Giữa 'rừng' thực phẩm chức năng, người tiêu dùng cần lưu ý gì để mua được sản phẩm an toàn?

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tránh thiệt hại về kinh tế, người tiêu dùng cần nắm rõ một số thông tin như nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, tính năng, công dụng của sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng).

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hằng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Có thể tìm thấy thực phẩm bảo vệ sức khỏe ở dạng viên nang, viên nén, chế phẩm dạng cốm, bột, lỏng, các dạng bào chế khác và được phân liều (để sử dụng) thành các đơn vị liều nhỏ.

Hiện nay, thông qua nhiều kênh thông tin đa dạng, đặc biệt là các trang mạng xã hội và website, người tiêu dùng được tiếp cận với hàng loạt thông tin quảng cáo về công dụng, hiệu quả đối với sức khỏe của một số sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Tuy nhiên, trước tình trạng thông tin nhiễu loạn như hiện nay, người tiêu dùng cần được tuyên truyền các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, các yêu cầu, quy định liên quan đối với việc sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe để có cơ sở quyết định lựa chọn đúng, tránh mua các sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng sức khỏe và thiệt hại kinh tế.

Cũng theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm trong năm 2019, các Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã kiểm tra 105 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phát hiện 22 cơ sở vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính cơ sở vi phạm với số tiền phạt: 1.279.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn 03 cơ sở, buộc tháo gỡ quảng cáo 12 cơ sở, tiêu huỷ sản phẩm của 07 cơ sở. Đồng thời cơ quan quản lý cũng đăng công khai kết quả xử lý sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm.

Ảnh minh họa 

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, để sản xuất và kinh doanh, lưu thông thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên thị trường đòi hỏi các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đáp ứng điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm từ sản xuất cho đến điều kiện bảo quản và điều kiện lưu thông theo các quy định hiện hành.

Đồng thời, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải thực hiện việc công bố chất lượng sản phẩm và quy định về nhãn sản phẩm như: Tên hàng hoá, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá, định lượng, ngày sản xuất và hạn sử dụng, thành phần, thành phần định lượng hoặc giá trị dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, ghi cụm từ “ Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, ghi đầy đủ cụm từ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”… Riêng đối với sản phẩm nhập khẩu phải có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt rõ ràng, đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định.

Khi muốn quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo và phải tuân thủ các quy định: Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm; không sử dụng các hình ảnh trang thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo; Phải có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” đối với quảng cáo trên báo nói và báo hình; trường hợp thời lượng quảng cáo dưới 15 giây thì không phải đọc, nhưng phải thể hiện rõ khuyến cáo trong quảng cáo.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và chấn chỉnh hoạt động quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang lưu thông trên địa bàn thành phố, trong năm 2020, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã có văn bản số 237/BQLATTP-Ttra ngày 03 tháng 02 năm 2020, theo đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm và Ủy ban nhân dân 24 quận/huyện tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo.

Ngoài ra, tiến hành tăng cường hậu kiểm trên địa bàn thành phố về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo, đài; trên internet và môi trường mạng để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo.

"Để bảo vệ sức khỏe và tránh thiệt hại về kinh tế, người tiêu dùng cần nắm rõ thông tin về sản phẩm như nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, tính năng, công dụng của sản phẩm trước khi mua và phải sử dụng đúng cách tránh lạm dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Không mua các sản phẩm có thông tin được quảng cáo sai sự thật về công dụng, hiệu quả đối với sức khỏe một số sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được sản xuất trong nước và nhập khẩu đã quảng cáo sai sự thật trên các trang mạng xã hội và website đã được cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của Cục An toàn thực phẩm tránh ảnh hưởng sức khỏe và kinh tế cho người sử dụng", Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo.