Hà Nội: Không nên quyết định vội vàng việc dừng giãn cách xã hội

Nguy cơ lây lan dịch bệnh ở Hà Nội vẫn còn cao và khó lường, do đó các chuyên gia khẳng định vẫn còn quá sớm để thành phố nới lỏng giãn cách xã hội.

ha noi van con qua som de noi long gian cach xa hoi 01

Vẫn còn quá sớm để Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội. Ảnh minh họa

Trước diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 bắt đầu từ 6h ngày 24/7 đến ngày 7/8. Sau đó, đến chiều 6/8, UBND TP. Hà Nội chính thức có Công điện về việc tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội đến 6h sáng 23/8.

Theo chuyên gia phòng chống dịch của Hà Nội, việc xem xét nới lỏng các biện pháp phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có xét nghiệm diện rộng.

Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh ở thủ đô vẫn ở mức cao và khó lường; việc xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng vẫn ghi nhận thêm các ca mắc mới; có thể còn có các trường hợp F0 khác trong cộng đồng chưa được bóc tách hết; trong các khu phong tỏa vẫn xuất hiện nhiều F0 do truy vết không kịp hoặc thực hiện “chặt ngoài, lỏng trong”.

Do đó, các chuyên gia khẳng định vẫn còn quá sớm để Hà Nội có thể “yên tâm”.

Theo VOV, GS.TS Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng viện Huyết học và truyền máu Trung ương) cho rằng hiện còn sớm để nói về việc này. Nếu Hà Nội dừng giãn cách vào ngày 23/8 tới - thời điểm cách nghỉ lễ 2/9 hơn một tuần, thì với tâm lý chung là muốn giải tỏa sau một tháng giãn cách, có thể người dân sẽ đổ ra đường, tụ tập đông người ở các điểm vui chơi, đẩy nguy cơ bùng phát dịch lên cao. GS.TS Nguyễn Anh Trí nhận định, kết quả chống dịch sẽ chưa thực sự bền vững khi vẫn còn F0 ngoài cộng đồng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế), Cố vấn trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng, Hà Nội không nên quyết định vội vàng việc dừng giãn cách. Theo đó, cần đánh giá rất cẩn trọng từng yếu tố, nhất là kết quả của công tác truy vết, bóc tách F0 và việc xét nghiệm sàng lọc trong tuần này.

Theo tờ Tiền phong, nhìn nhận nguy cơ dịch bệnh rất cao, Thường trực Thành uỷ Hà Nội yêu cầu các nơi phong tỏa phải kiểm soát nghiêm hơn, chặt hơn, bố trí lực lượng, phương tiện cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho từng gia đình, từng người dân để nhân dân yên tâm ở tại chỗ, không ra ngoài, phòng ngừa lây lan dịch trong khu phong tỏa.

Đồng thời, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả việc xét nghiệm diện rộng, trong đó lưu ý việc xác định các khu vực nguy cơ cao bảo đảm chính xác, ưu tiên xét nghiệm các “vùng đỏ”, đối tượng nguy cơ cao như: lực lượng tuyến đầu, người lao động tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa, vận tải, dịch vụ, công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, giáo viên, học sinh, cán bộ, nhân viên các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm cai nghiện...

Tính đến chiều 19/8, Hà Nội công bố ghi nhận thêm 53 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Tính trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 24/7 đến hết ngày 19/8, thành phố ghi nhận 1.720 ca dương tính, trong đó có hàng trăm ca mắc được phát hiện trong cộng đồng.

Hoa Vũ (T/h) - Người Đưa Tin Pháp Luật