Giải mã hội chứng khiến tóc bạc trắng chỉ sau một đêm

Việc bị bạc trắng đầu chỉ sau một đêm như trong các bộ phim cổ trang có ngoài đời thực hay không? Và nếu có thì đâu là nguyên nhân gây ra hiện tượng này?

Hoàng hậu Marie Antoinette là vợ Vua Louis 16 của Pháp và được mệnh danh là người phụ nữ đẹp nhất châu Âu. Tuy nhiên bà nổi tiếng với lối sống xa hoa, hưởng thụ dù rằng trước khi Vua Louis 16 lên ngôi, kinh tế Pháp đã rơi vào suy thoái. Đến năm 1786, ba năm trước cuộc Cách mạng Pháp, uy tín trước người dân của Marie Antoinette đổ vỡ nặng nề. Dưới con mắt người dân lao động, cung đình dưới triều Vua Louis 16 là nơi tạo ra tội ác, là nguồn gốc của sự hủ hóa, là sào huyệt của bạo chúa. Vì thế họ coi nhà vua và hoàng hậu là kẻ thù không đội trời chung.

giai-ma-hoi-chung-khien-toc-bac-trang-chi-sau-mot-dem1-1624371573.jpg

Tên của hoàng hậu Marie Antoinette được đặt cho hội chứng kỳ lạ khiến tóc một người bị bạc trắng chỉ trong thời gian ngắn. 

Sau khi những nỗ lực của hoàng hậu nhằm dập tắt cuộc cách mạng đều thất bại, cuối cùng hoàng gia đã lên kế hoạch trốn khỏi Paris. Tháng 6/1791, vua, hoàng hậu và các con của họ đã lên xe ngựa chạy đến Montmédy, thành phố gần Hà Lan do Áo kiểm soát. Nhưng đoàn người chạy trốn bị bám theo và cuối cùng bị bắt trở lại Paris.

Sau đó nhà vua bị kết tội phản quốc rồi bị xử chém ngày 21/1/1793. Về phần Hoàng hậu Marie Antoinette, bà bị đưa từ Tháp Đền đến Conciergerie ngay sau khi nhà vua bị hành quyết và chịu chung số phận với chồng, bị đưa lên đoạn đầu đài và bỏ mạng dưới máy chém vào tháng 10/1793.

Điều ly kỳ là theo lời Henriette Campan, hầu gái của hoàng hậu, vào trước đêm bị xử tử, bà cởi khăn và để lộ mái tóc trước kia vàng óng nay đã một màu bạc trắng như bà lão 70 tuổi. Sau đó, vị hoàng hậu cuối cùng của nền quân chủ Pháp cắt một lọn tóc, lồng vào nhẫn và nhờ người hầu trao lại cho công chúa Lamballe với lời nhắn bà đã kiệt quệ vì đau đớn.

Sự thay đổi đột ngột diện mạo của hoàng hậu ở tuổi 37 gây ấn tượng mạnh mẽ đến nỗi người ta đặt tên cho chứng bệnh kỳ lạ khiến tóc mất màu là hội chứng Marie Antoinette.

Theo The Atlantic, hội chứng Marie Antoinette (tên y học là canities subita) là thuật ngữ chỉ hiện tượng màu tóc bỗng nhiên chuyển thành bạc trắng trong thời gian ngắn do trải qua cú sốc, mất mát lớn hoặc tình huống đe dọa tính mạng.

Theo nghiên cứu năm 2013 của tạp chí Journal of Trichology, từ những năm 1800 đến nay, có 84 trường hợp tóc bạc trắng đột ngột được ghi nhận, trong đó, 14 ca được chính các bác sĩ chứng kiến.

giai-ma-hoi-chung-khien-toc-bac-trang-chi-sau-mot-dem3-1624371607.jpg

Mặt nạ đúc khuôn mặt Mary sau khi chết

Trước Hoàng hậu Marie Antoinette, Nữ hoàng Scotland Mary cũng bạc đầu khi phải lên máy chém vào năm 1587 ở tuổi 44. Khi đao phủ tháo chiếc khăn trùm đầu ra, mọi người vô cùng ngạc nhiên vì mái tóc của bà đã bạc trắng. "Không phải tuổi già mà chính những tai họa, nỗi đau trong thời gian bị giam cầm đã khiến bà ấy ra nông nỗi này",nhà quý tộc Pháp Pierre de Bourdeille từng mô tả.

