“Giá trị cao nhất của người phụ nữ trong xã hội hiện đại chính là sự tự tin”

“Bởi lẽ, khi tự tin, người ta có thể theo đuổi mọi ước mơ; khi tự tin, có thể phấn đấu vươn lên; khi tự tin, sẽ tìm được con đường tốt nhất cho mình” - ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga lý giải quan điểm của mình.

Vẽ sơ đồ cho cuộc sống

Đó là bí quyết để cân bằng cuộc sống của ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương).

Vốn là một Tiến sĩ Lý luận văn học, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cũng có “định nghĩa” rất đặc biệt với vị trí và vai trò của người phụ nữ hiện đại: “Tôi đã nghe nhiều người bày tỏ quan điểm phụ nữ truyền thống mới cần trau dồi công, dung, ngôn, hạnh, chăm lo tề gia nội trợ; còn phụ nữ hiện đại phải mạnh mẽ, độc lập và tự chủ, có sự nghiệp, có chí tiến thủ, sẵn sàng theo đuổi ước mơ...

Nhưng tôi cho rằng như vậy vẫn chưa đáp ứng đủ tiêu chí về người phụ nữ trong xã hội hiện tại. Theo tôi, phải có sự kết hợp cả truyền thống và hiện đại. Người phụ nữ hiện đại vẫn cần trau dồi công, dung, ngôn, hạnh làm hành trang. Thiên chức của phụ nữ là sinh con, là chăm lo những việc gia đình. Nếu thiếu những điều đó, thì phụ nữ mới thành công một nửa.

Tất nhiên, để đạt được cả 2 điều này không phải dễ dàng gì. Nhưng tôi thấy hầu hết những phụ nữ thành đạt đều là những người rất trọng công, dung, ngôn, hạnh, bên cạnh sự nỗ lực cao nhất phấn đấu cho sự nghiệp, cho mơ ước”.

z2855841594659-aa0ceb815d1306f68374626cc7255da7-1634559361.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

“Giá trị cao nhất của người phụ nữ trong xã hội hiện đại, theo tôi chính là sự tự tin. Khi tự tin, người ta có thể theo đuổi mọi ước mơ. Khi tự tin, có thể phấn đấu vươn lên. Khi tự tin, sẽ tìm được con đường tốt nhất cho mình.

Bao đời nay, phụ nữ Việt Nam nói riêng, phụ nữ châu Á nói chung rất thiếu tự tin (bởi những lý do do hệ tư tưởng mang lại). Vì không tự tin nên họ tin rằng trong gia đình mình chỉ là cái bóng của chồng, không tự tin nên không thấy mình có năng lực, khả năng. Không tự tin nên không dám thử sức ở nhiều lĩnh vực...”, bà nhấn mạnh.

Theo bà, hiện nay, trong tất cả các lĩnh vực đều có sự góp sức của phụ nữ, và đều có những phụ nữ để lại dấu ấn khó phai. Ngay cả những lĩnh vực trước đây có quan niệm chỉ dành riêng cho nam giới như lực lượng vũ trang, chính khách... thì hiện nay phụ nữ đã đóng góp khá nhiều.

Nữ ĐBQH thẳng thắn nhìn nhận: “Bình đẳng giới trong chính trị là vấn đề đang được quan tâm và theo tôi điều này tạo cơ hội rất lớn cho phụ nữ.

Tuy nhiên, việc tạo dựng sự nghiệp giữa phụ nữ và nam giới có điểm khác nhau cơ bản: trong độ tuổi sung sức nhất để học hỏi và cống hiến, phấn đấu, nam giới được toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp thì phụ nữ lại phải san sẻ thời gian, sức lực, tâm huyết cho chuyện sinh con, nuôi con nhỏ. Và như thế, phụ nữ nếu sinh đủ hai con ở độ tuổi từ 25 đến 30 thì sẽ chậm một nhịp trong phấn đấu sự nghiệp so với nam giới (riêng thời gian nghỉ thai sản 2 lần đã mất 1 năm).

