Gói hỗ trợ lần 2: Đừng để xảy ra cảnh “muốn nhận hỗ trợ, chỉ có nước nhảy vào ti vi!”

Dư luận đang kỳ vọng vào gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Chính sách hỗ trợ mới khi dịch bùng phát là điều cần thiết, tuy nhiên, cần phải nhìn nhận và đánh giá lại hiệu quả của chính sách đã ban hành trước đó khi đưa ra gói hỗ trợ mới.

Đề xuất gói hỗ trợ lần 2

Mới đây, bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có công văn gửi bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh. Kinh phí của gói hỗ trợ lần này lên tới 18.600 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm.

Theo đề xuất, đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh); người lao động tại khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, mức vay tối đa theo quy định tại Nghị định số 74/2019/NĐ-CP (đối với cơ sở sản xuất kinh doanh 2 tỷ đồng, đối với người lao động 100 triệu đồng).

Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới, thời gian áp dụng từ ngày 1/9/2020 đến ngày 1/9/2021. Lãi suất vay là 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Kinh phí ước tính là 15.000 tỷ đồng.

Người lao động ở Hà Nội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi). Đối tượng thụ hưởng của chính sách này là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động.

Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người (hộ)/tháng và (hoặc) 1.000.000 đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Hỗ trợ tối đa 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2020. Kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.

Nếu được chấp thuận, thì gói hỗ trợ này sẽ là gói hỗ trợ thứ hai sau gói 62.000 tỷ đồng đã được triển khai hồi tháng 5/2020. Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng mới tiếp cận được 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng (chủ yếu là hộ thuộc diện chính sách) với tổng kinh phí là 17.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quá trình triển khai, nhiều chuyện dở khóc dở cười khi nhiều địa phương đã để tiền “đi lạc” vào các “hộ giàu” - những hộ không thuộc diện được nhận chính sách ưu đãi.

Ông Nguyễn Hữu Phước (53 tuổi) - một người dân chạy xe ôm ở Hà Nội cho biết, hai vợ chồng làm nghề tự do, khi làm hồ sơ gửi lên phường nhưng không đủ điều kiện nhận được tiền hỗ trợ. Hay chị Đỗ Mai (quê Nam Định) - bán hàng rong ở khu vực phố cổ Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 khiến chị không buôn bán được như trước. Thu nhập thấp mà tiền nhà vẫn không giảm. Khi về quê, chị muốn nhận hỗ trợ thì chị cũng không được nhận vì không thuộc hộ nghèo.

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận, gói hỗ trợ lần 2 cần phải có độ phủ rộng hơn, phải bao quát toàn diện các đối tượng bởi dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực; đồng thời nới lỏng điều kiện xác minh, xét duyệt.

Ông Doanh cho rằng, việc doanh nghiệp chưa tiếp cận được gói hỗ trợ lần 1, bộ, ngành cần xem xét lại vì sao, chính sách đã thực sự hiệu quả hay chưa, cần điều chỉnh, bổ sung và quan trọng, một chính sách mới thì phải cởi mở hơn, thiết thực và ý nghĩa hơn.

Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu

Khi rất nhiều ngành nghề chới với, lao đao trong dịch bệnh, sẽ không một doanh nghiệp nào nằm im để đợi “phao cứu sinh”. Họ sẽ phải vùng vẫy bằng mọi cách để khỏi “chết đuối”, dù hoạt động chỉ một vài ngày trong cả tháng. Thực tế, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, dù chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh và phải cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô nhưng vẫn không thể “chạm tay” vào các gói hỗ trợ từ bộ, ngành.

Khi khảo sát về tình hình kinh doanh khách sạn tại khu vực phố cổ Hà Nội, PV đã nhận được rất nhiều cái lắc đầu của các chủ doanh nghiệp khu vực này. Hay nói theo cách nói đùa thì “muốn nhận hỗ trợ, chỉ có nước nhảy vào ti vi mà nhận”.

Khi trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Anh Quân - Tổng Giám đốc công ty Cổ phần quản lý G7 Taxi - cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, công ty có hơn 1.000 lái xe đã hoàn tất thủ tục xin hỗ trợ bởi dịch Covid-19 theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, song chưa có trường hợp nào được giải quyết.

“Cái khó trong quy định hỗ trợ là chỉ áp dụng với lao động bị hoãn hợp đồng, nghỉ việc liên tục từ 1/4/2020 đến 30/6/2020 trong khi các tài xế chỉ nghỉ liên tục 22 ngày, sau đó luân phiên đi làm trở lại. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng theo. Tuy vậy, do thời gian nghỉ không đủ một tháng liên tục nên những lao động này cũng không đủ điều kiện để được hỗ trợ”, ông Quân cho hay. Còn về mong muốn trong gói hỗ trợ lần 2, ông Quân nói rằng “không kỳ vọng nhiều”.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - bày tỏ: “Gói tín dụng 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% hỗ trợ người lao động ngừng việc đưa ra điều kiện doanh nghiệp phải không có doanh thu, đã sử dụng hết các quỹ mới được vay. Nhưng thực chất, nếu không còn doanh thu, doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động thì đâu cần vay”.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, hiệu quả các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội thời gian qua chỉ ở mức vừa phải. TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng viện Quản lý kinh tế Trung ương - nói rằng, gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng mới triển khai được hơn 17.000 tỷ đồng là tỷ lệ thấp. “Tôi cho rằng có tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, khiến việc triển khai hỗ trợ bị chậm trễ, thậm chí sai đối tượng”, ông Thành bày tỏ.

Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách cục Việc làm (bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: Dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp và khó lường, thời gian ảnh hưởng không ngắn với người lao động. Gói hỗ trợ tiếp theo hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động là cần thiết.

“Tuy nhiên, trước hết, các cơ quan chức năng phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện và sửa đổi những gói hỗ trợ đã có ở đây là gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đang được triển khai. Trong đó, đặc biệt chú ý đến vấn đề thủ tục hành chính và điều kiện được hưởng để các gói hỗ trợ này thực sự thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động. Phải làm sao để nhiều đối tượng được tiếp cận tiền hỗ trợ chứ không nên đưa ra nhiều điều kiện quá khắt khe”, ông Trung nói.