Giao thông tuần qua: VNR muốn vay 800 tỷ không tính lãi để cầm cự, tiến độ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây 'mắc kẹt'

Lỗ hơn 1.300 tỷ, VNR muốn được vay 800 tỷ không tính lãi để tránh phải dừng hoạt động; tiến độ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây 'mắc kẹt' vì khan hiếm đất đắp đường và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất tư vấn nước ngoài xây dựng Cầu Rạch Miễu 2... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

dg-1624759559.png

VNR muốn được vay 800 tỷ không tính lãi để tránh phải dừng hoạt động.

VNR muốn được vay 800 tỷ không tính lãi để tránh phải dừng hoạt động

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hỗ trợ khoản vay 800 tỷ đồng không tính lãi nhằm bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ phải dừng hoạt động vì tác động của dịch Covid-19.

Theo ông Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR, dù đang thực hiện các giải pháp như siết chặt quản trị, giảm chi phí, bao gồm giảm lương trong điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn hiện nay, nhưng năm 2020, tổng công ty đã lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến năm 2021 lỗ thêm 942 tỷ đồng.

Do đó, doanh nghiệp này kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ đồng vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động, đồng thời đề nghị có chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động của tổng công ty đang bị mất và thiếu việc làm.

Ngoài ra, VNR cũng đề xuất giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho năm 2021 và các năm tiếp theo; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong năm 2021.

VNR cũng kiến nghị ưu tiên cho 6.678 lao động tuyến đầu có nguy cơ cao bị lây nhiễm được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 sớm vì nếu những lao động này bị nhiễm bệnh và bị cách ly thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, làm gián đoạn công tác vận tải của ngành đường sắt. (Xem thêm)

Khánh Hoà đề xuất làm cao tốc Đà Lạt - Nha Trang dài 85km

UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết vừa đề xuất Bộ GTVT bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Đà Lạt - Nha Trang vào quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030.

Dự kiến, tuyến cao tốc Đà Lạt - Nha Trang sẽ có chiều dài khoảng 85km, khởi công trong giai đoạn 2021 - 2025, được xây dựng theo hình thức PPP (đối tác công - tư) và nhà nước sẽ bỏ kinh phí đầu tư khoảng 50%.

Theo UBND tỉnh Khánh Hoà, việc xây dựng cao tốc Đà Lạt - Nha Trang nhằm mục đích rút ngắn khoảng cách, thúc đẩy kinh tế - xã hội, du lịch và tăng cường giao lưu văn hoá giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hoà.

Hiện nguồn lực tỉnh Khánh Hoà còn hạn chế, đang tập trung cho mục tiêu xây dựng tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 nên tỉnh đề nghị Bộ GTVT xem xét, bố trí nguồn vốn Trung ương để thực hiện dự án này.

Trước đó, tỉnh Khánh Hoà cũng đã được Bộ GTVT đưa tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang (dài 113km, vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng) và Nha Trang - Vân Phong (dài 83km, vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng) vào quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030. (Xem thêm)

TP. HCM đề xuất đầu tư 1.500 tỷ đồng mở rộng Quốc lộ 50

UBND TP. HCM vừa có tờ trình gửi HĐND TP. HCM về quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh.

Theo đó, UBND TP. HCM đề nghị HĐND TP. HCM xem xét, chấp thuận chủ trương về đầu tư dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh với chiều dài tuyến khoảng 6,92 km, bao gồm đoạn 1 dài 4,36 km xây dựng mới đường song hành Quốc lộ 50 và đoạn 2 dài 2,56 km mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu; xây dựng mới cầu Bà Lớn, chiều dài 80 m, chiều rộng 34 m; xây dựng mới cầu Ông Thìn song song với cầu Ông Thìn hiện hữu, kết hợp gia cường cầu Ông Thìn hiện hữu với chiều dài 240 m, chiều rộng 25 m.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.499 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương hơn 687,27 tỷ đồng, ngân sách TP hơn 812,2 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2021-2024.

Theo báo cáo trước đó của Sở giao thông vận tải TP. HCM, dự án Quốc lộ 50 là tuyến đường trục giao thông đối ngoại quan trọng của TP. HCM kết nối với các tỉnh Long An và Tiền Giang. Đồng thời, đây cũng là đường dẫn vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nên mật độ giao thông rất lớn.

Đường hiện hữu đang khai thác có mặt đường hẹp, các phương tiện tham gia giao thông như xe tải, xe chở rác, container lưu thông hỗn hợp với xe gắn máy, xe thô sơ, vì vậy tuyến đường thường xuyên ùn ứ đặc biệt tại giao lộ Quốc lộ 50 - đường Nguyễn Văn Linh và nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. (Xem thêm)

Đề xuất tư vấn ngoại thiết kế cầu Rạch Miễu 2

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết cầu Rạch Miễu 2 gồm 2 cầu lớn là Cầu Rạch Miễu 2 (cầu số 1) dài 1.950m với phần cầu chính dây văng hai phẳng mặt dây, nhịp chính dài 270m và cầu Mỹ Tho (cầu số 2) dài khoảng 460m nhịp chính đúc hẫng.

Do Rạch Miễu 2 có kết cấu nhịp dây văng lớn 270m là công trình cấp đặc biệt, có tính chất kỹ thuật phức tạp, đặc thù, đòi hỏi tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công cần có năng lực, kinh nghiệm sâu về cầu dây văng và kết cấu, nhân lực trình độ cao, có năng lực huy động và xử lý kỹ thuật nhanh và hiệu quả.

Xuất phát từ đặc điểm địa hình, địa chất của khu vực dự án và các yêu cầu về chất lượng, an toàn trong thiết kế thi công cầu dây văng như đảm bảo tính chính xác của hồ sơ thiết kế, yêu cầu kỹ thuật cao, khu vực dự án có địa chất phức tạp,… rất cần lựa chọn nhà thầu tư vấn nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm trong thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công.

Trên cơ sở đó, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà thầu tư vấn nước ngoài để thực hiện việc khảo sát, thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công cầu dây văng Rạch Miễu 2 (cầu số 1) thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Đề xuất trên của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận gặp phải sự phản ứng khá găy gắt của các chuyên gia ngành giao thông.

Theo ông Trịnh Xuân Cường, nguyên Cục phó Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT, cũng bày tỏ thái độ không đồng tình với đề xuất trên. Bởi lẽ với khẩu độ dây văng 270m tại cầu Rạch Miễu 1 (bằng đúng cầu Rạch Miễu 2 hiện nay), những kỹ sư trong nước đã tự hoàn thành thiết kế, thi công và đưa vào sử dụng từ năm 2009.

"Giờ đây, sau 13 năm với nhiều sự tiến bộ vượt bậc về con người, công nghệ, các kỹ sư Việt thừa đủ sức làm dự án trên. Nhìn sang ngay bên cạnh, cầu Mỹ Thuận 2 đang thi công gồm 100% các kỹ sư Việt có khẩu độ cầu dây văng lên tới 350m. Vậy cớ gì phải đi thuê thiết kế nước ngoài vừa đắt đỏ, vừa tốn kém?", ông Cường nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Tống Trần Tùng, nguyên Vụ phó Vụ khoa học công nghệ, Bộ GTVT khẳng định: "Chuyện mời tư vấn nước nước ngoài thiết kế cầu Rạch Miễu 2 là vớ vẩn, trừ khi chúng ta đi vay vốn nước ngoài, bị ràng buộc điều khoản hợp đồng thì phải chịu thôi. Nhưng đây là dự án vốn trong nước, tại sao lại tính chuyện đi thuê nước ngoài cho đắt đỏ?". (Xem thêm)

Tiến độ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây "mắc kẹt" vì khan hiếm đất đắp đường

Dù đạt mức giải ngân tốt nhưng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chưa thể tăng tốc thi công vì thiếu nguồn đất đắp đường. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ cho dự án, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn "dẫm chân tại chỗ" vì... vướng luật.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một trong những dự án đạt tốc độ giải ngân tốt nhất hiện nay. Cụ thể, từ 1/1/2021 đến 1/6/2021, dự án đã giải ngân được 1.388 tỷ đồng/ 2.439,5 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch.

Đây là tiền đề tốt để triển khai 63 mũi thi công tại 4 gói thầu trên toàn tuyến, gồm: Gói 1- XL (15 mũi thi công), gói 2-XL (18 mũi thi công), gói 3-XL (18 mũi thi công) và gói 4-XL (11 mũi thi công).

Theo ông Nguyễn Công Hợp, Phó trưởng phòng Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án Thăng Long, nhờ có mặt bằng sạch, sau 7 tháng thi công, hình hài cao tốc hiện lên khá rõ nét. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là thiếu hụt đất đắp nền đường.

Ví dụ tại gói thầu tại tỉnh Đồng Nai, nhu cầu về đất san lấp khoảng 2,9 triệu m3, chưa tính khối lượng đất tận dụng, điều phối trong tuyến. Tuy nhiên, hiện đang thiếu khoảng 2 triệu m3. Điều này gây khó khăn lớn đối với các nhà thầu, ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng dự án. (Xem thêm)

Chí Bình - Chuyên trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam/VietnamFinance