Ngoài ra, tuổi về hưu của nữ giới lại sớm hơn nam giới, nên thời gian để phấn đấu cho sự nghiệp của phụ nữ ngắn hơn nam giới rất nhiều, đòi hỏi phụ nữ phải nỗ lực rất cao, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị”.

“Bản thân tôi là một phụ nữ, khi tham gia làm chính trị tôi cũng gặp muôn vàn thử thách như những người phụ nữ khác. Chồng tôi công tác trong lực lượng vũ trang, xa nhà biền biệt. Một mình tôi vừa phải nuôi nấng, dạy dỗ hai cậu con trai, vừa phấn đấu cho sự nghiệp, khó khăn không ít. Nhất là khi các con còn nhỏ, hay đau ốm, ông bà nội ở rất xa còn ông bà ngoại tuy ở gần nhưng còn đang bận công tác, không thể hỗ trợ.

Riêng việc bố trí thời gian thế nào cho hợp lý khi vừa phải lo việc gia đình, vừa phải lo việc cơ quan, hoàn thành tốt mọi vai trò của mình cũng không đơn giản chút nào.

Ngay từ thời còn rất trẻ, tôi đã vẽ sơ đồ cho cuộc sống của mình, chia thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn gắn với một mục tiêu cụ thể để cố gắng hoàn thành để thời gian không trôi qua vô ích. Chẳng hạn, trong sơ đồ cuộc sống của tôi, tôi đánh dấu rất đậm giai đoạn học hành. Cho đến khi con trai lớn học xong tiểu học thì mẹ cũng phải bảo vệ xong luận án Tiến sĩ, bởi khi con lớn hơn, tôi cần nhiều thời gian để theo sát con trong việc học hành hơn.

Cũng nhờ có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng nên tôi thấy mình đã đi qua những năm tháng vất vả một cách khá chủ động. Thêm nữa, sự ủng hộ hết mình của hai bên gia đình, của chồng con là một nhân tố quan trọng để tôi có thêm động lực phấn đấu trong công việc của mình”, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chia sẻ bí quyết.

Mỗi ngày đọc ít nhất 50 trang sách

Nữ đại biểu chia sẻ: “Trở thành ĐBQH vừa là một cơ duyên, vừa là động cơ phấn đấu của bản thân. Từ hồi còn trẻ, tôi đã rất quan tâm đến các kỳ họp Quốc hội và thường theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, “hóng” những quyết định được thông qua qua mỗi kỳ họp, bởi đó là những vấn đề trọng đại liên quan đến cuộc sống nhân dân, sự phát triển đất nước.

Tôi ngưỡng mộ những vị ĐBQH có những phát biểu sâu sắc và ấn tượng, bởi họ có bản lĩnh, có hiểu biết, có tâm huyết và trách nhiệm với đất nước, với nhân dân. Từ đó, tôi nghĩ thật tuyệt nếu mình phấn đấu được làm người đại biểu của nhân dân”.

Không chỉ được nhiều cử tri tin yêu với vai trò ĐBQH, nữ Tiến sĩ còn thành công ở rất nhiều vị trí khác, như Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Hải Dương, Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Hải Dương...

z2855845463047-c347ac62ca91b13ae38571d9afc0c49d-1634559182.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đứng giữa) trong hội nghị ký kết hợp tác giữa sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Hải Dương và sở Thông tin văn hoá Viêng Chăn (Lào) vào năm 2019.

“Tôi cảm thấy mỗi vị trí đều có những thử thách, áp lực riêng. Khi còn trẻ tuổi, kinh nghiệm sống và kỹ năng làm việc chưa nhiều, tôi phải bù đắp những thiếu hụt đó bằng cách miệt mài học tập. Thậm chí bạn bè còn ngạc nhiên là không hiểu tôi “học làm gì mà học lắm thế!”. Học ở trường, lớp, qua các chương trình đào tạo, học ở mọi người xung quanh, những người đi trước giàu kinh nghiệm, học trong sách vở (tôi là típ người ham đọc sách, trung bình mỗi năm tôi đọc chừng gần 200 cuốn sách cách loại. Ngày nào tôi cũng phải đọc ít nhất chừng 50 trang).