Shah Jahan là vị hoàng đế Ấn Độ nổi tiếng yêu vợ hết mực. Sau khi hoàng hậu qua đời, tóc của hoàng đế cũng bạc trắng chỉ sau một đêm. Được biết sau đó ông đã dành toàn bộ thời gian còn lại trong cuộc đời để xây lăng mộ cho người vợ yêu của mình.

Vào khoảng thế kỷ 19, các tài liệu y học tiếp tục ghi nhận về hiện tượng tóc một người bị bạc trắng nhanh chóng mà nguyên nhân đa phần là do căng thẳng và sang chấn tâm lý. Năm 1851, theo báo cáo trên Tạp chí Y khoa và Phẫu thuật Boston, một người đàn ông 30 tuổi đã bạc hết tóc vì sợ hãi sau khi “chạm trán” gấu trong rừng. Năm 1902 là trường hợp người phụ nữ 22 tuổi bị bạc toàn bộ tóc phía bên phải sau khi chứng kiến một vụ giết người kinh hoàng. Các bác sĩ tại bệnh viện London (Anh) thông tin, tất cả sắc tố màu nửa bên phải cơ thể cô gái biến mất là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Năm 1913, theo Scientific American, một binh sĩ Pháp, 23 tuổi, sống sót trong một vụ nổ nhưng khi được đến bệnh viện, ngày hôm sau, nửa đầu bên trái của người này đã bạc trắng. Các triệu chứng khác của bệnh nhân là mí mắt trái co giật liên tục và bầm tím phần cơ thể bên trái.

Thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhiều ghi chép cho thấy các nạn nhân sống sót từ những vụ ném bom thường bị bạc đầu. Năm 1957, một người đàn ông 63 tuổi cũng bị bạc tóc sau vài tuần ngã cầu thang.

giai-ma-hoi-chung-khien-toc-bac-trang-chi-sau-mot-dem41-1624371639.jpg

Giới khoa học hiện vẫn chưa thể lý giải về hội chứng Marie Antoinette.

Thực tế cho đến nay, giới khoa học vẫn chưa thể xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tóc bạc trắng đột ngột. Theo một số nghiên cứu, nguyên nhân của tình trạng này không phải là do tóc bị đổi màu mà là các sắc tố trong tóc bị mất dần.

Các trường hợp mắc hội chứng Marie Antoinette thường được cho là do một rối loạn tự miễn. Nó xảy ra khi cơ thể thay đổi cách phản ứng với các tế bào khỏe mạnh và tấn công chúng tình cờ. Trong trường hợp các triệu chứng giống như Marie Antoinette, cơ thể sẽ ngưng việc sản xuất sắc tố hóa tóc bình thường. Kết quả, mái tóc sẽ có màu xám hoặc màu trắng. Căng thẳng có thể làm tình trạng đó xảy ra nhanh và mạnh hơn. Đó có thể là lý do nhiều người bị bạc tóc đột ngột khi bị căng thẳng thái quá hay trải qua những điều kinh khủng, đáng sợ.

Một giả thuyết khác là căng thẳng tấn công trực tiếp vào hệ thống sản xuất sắc tố khiến tóc có màu không mọc ra nữa. Năm 2011, công trình nghiên cứu do Robert Lefkowitz dẫn đầu thử nghiệm trên chuột cho thấy stress mạn tính làm hỏng ADN dẫn tới bạc tóc.

giai-ma-hoi-chung-khien-toc-bac-trang-chi-sau-mot-dem2-1624371663.jpg

Dù chịu cú sốc tinh thần hay biến cố cũng cần một thời gian mới có thể biến mái tóc trở nên bạc trắng. (Ảnh minh họa)

Thực tế, rất khó để nghiên cứu và đưa ra câu trả lời chính xác về nguyên nhân gây ra hội chứng Marie Antoinette bởi những tình huống đe dọa, gây sốc không thể dự đoán. Dù chịu cú sốc tinh thần hay biến cố nghiêm trọng cũng cần một thời gian mới có thể biến mái tóc một người trở nên bạc trắng. Do đó, cho đến nay hội chứng Marie Antoinette vẫn là ẩn số đối với giới khoa học.

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật