếu tá Lê Trung Kiên, Phó trưởng Công an phường Đống Mác, Công an quận Hai Bà Trưng, cho biết có trường hợp một số công ty TNHH có dấu hiệu không phải nhân viên của mình vẫn xác nhận giấy đi lại. Có công ty đã giải thể nhưng dấu chưa thu hồi vẫn xác nhận.

Trong đợt giãn cách xã hội, Công an quận Hai Bà Trưng đã xử lý trên 1000 trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch, với số tiền phạt lên tới gần 1,3 tỷ đồng, chủ yếu là các trường hợp vi phạm ra ngoài đường không cần thiết.

Trung tá Phan Văn Bốn, Trưởng Công an phường Bạch Đằng cho biết cũng có trường hợp chưa đủ giấy tờ, nhưng lực lượng chức năng vẫn linh hoạt xử lý cho đi, miễn là lý do chính đáng, chứ không hoàn toàn máy móc.

“Khi người dân trình bày cho con đi khám bệnh mua thuốc thì chúng tôi cũng cho đi… Hay như trong lúc đang tập trung tiêm chủng chúng tôi cũng tạo điều kiện cho người dân đi tiêm”, Trung tá Phan Văn Bốn nói.

Mỗi ngày Hà Nội vẫn có hàng chục ca mắc mới Covid-19, thậm chí có lúc vượt 100 ca mắc/ngày. Để kiềm chế dịch bệnh lây lan, tránh xảy ra tình trạng như các tỉnh phía Nam, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra các biện pháp quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà, ít nhất 30% hoặc 50%, chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp. Đặc biệt, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, hạn chế tối đa ra khỏi nhà khi không có việc thực sự cần thiết.

Khi cả hệ thống đang đồng lòng chống dịch thì sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân sẽ phá đi công sức của cả cộng đồng. Đó là điều mà mỗi người cần tự ý thức để nhanh chóng khôi phục sản xuất và đời sống.

Mạnh Phương - VOV1