Khi trưởng thành hơn, có kỹ năng, kinh nghiệm sống hơn, tôi lại thấy cần rèn thêm những phản ứng nhạy bén sắc sảo, những tư duy táo bạo của tuổi trẻ.

Song, có lẽ vai trò nhiều trọng nhất tôi trải qua chính là vai trò làm ĐBQH chuyên trách. Trước đây, mỗi lĩnh vực tôi phụ trách chỉ khoanh gọn trong chuyên ngành nhất định. Nhưng làm ĐBQH chuyên trách thì phải am hiểu, quan tâm, sâu sắc rất nhiều lĩnh vực. Và thế là quá trình miệt mài học và tự học lại tiếp tục”, nữ đại biểu bộc bạch.

z2855769165564-4b388204b21da016818e07148345b4a6-1634559361.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (bìa trái) lưu lại những khoảnh khắc kỷ niệm cùng các ĐBQH tại một kỳ họp Quốc hội. 

“Là một nhà văn, tôi thấy mình có thế mạnh nhất định khi làm ĐBQH. Văn chương và chính trị, theo tôi có mối quan hệ rất mật thiết. Giá trị của văn chương là phản ánh hiện thực cuộc sống, khắc họa lịch sử, nâng cao nhận thức cho con người. Vì thế, tiếng nói của văn chương góp phần giúp những người làm chính trị thấu hiểu hơn về các góc khuất của đời sống, về tâm tư nguyện vọng của người dân, để có những quyết sách, đề xuất chính sách phù hợp. Đồng thời, tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước một cách mềm mại, uyển chuyển qua các hình tượng nghệ thuật, dễ đi vào lòng người.

Và ngược lại, các chính sách của chính quyền có tác dụng kích thích văn chương phát triển theo chiều hướng có lợi cho chế độ, thể hiện qua sự ưu đãi, tôn vinh các tác giả, các cuộc thi, giải thưởng dành cho người sáng tác…”, đó có lẽ là một trong những chiếc “chìa khóa” quan trọng trong sự nghiệp.

Bà luôn tự nhủ: “Khi phát biểu trên nghị trường, mỗi ĐBQH phải suy nghĩ và chuẩn bị rất kỹ cho ý kiến của mình. Thẳng thắn và quyết liệt là phẩm chất cần thiết, nhưng diễn đạt thế nào lại là một nghệ thuật.

Tôi luôn đặt ra mục tiêu dù ở đâu, làm bất cứ việc gì cũng phải nhớ mình là đại biểu của nhân dân, coi đó là trục chính xuyên suốt hoạt động của mình. Từ đó, nỗ lực hết mức vì nhân dân, vì những người mà mình đang đại diện, sẽ chuyển tải đến Quốc hội những vấn đề nóng bỏng nhất của cuộc sống mà nhân dân đang cần giải quyết”.

Qua một nhiệm kỳ, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, bà đã có thật nhiều kỷ niệm: “Tôi thấy tâm đắc nhất là lần giúp người dân tại thị trấn Gia Lộc (huyện Gia Lộc, Hải Dương) thoát khỏi “đường điện tử thần”.

z2855771437092-f3a3e53bfb79a8a02ebc597fca79254b-1634559361.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga đến nhà thăm hỏi, lấy ý kiến của cử tri cao tuổi.

Tại một trục đường chính chạy qua thị trấn có rất đông dân cư, không hề có vỉa hè, từ cửa nhà dân bước xuống ngay lòng đường; lại có đường điện cao thế chạy ngay sát nhà dân, có nơi dây điện còn đi ngang hành lang, ngang cửa sổ nhà. Hệ thống này đã xuống cấp trầm trọng do được xây dựng từ thời Pháp thuộc.

Hằng năm, đều có những vụ tai nạn điện hết sức thương tâm. Đã có nhiều người tử vong do điện giật... Địa phương cũng “sốt ruột” nhưng chưa biết giải quyết ra sao. Nhiều công dân đã tìm đến tôi phản ánh nỗi khổ sở của họ khi phải sống sát cạnh “đường điện tử thần”.

Tổ chức cho đoàn ĐBQH đi khảo sát về, tôi mất ngủ 2 đêm vì trăn trở tìm cách tháo gỡ. Sau đó, tôi báo cáo Trưởng đoàn ĐBQH, đề nghị được gặp trực tiếp Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải để trình bày. Cuối cùng, mọi chuyện cũng được giải quyết, khi Bộ đồng ý với đề xuất của chúng tôi.

Khi ấy, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại, thư cảm ơn của nhân dân khu phố đó. Có bác còn gọi điện mời về “ăn liên hoan thịt chó” trong ngày hạ ngầm đường điện, vì nỗi lo bao năm của nhân dân đã được giải tỏa. Bác nói “Việc này đã cứu được bao mạng người đấy cháu ạ!”. Tôi cảm thấy rất vui, vì mình đã góp phần mang lại niềm vui, sự an toàn cho cuộc sống của nhân dân”.

z2855835279955-ec230b458c149902c8046158f2ef68f6-1634559361.jpg
Vị nữ đại biểu trong chuyến thực tế đáng nhớ tại Lai Châu năm 2020.

“Tôi là một phụ nữ của gia đình đúng nghĩa!”

“Ngoài công việc cơ quan, tôi là một phụ nữ của gia đình đúng nghĩa, như bao nhiêu người phụ nữ khác trên đất nước Việt Nam này.

Ngoài đọc sách và viết sách, tôi đặc biệt đam mê nấu ăn, dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Một chút tự hào là tôi được bạn bè, người thân thường xuyên khen là nấu ăn rất ngon và rất chịu khó vào bếp. Tôi thích làm các loại bánh để tặng cho người thân hoặc mời bạn bè đến nhà thưởng thức”, nữ ĐBQH khẽ mỉm cười.

Nhìn những hình ảnh nhiệt thành và sôi nổi trong suốt nhiệm kỳ qua, có lẽ ít ai có thể mường tượng hết cuộc sống thường ngày của vị ĐBQH này.

z2855836897092-4482c562d989707b4a9301e757ea0a73-1634559361.jpg
Cuộc sống thường ngày của vị nữ đại biểu, không thiếu những buổi giao lưu cùng giới văn nghệ sĩ.

“Là phụ nữ, tôi thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà mỗi phụ nữ phải trải qua trong cuộc sống của mình. Bởi vậy, tôi luôn mong muốn mỗi người phụ nữ hãy biết yêu thương trân trọng chính bản thân mình trong từng khoảnh khắc của cuộc đời.

Nghe có vẻ như là ích kỷ quá! Nhưng thực ra, khi phụ nữ thực sự biết yêu thương, trân trọng bản thân, họ sẽ nỗ lực đấu tranh với những điều cản trở, vùi dập sự phát triển của phụ nữ, sẽ dứt khoát không để bất cứ ai làm tổn thương mình, sẽ nhận ra đâu là người yêu thương, trân trọng mình.

z2856915384167-f0a3e54fcddc617052ff315ca28e0907-1634560256.jpg
Vị ĐBQH nhắn nhủ, phụ nữ hãy biết yêu thương trân trọng chính bản thân mình trong từng khoảnh khắc của cuộc đời.

Khi yêu thương và trân trọng bản thân là phụ nữ đã trao cho chính mình cơ hội hạnh phúc, cơ hội phấn đấu và thành công. Một người phụ nữ hạnh phúc là chúng ta có một gia đình hạnh phúc với những thành viên hạnh phúc và nhiều thế hệ hạnh phúc. Điều đó tạo nên một xã hội văn minh và tiến bộ”, nữ ĐBQH gửi gắm.

(Ảnh: NVCC).